Văn hóa vỉa hè và văn minh đường phố

Các TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... cũng đang ráo riết làm như một phong trào. Nhưng thiết nghĩ việc này không nên là phong trào, bởi nếu là phong trào sẽ lại rơi vào cảnh “đánh trống bỏ dùi”. Vả lại việc này đáng lẽ đã phải làm từ lâu với chiến lược lâu dài, ổn định. Ổn định hè phố không bị tái lấn chiếm là cần thiết nhưng quan trọng nhất là ổn định tư tưởng những người buôn bán trên vỉa hè từ lâu nay, chuẩn bị chu đáo nơi chốn thay thế cho họ mưu sinh. Bởi hầu hết họ là người lao động nghèo. Cái xe bánh mì, gánh bún, nồi cháo, thúng xôi, thùng nước sâm… là phương tiện mưu sinh nuôi sống cả gia đình, không thể một sớm một chiều bắt họ thay đổi ngay. Giành lại vỉa hè, lập lại nét đẹp phố phường để TP ra nét văn minh cũng cần có những hành động văn minh tương xứng.

Kinh doanh trên vỉa hè không chỉ ở Việt Nam hay một số nước quanh ta như Thái Lan, Indonesia… mà nay đã trở thành vấn nạn đối với các quốc gia đang phát triển này. Ngay tại các quốc gia tiên tiến, văn minh như Pháp, Ý, Anh, Mỹ… cũng có kinh doanh trên vỉa hè. Trên hè phố New York vẫn có những xe bán hot dog, snack và những thứ linh tinh khác. Hay ở khu phố Tàu, người ta bày bán áo quần sale bên hè phố. Ở Paris, nhiều quán cà phê trên hè phố đi bộ thu hút không ít khách, cả khách địa phương lẫn du khách nước ngoài đều rất thích thú ngồi nhâm nhi ly cà phê giữa không khí êm ả một cách rất có văn hóa… Vấn đề là từ lâu người ta đã quy hoạch, những đường nào xe được chạy, đường nào chỉ dành cho người đi bộ, không phải con đường nào xe cũng chạy ào ào như ở ta. Văn hóa vỉa hè và văn minh đường phố không thể tự nhiên mà có dù đó là quốc gia văn minh, tiên tiến. Chính quyền các TP đó đã nghiên cứu, quy hoạch ổn định, lâu dài, sắp xếp những người kinh doanh trên vỉa hè có điều kiện. Điều này TP ta cũng nên nghiên cứu, học hỏi để làm có hiệu quả, không nên vội vàng tạo những bức xúc không đáng có cho người dân, nhất là những người dân nghèo. Người xưa dạy “dục tốc bất đạt”. Mấy chục năm qua, chính quyền địa phương mỗi khi có chiến dịch dẹp lòng, lề đường, hầu hết làm kiểu phong trào, “bắt cóc bỏ dĩa”. Cái hoạt cảnh mà chúng ta và nhiều du khách nước ngoài lâu nay vẫn thường bắt gặp trên hè phố là hễ có xe tuần tra của công an phường hay dân phòng đi tới thì những người buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường nháo nhào như vịt, cố thu xếp, gom đẩy hàng hóa vào trong lề. Ai chậm tay thì bị mấy anh dân phòng hốt vài cái bàn, mấy cái ghế nhựa, tấm bảng hiệu… quẳng lên xe chở về phường, rồi ai lên đóng phạt thì được đem về. Xe công an, dân phòng qua rồi, mọi chuyện lại như cũ. Cái hoạt cảnh có vẻ khôi hài đó cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác. Cái nét văn minh đường phố bị xóa nhòa bởi sự thiếu nhất quán . Đến nay thì chuyện “giành lại vỉa hè” đã như một quốc sách diễn ra cả nước. Vì vậy, không nên là chiến dịch mà phải là chiến lược. Mà chiến lược thì phải nghiên cứu, có kế hoạch vừa giành lại vỉa hè vừa để người dân “tâm phục khẩu phục” thì mới được coi như thành công. Cần phải sắp xếp nơi mua bán thay thế vỉa hè. Có thể sắp xếp những con hẻm lớn hay những con đường nhỏ trong những khu sầm uất làm phố đi bộ, vừa tạo nét văn hóa phố phường lại vừa có tính nhân bản. Vỉa hè, đường phố là nơi mà mọi chuyện đều phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ, rất cần nét văn hóa mang đậm tính nhân bản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm