Văn hóa, đạo đức xã hội không có bước tiến

Muốn thay đổi được hiện trạng xuống cấp của văn hóa, đạo đức thì phải thống nhất nhận thức đó không phải là công việc của riêng ngành văn hóa mà của nhiều ngành và của mỗi người dân Việt Nam.

Giáo dục nỗ lực đổi mới

Tôi nhìn nhận về giáo dục nước ta trong năm 2015 thông qua năm sự kiện.

Đầu tiên là việc đổi mới kỳ thi quốc gia THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Thứ hai là việc công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Thứ ba là kết quả kiểm tra theo chương trình PISA của học sinh lứa tuổi 15 đối với ba môn toán, khoa học và đọc hiểu (tiếng Việt). Thứ tư là việc ban hành chuẩn quốc gia đối với các trường ĐH. Cuối cùng là việc không cho điểm ở tiểu học và cấm tuyển sinh vào lớp 6.

Trong năm sự kiện được nêu ra thì bốn sự kiện nói lên sự cố gắng đổi mới giáo dục của Bộ GD&ĐT theo Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Trong những nỗ lực ấy, có những nỗ lực thành công nhưng cũng có những nỗ lực chỉ thành công một nửa và những nỗ lực không thành công. Cụ thể như việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đã diễn ra tương đối suôn sẻ, nghiêm túc nhưng phần tuyển sinh vào ĐH hơi lộn xộn. Việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thể hiện tư tưởng mới. Cá nhân tôi đã đọc kỹ và hài lòng về chương trình tổng thể này. Tuy nhiên, quan điểm dạy lịch sử - một bộ phận của chương trình vấp phải sự phản ứng của nhiều người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử. Tiếp đó, việc không cho điểm ở tiểu học và cấm thi tuyển sinh vào lớp 6 mặc dù động cơ là nhằm giảm áp lực cho học sinh, tránh “trường chuyên, lớp chọn” nhưng khiến các trường lúng túng và hai câu chuyện đó đến nay vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng. Về tinh thần thì những nỗ lực trên là đáng quý nhưng Bộ GD&ĐT nên rút kinh nghiệm, trước khi đưa ra chủ trương mới cần nghiên cứu kỹ lưỡng và làm công tác tuyên truyền cho tốt, lường trước những vấn đề nảy sinh, kể cả dư luận xã hội để đỡ lúng túng, bị động.

Qua việc góp ý cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và cho ngành giáo dục nói chung, tôi thấy bên cạnh những ý kiến đúng cũng có những ý kiến chưa hiểu giáo dục. Vì vậy, bên cạnh việc nghiên cứu phản ứng của dư luận thì cơ quan nhà nước cũng cần phải kiên trì với quyết định của mình, nếu cứ chạy theo dư luận thì không làm gì được cả.

Ý thức của các bạn trẻ đấu tranh với cái sai, kể cả phát biểu trên báo chí hay trên mạng rất nhiệt huyết. Ảnh minh họa: HTD

Điểm sáng ý thức công dân

Về văn hóa, đạo đức xã hội thì năm qua, theo tôi, nói chung không có tiến bộ. Chuyện vi phạm ATGT, chiếm dụng hè phố, mất vệ sinh, lộn xộn trong các lễ hội, các điểm du lịch văn hóa, đền chùa vẫn diễn ra. Đường phố nhếch nhác, chẳng ai nhường ai, nhiều người hễ va chạm là đâm chém nhau, đường hoa ở thủ đô thì bị vặt sạch hoa và giẫm nát bét. Những tục lệ phản cảm trong một số lễ hội dù đã được giảm thiểu ít nhiều nhưng tình trạng cướp lộc, đánh nhau vẫn tạo ra hình ảnh rất lộn xộn, không ra lễ hội của một nước văn minh.

Hiện tượng mê tín dị đoan ngày càng phổ biến. Thậm chí có nhiều đồng chí lãnh đạo không nhận ra điều đó mà vô tình khích lệ những hủ tục này. Hiện tượng hối lộ thần thánh không chấm dứt. Tôi đã đi thăm chùa ở Thái Lan, Lào, Ấn Độ, thấy các nước bạn không có chuyện hối lộ thần thánh như ở ta. Việc cầu cúng ở nước họ cũng chỉ cầu sức khỏe, hạnh phúc, bình an, chứ không ai cầu thăng quan tiến chức hay “trúng quả đậm” như xứ mình, vì nó trái với giáo lý nhà Phật.

Đạo đức xã hội phải nói là xuống cấp nghiêm trọng. Dẫn chứng thì ai cũng biết cả rồi.

Tuy nhiên, năm qua cũng có một điểm sáng là ý thức công dân của một bộ phận xã hội, trong đó có các bạn trẻ đã có những chuyển biến rất tốt. Trước đây có những việc ta cứ yên tâm có Nhà nước lo, biết cũng không lo; nhưng bây giờ có nhiều việc người ta xắn tay áo làm, như làm từ thiện. Bên cạnh những quỹ từ thiện có quy mô, đăng ký hoạt động với Nhà nước như Quỹ “Vì học trò nghèo vùng cao” (thường được biết dưới tên gọi “Cơm có thịt”) của nhà báo Trần Đăng Tuấn hay quỹ của một số cơ quan báo chí, nhiều công dân đã sốt sắng đứng ra lo giúp đỡ người dân và trẻ em vùng khó khăn mỗi khi có thiên tai. Ý thức của các bạn trẻ đấu tranh với những cái sai, kể cả phát biểu trên báo chí hay trên mạng, rất nhiệt huyết. Các hành vi cư xử với người yếu thế, động vật tự nhiên, hoang dã mà không đúng đắn đều bị nhiều người lên án.

Năm 2016, tôi kỳ vọng giáo dục của chúng ta có những chuyển biến có tính chất đánh dấu, đổi mới thật sự không chỉ ở giáo dục phổ thông mà cả ở ĐH và dạy nghề.

Ở bình diện xã hội, Đại hội XII đã bầu ra ban lãnh đạo mới của Đảng; Quốc hội khóa XIV cũng sẽ bầu ra bộ máy lãnh đạo mới của Nhà nước. Có đội ngũ lãnh đạo đủ đức, đủ tài là nền tảng quan trọng cho đổi mới mạnh mẽ, toàn diện. Trong đổi mới, tôi kỳ vọng xây phải đi liền với chống. Ba tên giặc nội xâm cần chống là tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Không chống được ba tên giặc này thì có xây gì cũng như làm nhà không móng. Nếu không chống được tham nhũng thì không chỉ mất của mà còn mất lòng dân. Lãng phí cũng là anh em của tham nhũng, gây hại không kém. Còn quan liêu là mẹ đẻ của tham nhũng, lãng phí. Những tiêu cực trong văn hóa, đạo đức cũng cần phải chống.

GS NGUYỄN MINH THUYẾT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm