Vận hành 3 “trung tâm hồi sức nghĩa tình” ở TP.HCM

Ngày 7-8, Bộ Y tế và TP.HCM đã làm lễ khánh thành ba bệnh viện (BV) dã chiến số 13, 14 và 16.

Theo đó, BV dã chiến số 13 có 500 giường do Trung tâm hồi sức tích cực trực thuộc BV Hữu nghị Việt Đức vận hành và 2.000 giường do BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM quản lý vận hành; BV dã chiến số 14 có 500 giường do Trung tâm hồi sức tích cực trực thuộc BV Trung ương Huế quản lý điều hành và 2.000 giường do BV Ung bướu TP.HCM quản lý vận hành; BV số 16 có 500 giường do Trung tâm hồi sức tích cực trực thuộc BV Bạch Mai quản lý vận hành và 2.000 giường do BV Hùng Vương TP.HCM quản lý vận hành.

Trung tâm Hồi sức tích cực thuộc BV dã chiến 16 do Bệnh viện Bạch Mai
vận hành đã tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 nặng đầu tiên.
Ảnh: BV cung cấp

Trung tâm hồi sức tích cực thuộc BV Huế đang thi công

Trưa 12-8, đoàn 91 y bác sĩ từ BV Trung ương Huế đã có mặt tại TP.HCM để chuẩn bị cho việc vận hành Trung tâm hồi sức tích cực thuộc BV dã chiến số 14 do BV Trung ương Huế điều hành.

Trước đó, sáng 9-8, đoàn công tác của BV Trung ương Huế gồm 17 cán bộ, y bác sĩ và kỹ thuật viên cùng với số lượng lớn trang thiết bị, vật tư y tế đã vào TP.HCM để bổ sung, hoàn thiện Trung tâm hồi sức COVID-19 Trung ương Huế.

GS-TS, BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV Trung ương Huế, cho biết hiện tại Trung tâm hồi sức tích cực thuộc BV dã chiến số 14 do BV Trung ương Huế điều hành đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa thể nhận người bệnh. “Tôi đang ở công trường BV để thiết lập máy thở, các phương tiện… để vận hành trung tâm. Trước mắt đang tập kết phương tiện từ Bộ Y tế cung cấp, của BV từ Huế chuyển vào và từ các nhà hảo tâm để cố gắng sớm nhất vận hành. Thiếu hụt chắc chắn sẽ thiếu hụt” - GS-TS, BS Phạm Như Hiệp nói.

Hiện cơ bản nơi nghỉ lại của đội ngũ y bác sĩ tạm ổn nhưng trang thiết bị y tế, đặc biệt máy thở chỉ đủ cho hơn 100 bệnh nhân (BN), nếu 300-400 BN trở nặng cần thở máy sẽ rất khó khăn.

“Theo kế hoạch thì trung tâm hồi sức sẽ có khoảng 500 giường cho bệnh từ mức độ nặng đến nguy kịch, chưa kể số lượng giường trung chuyển sau hồi sức sang nhẹ…” - GS-TS, BS Phạm Như Hiệp cho biết.

Trung tâm hồi sức tích cực thuộc BV Bạch Mai nhận bệnh

Sau một thời gian khẩn trương hoàn thiện cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, 21 giờ 10 ngày 11-8, Trung tâm hồi sức tích cực thuộc BV dã chiến số 16 do BV Bạch Mai vận hành, quản lý đã tiếp nhận những BN COVID-19 nặng đầu tiên.

Theo TS-BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc BV Bạch Mai: Trong một đêm, số lượng BN đã tiếp nhận là hơn 40 người, rất nhiều BN trong đó đã phải đặt nội khí quản, thở máy, đa phần được hỗ trợ bằng các thiết bị ôxy lưu lượng cao, cũng như thở ôxy với nồng độ rất cao. Với tình trạng BN như vậy thì nhân viên y tế của BV Bạch Mai đã tiến hành xử lý, điều trị BN với các kỹ thuật cao nhất về hồi sức cấp cứu. Toàn bộ tua trực đã được phân công các nhiệm vụ rõ ràng để thực hiện.

“Với tình hình hiện nay, trong những ngày tới, số lượng BN tại TP.HCM có thể tiếp tục tăng nên chúng tôi cũng đã đặt ra kế hoạch là tiếp nhận tất cả BN nặng nhất với số lượng theo yêu cầu của các trung tâm đang điều trị COVID-19 tại TP.HCM khi họ có những BN nặng và nguy kịch cần phải có sự hỗ trợ về các kỹ thuật, hỗ trợ điều trị hồi sức tích cực. Tuy nhiên, hiện nay cũng còn một số khó khăn liên quan đến cơ sở hạ tầng, cần có sự hỗ trợ thêm về hệ thống khí, hệ thống ôxy, cơ sở vật chất để chúng ta có thể đảm đương được xuyên suốt trong hệ thống” - BS Đỗ Ngọc Sơn cho biết.

Trước đó, ngày 5-8, hơn 300 y bác sĩ BV Hữu nghị Việt Đức đã lên đường vào TP.HCM tiếp quản Trung tâm hồi sức cấp cứu BN COVID-19 tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Đến ngày 11-8, Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc BV Hữu nghị Việt Đức tại TP.HCM với quy mô 500 giường điều trị BN COVID-19 nặng đã đón những BN đầu tiên. Công suất hoạt động đang ở những bước đầu.

Y bác sĩ Quảng Ninh tích cực “chia lửa” với TP.HCM

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại TP.HCM, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ xuất quân đến TP.HCM hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Trong lần xuất quân này, đoàn gồm 74 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đang công tác tại các BV: đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi, đa khoa khu vực Cẩm Phả, đa khoa Cẩm Phả, Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cùng các trang thiết bị. Đây đều là những cán bộ, y bác sĩ có kinh nghiệm trong chống dịch, có năng lực chuyên môn tốt để “chia lửa” với TP.HCM khi dịch COVID-19 đang bùng phát.

Ngay khi đến TP.HCM ngày 14-7, đoàn bắt tay ngay vào nhận nhiệm vụ tại BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6, đoàn y bác sĩ cùng tham gia điều trị cho trên 1.000 BN mắc COVID-19.

Sau đó, đoàn tiếp tục được điều động nhận nhiệm vụ mới tại BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12 với quy mô khoảng 4.000 giường bệnh tại khu tái định cư Thủ Thiêm (phường An Khánh, TP Thủ Đức).

Đoàn Quảng Ninh được giao nhiệm vụ phụ trách khu R5 với ba tòa nhà A, B, C. Đoàn đã tham gia vào công tác sắp xếp, phân luồng để đón BN thường, BN nặng; phân luồng khu vực tiếp nhận đồ ăn; phân luồng khu sạch, khu bẩn cho y bác sĩ; bố trí khu cấp cứu, khu đón tiếp, BN xuất viện, khu BN nặng… Hiện đoàn Quảng Ninh đang điều trị cho 164 BN COVID-19.

 

Hơn 900 nhân viên y tế ở TP.HCM đã bị phơi nhiễm COVID-19

Thống kê sơ bộ đến nay, ở TP.HCM đã có khoảng 900 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch bị phơi nhiễm COVID-19. Đó là thông tin được ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 vào sáng 13-8.

“TP đã thành lập nhiều đoàn đến thăm hỏi, động viên gia đình các cán bộ, nhân viên y tế đã bị nhiễm và có những chính sách hỗ trợ cho họ” - ông Nam cho biết. TÁ LÂM

 

Yêu cầu dành 40% giường cho bệnh nhân COVID-19 khi dịch lan rộng

Thực hiện Công điện 1068/CĐ-TTg ngày 5-8-2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; tiếp theo Công điện số 1168/CĐ-BYT ngày 7-8-2021 của Bộ Y tế nhằm tăng cường công tác điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong, đồng thời duy trì công tác khám chữa bệnh thường quy. 

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành phân công các BV là cơ sở chuyên tiếp nhận và điều trị COVID-19, đồng thời giao nhiệm vụ cho tất cả cơ sở còn lại phải chuẩn bị sẵn sàng dành tối thiểu 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều trị người bệnh COVID-19 khi dịch lan rộng và trong tình huống địa phương (tỉnh, TP) trở thành khu vực “nguy cơ rất cao”.

-------

TP.HCM sẽ tập trung điều trị để giảm tử vong với 2 trụ cột: chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng; điều trị F0 tại bệnh viện.

Về chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng, có 5 đầu việc, gồm: Nắm chặt danh sách F0 tại xã phường, thị trấn; mỗi F0 phải có bác sĩ, tư vấn viên, cán bộ y tế thăm hỏi sức khỏe tại nhà; mỗi F0 có một suất thuốc do Bộ Y tế chỉ định và triển khai; y tế cơ sở phản ứng nhanh trong trường hợp F0 có triệu chứng; hệ thống hóa lại toàn bộ ứng dụng công nghệ và kết nối với các tầng điều trị.
Việc này sẽ tác động đến 80% F0 trong chiến lược điều trị giảm tử vong và đây là điểm mới.TP đặt mục tiêu quản lý được 80% F0 theo hình thức này và có thể lên tới 90%, chỉ còn 10% cần điều trị, trong đó chỉ 5-7% chuyển nặng.
Về điều trị F0 tại bệnh viện (từ tầng 2 đến 5), mấu chốt là cung cấp oxy. TP sẽ rà soát lại nhu cầu oxy để người dân được sơ cấp cứu sớm, khi có triệu chứng thì được tiếp cận oxy, thuốc. Bộ Y tế quyết định và triển khai đồng bộ việc chỉ định dùng thuốc. Hệ thống bệnh viện dã chiến quận huyện, trung tâm hồi sức phối hợp tổ chức lại nguồn lực để thực hiện trụ cột điều trị tại viện.

Phó Bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm