Ủy ban Giáo dục của Quốc hội yêu cầu báo cáo gian lận thi cử

“Năm ngoái, sau khi sự việc xảy ra chúng tôi đã có văn bản yêu cầu cơ quan của Chính phủ báo cáo. Quan điểm lúc đó của Ủy ban là các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vụ gian lận thi cử này. Nay Bộ GD&ĐT có kết quả rà soát, chấm điểm lại các trường hợp nghi vấn, chúng tôi tiếp tục theo đuổi, yêu cầu báo cáo xem đã giải quyết đến đâu rồi”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, Ủy ban đã có văn bản gửi tới Bộ GD&ĐT hơn một tuần nay: “Lần yêu cầu báo cáo trước, Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ làm nghiêm và sẽ báo cáo khi có kết quả. Vậy giờ có kết quả rồi thì mình có văn bản yêu cầu báo cáo tiếp”.

Gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THCS 2018 bắt đầu bộc lộ đầu tháng 7-2018, khi phổ điểm cao bất thường ở các tỉnh miền núi phía Bắc được dư luận phân tích, mổ xẻ. Giữa tháng 7, sau một hồi lúng túng, Bộ GD&ĐT tổ chức thanh tra thi nơi nghi vấn nhất là tỉnh Hà Giang, và ngay lập tức có kết quả về đường dây gian lận điểm thi ở đây. Báo chí mổ xẻ liên tục và Công an Hà Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với một số cán bộ liên quan.

Từ đây, các đoàn thanh tra thi đã tới Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn và một số địa phương khác. Một số đường dây gian lận điểm thi đã nhanh chóng bị phát hiện. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, hai vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn ở Hòa Bình, Sơn La đã được khởi tố.

Vấn đề là kết quả điều tra cho đến nay chưa chỉ ra làm thế nào các phụ huynh đã tác động, "mua điểm" được cho con mình. Đến nay, khi tên phụ huynh là các cán bộ, công chức nhà nước được nêu thì cũng không ai trong số đó thừa nhận có chạy điểm cho con.

Trong khi đó, một nguồn tin từ Bộ GD&ĐT tham gia vào quá trình thanh tra thi năm ngoái cho biết, ở Sơn La đã xác định được việc cán bộ Sở GD&ĐT nhận 1,5-1,8 tỷ đồng để sửa điểm ba môn cho các thí sinh có nhu cầu. Thông tin này trùng khớp với những gì mà đồng nghiệp làm báo ở Sơn La chia sẻ với PLO. Theo đó, việc sửa điểm được "ngã giá" với cha, mẹ thí sinh, và số tiền phải chi trả cao thấp tùy mức độ sửa.

Được biết, kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La, hồi tháng 3 vừa qua, đã bị VKSND cùng cấp trả về, yêu cầu điều tra bổ sung. Còn kết luận của Cơ quan Điều tra Bộ Công an về vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình cáo buộc được một bị can hưởng lợi 550 triệu đồng từ hành vi sửa bài thi, nhưng chưa thể chứng minh tội phạm được với người đã nhờ vả, "đặt hàng" việc làm sai trái này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm