KỶ NIỆM 60 NĂM MỞ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

Tướng Phan Khắc Hy kể chuyện ở Trường Sơn

Trung tuần tháng 5, chúng tôi tìm đến nhà của Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh bộ đội Trường Sơn (giai đoạn 1971-1976). Đã 93 tuổi nhưng ông vẫn nhớ từng chi tiết của những ngày ông bắt đầu bước chân trên dải Trường Sơn gần 50 năm trước.

Lính không quân lên núi

Ông kể tháng 4-1971, khi đang làm phó chủ nhiệm quân chủng Phòng không Không quân “lo” chuyện đánh nhau với bọn “giặc trời Mỹ” ở phía Bắc thì cấp trên kêu lên, lệnh: “Chiến trường miền Nam bắt đầu chuyển hướng, sẽ đánh to, đánh lớn! Cậu vào Trường Sơn lo làm đường, bảo vệ tuyến cho quân đi nhé! Tiếng là lên núi, làm đường dưới đất nhưng trong đó không thiếu chuyện “trên trời” cho lính Phòng không Không quân như cậu đánh đấm đâu!”.

Vào đến chiến trường, ông được Bộ Tư lệnh đoàn 559 phân công làm chính ủy Đoàn 470 - phụ trách cung đường Trường Sơn từ Nam Lào, Đông Bắc Campuchia đến Nam bộ. “Những ngày thâm nhập chiến trường, đi dọc Trường Sơn Tây trên đất bạn rồi cắt đường về các nhánh phía Đông mới thấy trên nói đúng. Hằng ngày, dưới thì bom cày, bom cắm, bom khoan chờ nổ nằm suốt tuyến. Trên trời thì máy bay các loại quần đảo, rải bom nổ, bom chờ hẹn giờ xuống. Đau nhất là khi thấy các tuyến đường, bãi chiến trường ngổn ngang xe và pháo của ta bị bom vùi, bom dập.

Vốn là chính ủy, chuyên làm công tác tư tưởng cho lính nên lão tướng U-100 nhớ như in ngày đó trong lính phổ biến câu hát: “Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn” nhưng mấy tay không chịu được ác liệt, làm “lính B quay” thì chế ra rằng: “Ta là con của bố ta, mẹ ta/ Hễ nhớ nhà là ta tút quay về!”. Ông kể khi ta chuyển sang đánh hợp đồng quân binh chủng pháo phòng không - công binh - vận tải nên thắng lớn lắm, khí thế lắm và trong lính không còn tư tưởng “B quay” nữa mà hát rằng: “Ta là con của bố ta, mẹ ta/ Có nhớ nhà là ta… éo quay về!”. Hỏi ông khi đó nghe lính hát chế thế ông có phê bình gì không, ông cười hào sảng: “Phê với bình cái chi! Lính hát tếu táo thế là biết khí thế lên cao lắm, ngày chiến thắng cận kề rồi. Mai thằng xuống đồng bằng, mốt thằng thẳng tiến vào Nam!”.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh  bộ đội Trường Sơn. Ảnh: P.ĐIỀN

Cùng với hệ thống đường kín, đường hở, đường vòng, ... phương án chạy xe ban ngày được đánh giá giảm thiệt hại còn 2% trên toàn tuyến chi viện. (Ảnh tư liệu)

Nhớ ngày kẹt xe trên đỉnh Trường Sơn

Nhắc đến Trường Sơn, như khơi đúng mạch nguồn cảm xúc và tướng Phan Khắc Hy nói, kể như không muốn dứt. Đó là những ngày đầu mở đường Trường Sơn trăm bề gian khó; đó là những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tướng Võ Bẩm, Hoàng Thế Thiện, Đồng Sỹ Nguyên, Chính ủy Đặng Tính, Chính ủy Lê Xy... những người thủ trưởng, đồng chí đi trước, mở đường đã cống hiến cả đời mình cho con đường mang tên Bác.

Những kỷ niệm thời chiến tranh luôn ghi khắc sâu đậm trong ông, trong đó có cả thời khắc đón Tết nguyên đán 1975 trên đỉnh Trường Sơn. Ông kể gần Tết năm đó, ông đi kiểm tra công tác chuẩn bị đón Tết, chuyển quân. Tết ấy, các cánh rừng, cung đường Trường Sơn không khí như một ngày hội. Khắp các ngả, các binh đoàn ào ào ra trận, cùng hàng ngàn chiếc xe vận tải rầm rập vào ra chở vũ khí, tiếp quân. “Lúc ấy anh Văn ngoài Hà Nội điện vào ta đang gài thế, đặt quân ở đầu Nam, cuối Bắc nên quân, xe phải đi liên tục để địch không đoán được điểm hoặc đoán sai hướng đánh sắp tới của ta!” - tướng Phan Khắc Hy nhớ lại… và kể tiếp, dòng thác người, xe ấy làm chúng tôi bị “kẹt” lại bên đường Trường Sơn Đông cắt với quốc lộ 19 - con đường nối từ vùng giáp biên giới Stung Treng (Campuchia) sang Pleiku để xuôi về Quy Nhơn.

“Ở điểm giao cắt ấy “bị” sáu tiểu đoàn với gần 1.000 xe chở hàng, chở quân vào Nam, ra Bắc, xuống xuôi. Chiến trường giục giã, quân đi vội vã, tôi cùng anh em chỉ huy nhảy xuống khỏi xe con, lao ra giao lộ chỉ huy, điều hòa xe đi các ngả. “Có cậu lính ngồi trên thùng xe Zil 130 gọi với xuống: “Bố ơi! Bố cứ đứng ở bên đường nhé. Con tiến về Sài Gòn đây!”. Nghe lính trẻ trêu “lính già” (lúc ở mặt trận đâu có đeo lon với xưng danh, xưng tướng đâu mà lính trẻ biết) thì vẫy tay, hẹn gặp nhé và bỗng nhớ các em nữ thanh niên xung phong đứng ngâm mình dưới nước sông, suối làm cọc tiêu cho xe qua ngầm ở Quảng Bình, Quảng Trị… ngày nào!” - giọng tướng Hy trầm xuống.

Đau cùng nụ cười em gái Trường Sơn

Nhấp ngụm trà đặc quánh, tướng Hy lại tiếp chuyện: “Bây giờ nhìn con gái mình lớn lên mới thấy hết sự phi thường của các em gái Trường Sơn năm xưa. Đúng là anh hùng vô song. Họ xứng đáng với tất cả lời ca ngợi. Lực lượng nữ chiếm 1/3 trong hàng vạn quân thuộc Đoàn 559 Trường Sơn. Họ có mặt nhiều nhất ở lực lượng thanh niên xung phong, bảo vệ giao thông, giao liên, hỏa tuyến, quân y, lái xe, hậu cần… Để bảo đảm giao thông được xuyên suốt, các cô phải túc trực liên tục ngoài mặt đường, nơi máy bay Mỹ thường xuyên rải chất độc hóa học, rải thảm bom tọa độ bằng B52.... Trong tích tắc, họ có thể biến mất theo mảnh bom, đất đá nát vụn. Nhiều lần tôi đã chứng kiến tận mắt sự hy sinh anh dũng ấy”. 

Chiến trường ác liệt, điều kiện sống và sinh hoạt của nữ chiến sĩ Trường Sơn hết sức khắc nghiệt. Thiếu thốn trăm bề. Thương lắm! Lão tướng bùi ngùi kể: “Có những đơn vị toàn nữ, sống, chiến đấu biệt lập và từ những ngày đó đã có biểu hiện của di chứng chất độc hóa học lên thần kinh nên mỗi khi gặp được nam giới, họ rất mừng và mắc… bệnh cười. Lạ lắm. Thỉnh thoảng tự nhiên họ cười ngất. Chẳng nói gì, chỉ cười. Cứ thế. Chiến tranh kết thúc, nhiều nữ chiến sĩ vì lớn tuổi, không lập được gia đình. Bệnh cười vẫn không dứt”…

Tướng Hy bật máy cho tôi nghe bài hát “Chuyện năm người” của nhạc sĩ Trần Tiến, đoạn đầu có khổ thơ nhạc: “Có khu rừng thanh niên xung phong/ Thiếu đàn ông, toàn con gái chưa chồng... ơ hờ/ Họ cứ cười như điên như điên/ Chiến tranh thì liên miên liên miên/ Họ không cười thì chết mất…”.  Ông bảo: “Nhạc sĩ Trần Tiến thi vị, lãng mạn hóa để anh ấy (Trần Tiến cũng từng là lính Trường Sơn), tôi và các bạn nguôi quên đi nụ cười đau, thật của chiến tranh. Nhưng đau lắm, thương lắm những nụ cười em gái Trường Sơn!”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm