Tưởng niệm hơn 23.200 đồng bào tử vong vì COVID-19

Chiều 17-11, Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM đã họp báo thông tin về lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19.

Cầu nguyện cho hơn 23.270 người tử vong

Tính đến hết ngày 16-11, số tử vong vì COVID-19 của cả nước là 23.270 người, trong đó TP.HCM có 17.263 người, chiếm 74% tỉ lệ tử vong cả nước.

Tại họp báo thông tin về lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 ở TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng chia sẻ tỉ lệ tử vong vì COVID-19 theo giới tính, nam tử vong thấp hơn nữ. Nam chiếm 41,5% và nữ chiếm 58,5%. Lứa tuổi từ 50 tuổi trở lên tử vong chiếm 86,5% tổng số người tử vong tại TP.HCM, trong đó trên 65 tuổi chiếm 52,8%.

Bộ đội thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM đưa tro cốt của những người qua đời vì COVID-19 từ Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) về tập trung tại Nhà tang lễ TP.HCM. Ảnh: A.TÙNG

Tổng thể cầu truyền hình lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 sẽ có thời lượng khoảng 40-45 phút. Hiện chùa Pháp Hoa (quận 3), cầu Mống (quận 4) là hai điểm đầu tiên tập trung thả đèn hoa đăng cầu nguyện ở đoạn kênh Nhiêu Lộc và kênh Bến Nghé. 

Đau lòng hơn, “TP.HCM đã có 38 trẻ em, 62 phụ nữ có thai mất vì COVID-19. Riêng trong lĩnh vực y tế, TP.HCM có ba nhân viên y tế qua đời gồm: Một bác sĩ và một điều dưỡng mất do lây nhiễm trong quá trình chăm sóc bệnh nhân; một người mất do lây nhiễm từ cộng đồng” - ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Đợt dịch COVID-19 vừa qua có lẽ là quãng thời gian TP.HCM lẫn cả nước có số lượng đồng bào tử vong cao như vậy kể từ khi TP mang tên TP.HCM. Chính vì thế, một lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch sẽ được tổ chức vào tối 19-11 ở Hội trường Thống Nhất, TP Thủ Đức, các quận, huyện và đầu cầu Hà Nội tại Công viên Thống Nhất.

Cầu truyền hình TP.HCM và Hà Nội

Lễ tưởng niệm sẽ có hai điểm cầu truyền hình tại TP.HCM và Hà Nội, do Đài Truyền hình Việt Nam đảm nhiệm. Hội trường Thống Nhất của TP.HCM sẽ là điểm cầu chính với sự tham dự của khoảng 1.000 người, trong đó có khoảng 50 thân nhân của đồng bào mất vì COVID-19. Điểm cầu Hà Nội sẽ có sự tham dự của khoảng 300 người.

 “Cùng với điểm chính tại TP.HCM là Hội trường Thống Nhất, tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức cũng đồng loạt tổ chức để bà con, thân nhân tưởng niệm tại địa phương. Các địa phương trong TP.HCM đều có những mất mát nên các quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ mời thân nhân dự lễ tại địa phương với số lượng mỗi nơi không quá 100 người” - ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, cho biết.

Ông Nam cũng chia sẻ thêm: Với các đơn vị quận, huyện có bờ sông, kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé… địa phương sẽ có những cách thức tạo dựng những địa điểm để sau khi phần lễ trực tiếp thì thân nhân, người dân… sẽ cùng thả đèn hoa đăng cầu nguyện cho bà con.

Cùng với chương trình của Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thành ủy TP.HCM cũng mong các cơ sở tôn giáo (chùa, tự viện, nhà thờ, nhà nguyện…) cùng đổ chuông tưởng niệm. Tòa Tổng giám mục Sài Gòn cũng đã có thông báo về việc đổ chuông tưởng nhớ đồng bào qua đời vì COVID-19. Theo đó, vào 20 giờ 30 tối thứ Sáu (19-11), tất cả nhà thờ và nhà nguyện trong Tổng giáo phận sẽ đồng loạt đổ chuông sầu khoảng 5 phút để tưởng nhớ đồng bào đã tử vong trong đại dịch COVID-19.

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đề nghị vào 20 giờ ngày 19-11, tất cả chùa, tự viện trong cả nước đồng loạt thỉnh chuông, thắp nến, dâng hương tưởng niệm, cầu siêu cho các vong linh tử vong do COVID-19.

Sáng nay, đại lễ kỳ siêu đồng bào tử vong vì COVID-19 diễn ra tại Việt Nam Quốc Tự

Sáng nay (18-11), tức ngày 14-10 âm lịch, tại Việt Nam Quốc Tự (TP.HCM) sẽ diễn ra đại lễ kỳ siêu đồng bào tử vong vì COVID-19. Theo đó, đại lễ sẽ được cử hành từ 8 giờ theo hai phần: Nghi thức đại chúng và nghi lễ tâm linh truyền thống.

Do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, đại lễ sẽ theo hình thức không tập trung đông người, đồng bào có thân nhân qua đời không thể đến tham dự trực tiếp; vì thế báo Giác Ngộ sẽ có phần truyền hình trực tuyến đại lễ để kết nối năng lượng, hiệp lực cầu nguyện, hồi hướng cho người đã mất.

Trước đó, ban tổ chức cũng đã thông báo về việc ghi phương danh người qua đời vì COVID-19 để cầu nguyện trong đại lễ kỳ siêu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm