Tưởng niệm Gạc Ma: 'Con tôi từ biệt rồi không về'

Ngày 13-3, Ban liên lạc bộ đội Trường Sa tại TP Đà Nẵng đã tổ chức buổi lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ hy sinh ở đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam)  khi quân Trung Quốc nổ súng cưỡng chiếm đảo vào ngày 14-3-1988. 

Vừa bước vào nơi cầu siêu, mẹ Lê Thị Lan (mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc) thổn thức trước bàn thờ của con trai mình. Mẹ Lan nghẹn ngào: “Trước khi đi, Lộc có ghé qua nhà. Hắn bảo con chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ, mẹ ở nhà ráng giữ gìn sức khỏe nghe. Bữa ni con đi luôn chứ không về nữa. Con ơi, mẹ đâu ngờ con nói rồi con đi mãi, không về nữa”.

30 năm đã trôi qua nhưng dường như nỗi đau mất con trong lòng mẹ Lan vẫn chưa nguôi ngoai. Sau khi được mọi người dìu vào phòng nghỉ và động viên, mẹ mới thôi thổn thức.

Mẹ Lan khóc nghẹn ngào trước bàn thơ con trai mình là liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc. Anh Lộc đã anh dũng chiến đấu và hy sinh khi hải quân Trung Quốc  nổ súng cưỡng chiếm Gạc Ma. Ảnh: TÂM AN

Hỏi chuyện về anh Lộc, đôi mắt mẹ Lan đẫm lệ. “Bấy giờ nhà tui nghèo, ba Lộc mất sớm nên từ nhỏ hắn đã ước mơ trở thành bộ đội để đỡ đần cho mẹ. Hắn hiền khô à. Tui làm công nhân vệ sinh, tối nào hắn cũng phụ mẹ dọn dẹp tới khuya. Bữa hắn làm đơn nhập ngũ, hắn bảo mẹ ơi, mẹ cho con đi hải quân nghe. Tôi mới nói cái đó tùy con, con đi thì con cứ đi nhưng nhớ giữ gìn sức khỏe nghe. Nghe tui nói thế hắn cười tít mắt”  - mẹ Lan kể.

Rồi cứ thế, những ký ức về người con trai hiếu thảo cứ ùa về trong tâm trí của người mẹ già như những con sóng lớp lớp xô bờ. Mẹ bảo có dạo lụt bão lớn quá, nhà mẹ bị sập. Lộc nghe tin thì liền xin nghỉ phép về sửa nhà cho mẹ. Sửa xong thì đã quá phép mất mấy ngày. Lộc sợ nên nói mẹ dẫn về đơn vị.

“Tui dắt con vào trình bày với các anh chỉ huy rồi tui bảo hắn là con đừng về nữa, Chủ nhật được nghỉ thì về xí chứ đừng có đi nhiều ngày kẻo bị la. Lộc nghe thế thì nhoẻn cười. Rồi trước khi lên đường làm nhiệm vụ, hắn có về qua nhà thăm mẹ một lần. Lúc hắn đi, tui nằng nặc bảo hắn cầm theo cái chăn nhưng hắn không chịu. Hắn bảo trời ngoài đó nóng mà mang chăn chi. Tôi mới bảo, thôi con cứ mang đi, lỡ lạnh thì có cái mà đắp. Nói mãi hắn mới chịu mang” - mẹ kể rồi lại òa khóc.

Các cựu binh Trường Sa năm xưa về làm lễ tưởng nhớ 64 đồng đội đã anh dũng hy sinh tại Gạc Mạc. Ảnh: TÂM AN

Đứng bên cạnh, anh Nguyễn Hữu Trọng (em trai của liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc) tiếp lời mẹ: “Mấy mươi năm trôi qua nhưng mẹ tôi vẫn chưa giây phút nào thôi nghĩ về anh tôi. Nhiều đêm mẹ vẫn mơ về anh, rồi lại khóc cả đêm không ngủ được”.

Có mặt tại buổi lễ cầu siêu còn có rất nhiều cựu chiến binh từng có thời gian công tác, làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa tới từ mọi miền Tổ quốc.

Ngồi trầm ngâm một góc nhìn mọi người làm lễ, ông Lê Hải Thanh (đoàn cựu chiến binh Trường Sa Hải Phòng) cho hay: “Đoàn chúng tôi có hơn 10 người, đều là những người từng làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Mặc dù đường sá xa xôi nhưng khi được thông báo, anh em đều bảo nhau cố gắng thu xếp công việc để đi cho bằng được. Vào đây, nhìn thấy linh vị của đồng đội, chúng tôi đều cảm thấy xúc động, như đang được nhìn thấy các anh dù chưa một lần biết mặt”.

 Ngày 14-3-1988, hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam (trong đó có chín chiến sĩ quê Đà Nẵng) đã chiến đấu ngoan cường và tạo thành vòng tròn bất tử để bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh nằm xuống để tổ quốc được trường tồn.
Cận cảnh Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp
Cận cảnh Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp
(PLO)- Bãi đá Gạc Ma của Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm giữ trái phép từ ngày 14-3-1988. Từ năm 2014, Trung Quốc tiếp tục các hoạt động bồi đắp, cải tạo rầm rộ với hàng loạt công trình quy mô. Dưới đây là clip cận cảnh Gạc Ma mà CTV chúng tôi ghi lại vào năm 2015.
64 liệt sĩ Gạc Ma: Các anh vẫn sống cùng non sông
64 liệt sĩ Gạc Ma: Các anh vẫn sống cùng non sông
(PLO)- Sáng 13-3, Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tại Đà Nẵng (1984-1988) đã tổ chức lễ cầu siêu cho anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 14-3-1988.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm