Từ vụ lập bàn thờ đòi nợ: Cái xấu lộng hành có gốc gia đình

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là chức năng gia đình cũng đang bị biến đổi, cái xấu, cái ác có môi trường để phát triển” - PGS-TS Trịnh Hòa Bình nhận định.

Giá trị xã hội bị biến dạng, lệch lạc

. Phóng viên: Thưa ông, theo dõi việc “lập bàn thờ đòi nợ” diễn ra ở xã Lai Uyên, Bến Cát, Bình Dương, ông có suy nghĩ gì về cách thức mà con người đang đối xử với con người trong xã hội ngày nay?

+ PGS-TS Trịnh Hòa Bình: Nói một cách hài hước, hành động đó của chủ nợ thể hiện tính năng động, sự tích cực tìm tòi để tìm các giải pháp, chiêu thức để đạt được mục đích của con người. Tuy nhiên, điều đó cũng phản ánh thực trạng khác ở xã hội nước ta là luật pháp và các riềng mối quan hệ xã hội không nghiêm, nó bị nhờn.

. Vậy ông lý giải gì về hành động của chủ nợ trong tình huống đó?

+ Câu hỏi này liên quan đến câu tôi đã nói ở trên, chính sự không nghiêm tạo ra sự nhờn luật đó dẫn đến thực tiễn chỉ ra rằng những kẻ chây ì, những kẻ bầy hầy thì thường là thắng thế. Thế nên muốn thắng được ô dù thì phải có một ô dù khác, muốn thắng sự bầy hầy thì phải có sự bầy hầy khác, muốn thắng được bọn đen đúa thì phải có thằng bặm trợn khác. Đấy là bài học từ đời sống, nó cũng cho thấy các giá trị theo đuổi của xã hội chúng ta đang bị biến dạng, rất lệch lạc.

. Phải chăng đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều hành động bị lên án trong xã hội gần đây liên quan đến khía cạnh đạo đức con người?

+ Đúng thế, ngoài ra nó cũng là hệ quả của nhiều yếu tố khác nữa. Ví dụ như trong hai vụ việc bị lên án gần đây là người dân “hôi” bia và “hôi” bắp. Chúng ta có thể thấy bia hay bắp giá trị nó không lớn nhưng tại sao người dân vẫn đổ xô vào để lấy đi, bởi vì khi làm việc đó họ đang là một con người trừu tượng, con người khuyết danh không bị ai săm soi hay nhằm chiếu cả nên họ chỉ hành động nguyên vẹn sự vị kỷ. Cái đó xấu không? Rõ ràng là xấu nhưng được động viên bởi nhiều cái xấu đang lộng hành trên những bình diện cao hơn, ở nhiều nơi khác.

 Phải công phạt vào cái xấu

. Lý giải của ông nếu áp dụng vào tình huống cụ thể như vụ lập bàn thờ đòi nợ thì như thế nào?

+ Cũng tương tự như thế thôi. Việc người ta lập bàn thờ đòi nợ như đã nói ở trên là họ chắc cũng nhận thức được hành động đó là trái pháp luật nhưng họ thấy có những việc còn trái pháp luật lớn hơn mà vẫn không bị trừng trị và việc này họ chỉ lạm dụng thôi, chỉ gây rối trật tự nơi công cộng, có xu hướng làm nhục kẻ khác mà kẻ đó lại là kẻ có lỗi… Người ta có lý do để biện minh cho hành vi có lỗi của mình.

. Đó là bề nổi của vấn đề, vậy nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng trên là từ đâu, thưa ông?

+ Từ cái bệnh của xã hội và cách chữa bệnh. Thiết chế trung tâm của chúng ta đang có vấn đề và xã hội chúng ta đang có bệnh mà có bệnh phải chữa. Thế nhưng tôi dám chắc chúng ta chưa bắt được bệnh trạng phát từ đâu, đa số chữa theo kiểu tình thế đau đâu tiêm đấy, nhức mỏi chỗ nào massage chỗ ấy, trong khi cơ thể lại là một khối thống nhất và định hướng giá trị của một xã hội, một thời đại chúng ta chưa tính đến. Vì thế, để thay đổi được điều này không phải là một sớm một chiều.

. Vậy chẳng lẽ chúng ta cứ phải tiếp tục sống chung với cái ác?

+ Không, chúng ta vẫn phải công phạt nó từng bước. Ngày hôm nay ta “đấm” vào nó một phát, ngày hôm sau “đá” nó một phát... sẽ có thay đổi từng bước. Bởi nếu không có sự phản ứng xã hội thì sẽ không có sự cảnh tỉnh, báo động để người ta thay đổi.

Gia đình xấu là “căn cứ địa” của tội ác

. Vậy ở một bình diện rộng hơn, theo ông làm thế nào để hạn chế dần đi những việc làm xấu xí hiện nay?

+ Tôi nghĩ phải quay trở về giáo dục gia đình, coi trọng trở lại về cái rao giảng, răn dạy cho luân lý của cá nhân chứ không phải đạo đức cá nhân. Tôi thấy giáo dục của chúng ta bây giờ không dạy nhiều rằng con người ta khi sinh ra phải biết thù ghét cái ác, tôn vinh cái thiện, ít dạy đạo đức cá nhân. Trong khi đó, thời buổi này lời ăn tiếng nói đang trở nên kệch cợm, gọn ghẽ đến mức rất cơ học. Gia đình phải thực sự là thiết chế chứ không phải gia đình là những đơn vị đơn lẻ trong xã hội. Còn bây giờ, thậm chí có gia đình là bến bờ, là “căn cứ địa” của tội ác thì nói gì giáo dục thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, việc tôn vinh cái xấu, bài trừ cái đẹp dường như đang được đề cao.

. Ông đánh giá thế nào về vai trò của gia đình hiện tại?

+ Thiết chế gia đình bị khủng hoảng. Điều này thể hiện ở chỗ hàng loạt chức năng cơ bản của gia đình bị xói mòn, tiêu giảm, lệch lạc. Ví dụ, gia đình phó mặc việc giáo dục cho thiết chế giáo dục, gia đình bị nhạt nhòa đi chức năng chăm sóc tình cảm. Các cá nhân bị giằng xé bởi hàng loạt quan hệ xã hội khác, cha ở nhóm này, mẹ ở nhóm kia, con ở nhóm nọ, thành ra không chung một giá trị nữa, không thể “kiểm soát” được lẫn nhau dẫn đến bị băng hoại, phân tán.

Trong gia đình đã thế, lấy đâu người ta đối xử đứng đắn tử tế với đồng loại, với thiên hạ, với nhân loại cao rộng ngoài kia.

. Xin cảm ơn ông.

VIẾT THỊNH thực hiện

Pháp luật chưa điều chỉnh, chế tài kịp thời

Nội dung, tính chất tuy có khác nhau nhưng điểm chung trong các vụ việc này là mục đích “khủng bố”. Thay vì khởi kiện ra tòa để đòi nợ, khiếu nại nhà máy để yêu cầu chấm dứt việc gây ô nhiễm, tố giác hành vi vi phạm pháp luật để các cơ quan chức năng trừng trị… thì người ta đã có những hành vi gây hoảng sợ cho đối phương, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và hoạt động của nhiều người, gây mất mỹ quan, trật tự trị an. Thế là từ chỗ bị người khác làm sai, bị gây ra thiệt hại và chắc chắn được pháp luật bảo vệ thì những chủ nợ, những nạn nhân môi trường… lại trở thành người vi phạm pháp luật, bị số đông “tẩy chay” và có thể bị chính quyền xử phạt, thậm chí bị tòa án xử tội.

Nói “có thể” là vì lâu nay các cơ quan thẩm quyền ít chịu ra tay hoặc nếu có thì chậm trễ quá. Có lẽ vì xét thấy các hành vi “khủng bố” đó chưa gây hậu quả nghiêm trọng hoặc cũng có thể vì khó áp vào những quy định hiện hành để xử lý. Đơn cử là hành vi mang quan tài đi đòi nợ, nhiều người nghĩ ngay đến các yếu tố “khiêu khích”, “xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Thế nhưng khoản a Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự…) chỉ xử phạt trường hợp “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” mà việc mang, đặt quan tài là hành động chứ không phải là cử chỉ. Vậy là chỉ có thể xem xét, xử phạt những người mang quan tài ở chỗ “gây mất trật tự ở khu dân cư, trên đường phố” - tuy đúng nhưng xem ra chưa đủ - với mức phạt tiền có phần “nhẹ tênh” là từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Chưa kể có những trường hợp ai cũng thấy “chướng” nhưng không dễ vận dụng để xử lý. Vụ đặt quan tài “để không ai mua đất” nhằm trả thù chủ nợ ở Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu là một dẫn chứng. Hành vi đó rành rành là gây phản cảm, gây bất bình trong dư luận nhưng có quy định nào cấm chủ đất cho người khác đặt quan tài trên đất của chính chủ đất?

Song cũng có những vụ phạt được ngay mà các địa phương vẫn chưa phạt. Như trong vụ đặt quan tài để phản đối nhà máy gây ô nhiễm, ngoài việc “gây mất trật tự ở trụ sở…” thì hành vi này còn “gây cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức” (có mức phạt từ 2 triệu đến 3 triệu đồng).

Nếu đã xác định là “trái tai, gai mắt” thì pháp luật phải kịp thời điều chỉnh, chế tài. Chỉ có như vậy xã hội mới hạn chế được các kiểu hành xử tùy tiện, ngoài pháp luật gây ra nhiều hệ lụy không thể chấp nhận.

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HÙNG,  Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm