Từ vụ “giải cứu” 2,2 tấn chân trâu bò thối: Phát hiện hơn tám tấn chân trâu bò và lòng heo thối

Trung tá Võ Văn Hồng, Phó Trưởng Công an thị xã Thuận An, cho biết qua nguồn tin của báo Pháp Luật TP.HCM, Công an thị xã Thuận An lập tức triển khai lực lượng kiểm tra và ngăn chặn ngay vụ tuồn thực phẩm kém chất lượng, độc hại này.

Kho thực phẩm phế thải, hôi thối

Ngày 19-4, Công an thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các cơ quan chức năng mở niêm phong để kiểm tra container chứa thực phẩm đông lạnh ở kho của cơ sở chế biến lòng heo tại địa chỉ 21G/3E, KP Bình Đáng, phường Bình Hòa. Tại đây lực lượng kiểm tra phát hiện hơn tám tấn gồm 3,4 tấn chân trâu bò, bốn tấn lòng heo, 50 kg pín bò không có nguồn gốc, bốc mùi hôi thối.

Đúng như nhận định của chúng tôi, toàn bộ tang vật chứa trong 33 bao tải cháy xém đang được cất giấu kỹ lưỡng cùng với rất nhiều chân trâu bò và lòng heo trong container đông lạnh. Làm việc với cơ quan chức năng là ông Nguyễn Hiệp Hương, SN 1972, ngụ xã Liên Châu, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Những hình ảnh mà phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM ghi lại thì người đàn ông này chính là người có mặt tại KP 8, phường Long Bình, TP Biên Hòa để chỉ đạo bốc toàn bộ số chân trâu bò thối tiêu hủy lên xe tải đông lạnh chở về Bình Dương.

Trước đó như thông tin đã đưa, ngày 18-4, Đội Quản lý thị trường cơ động (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai) phối hợp cùng Trạm Thú y TP Biên Hòa tiêu hủy 2,2 tấn chân trâu, chân bò không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối mà tài xế Nguyễn Văn Hoàn (27 tuổi, quê Thái Bình) khai nhận chở trên xe tải đông lạnh biển số 15C-03126 từ miền Bắc vào TP.HCM tiêu thụ.

Từ vụ “giải cứu” 2,2 tấn chân trâu bò thối: Phát hiện hơn tám tấn chân trâu bò và lòng heo thối ảnh 1

Phát hiện lòng heo thối tại cơ sở ở Bình Dương. Ảnh: DĐ

Từ vụ “giải cứu” 2,2 tấn chân trâu bò thối: Phát hiện hơn tám tấn chân trâu bò và lòng heo thối ảnh 2

Ngọn lửa leo lét ngụy trang hiện trường sau khi thu dọn hết thịt thối. Ảnh: DĐ

Tiêu hủy qua quýt, sai quy trình nghiêm trọng

Trả lời phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Ngọc Sơn, Trạm trưởng Trạm Thú y TP Biên Hòa, cho biết tổ công tác tiêu hủy đã làm sai quy trình nghiệp vụ, không mời đại diện chính quyền phường Long Bình - địa bàn đã có hố đào sẵn tiêu hủy thịt thối đến chứng kiến và nhận bàn giao hiện trường. Theo quy định, để tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo chất lượng thì phải lót một lớp củi bên dưới rồi cho hàng cần tiêu hủy ở giữa và cho tiếp một lớp củi lên trên, sau đó đổ dầu và châm lửa. Trong quá trình đó, phải dùng cây khơi những thực phẩm lên để cho cháy hết.

Xem lại đoạn phim 18-4: Có vấn đề!

Thế nhưng dưới ống kính của phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, 2,2 tấn thịt thối chỉ được xử lý qua loa bằng 5 lít xăng, đốm lửa chỉ kịp bùng lên trong ít phút rồi tắt ngấm, chẳng khác nào trò chơi trẻ con. Cũng không hiểu vì lý do gì, lực lượng chức năng chẳng buồn nán lại để theo dõi hết quá trình tiêu hủy. Chớp lấy “sơ hở” này, ngay lúc đó tài xế, phụ xe cùng gần 10 người được huy động để khuân hết số thịt đang tiêu hủy dở dang lên xe tải đông lạnh của tài xế Hoàn, tiếp tục mang đi tiêu thụ.

Và ngày 19-3, tiến hành mở container, Công an thị xã Thuận An không những chỉ phát hiện toàn bộ số thịt tang vật vi phạm được mang đến từ Đồng Nai mà còn phát hiện thêm nhiều tấn chân trâu bò, lòng heo chứa ở cơ sở kinh doanh trái phép này. Cơ quan công an đang tiếp tục tiến hành điều tra, làm rõ.

Liên quan đến trách nhiệm của tổ công tác tiêu hủy 2,2 tấn chân trâu, bò thối, ngày 19-4, ông Dương Minh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Tổng hợp (Chi cục QLTT Đồng Nai), cho biết đơn vị này đang đề nghị bốn cán bộ trong đoàn công tác làm tường trình, đồng thời cử cán bộ phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân để có hướng xử lý.

Đồng Nai rút giấy phép 35 cơ sở giết mổ

Chi cục Thú y Đồng Nai vừa ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã Long Khánh và TP Biên Hòa rút giấy phép hoạt động đối với 35 điểm giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và 20 cửa hàng kinh doanh thuốc thú y không đảm bảo quy định. Theo đó, các huyện có cửa hàng kinh doanh thuốc thú y và điểm giết gia súc bị rút giấy phép là: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Trảng Bom, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và thị xã Long Khánh.

Theo quy định của Bộ NN&PTNT về việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, cơ sở sau hai lần kiểm tra xếp loại C sẽ bị rút giấy phép hoạt động.

DUY ĐÔNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm