Trẻ nổi loạn vì... học kỹ năng sống

K. (17 tuổi) đăng ký một lớp học kỹ năng tìm hiểu bản thân và kỹ năng ra quyết định trên một trang web. Sau vài ngày từ lớp học kỹ năng, K. trở nên nổi loạn dữ dội, luôn phản ứng thái quá với cha mẹ. Mẹ K. chia sẻ câu chuyện trong một group kín dành cho cha mẹ và sau đó tìm đến chuyên gia tư vấn.

“Không giống con tôi nữa”

K. tuyên bố sẽ không thi vào bất cứ trường đại học nào trong danh sách cha mẹ đưa ra. K. cho rằng cậu đã “nhận diện được mình là ai” và trở nên quyết đoán. K. nói với mẹ: “Từ nhỏ đến giờ con đã học theo ý muốn của cha mẹ, sống theo ý muốn của cha mẹ. Con không thể tiếp tục sống bằng ý muốn của người khác nữa”.

Chưa kịp hoàn hồn sau cú sốc con không thi đại học, mẹ K. suýt bị lên cơn đau tim khi nghe con tuyên bố sẽ đi học nấu ăn để trở thành một đầu bếp và sẽ ra riêng khi 18 tuổi.

Cha mẹ kiên nhẫn thuyết phục K. nên đi thi đại học vì con học rất giỏi, trong thời gian đó vẫn có thể học nấu ăn. Sau đó, K. bỏ ăn cơm chung với gia đình khi có ai nhắc đến việc học đại học. Khi mẹ K. bước vào phòng, K. yêu cầu mẹ bước ra ngoài vì “người văn minh cần phải gõ cửa, nếu được đồng ý mới nên bước vào”.

Cuộc sống gia đình K. trở nên căng thẳng. Cha K. vốn là một người gia trưởng, trước đây K. ít gần gũi cha, sau khóa học K. càng tỏ rõ sự thiếu tôn trọng cha vì cho rằng ông độc đoán, chuyên quyền. Mẹ K. nói: “Nó giống như bọn trẻ Mỹ, không giống con tôi nữa”.

Một buổi sinh hoạt ngoại khóa tại Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM.  Ảnh minh họa: NGUYỄN QUYÊN

Không tỉnh táo là “mất” con

TS xã hội học-ThS tâm lý học Phạm Thị Thúy chia sẻ: “Có nhiều khóa học kỹ năng trên mạng, cha mẹ thấy giới thiệu rất hay thì cho con đi nhưng không biết được họ sẽ gieo vào đầu con em mình điều gì. Chúng ta sống trong xã hội phương Đông nhưng nhiều khóa học lại xây dựng từ giá trị phương Tây. Những điều họ dạy con trẻ có thể là đúng ở nơi khác nhưng lại gây xung đột nếu đặt trong mối tương quan trong gia đình và các giá trị truyền thống Việt Nam. Những người thiết kế các khóa học này không có tính chuyên nghiệp. Cha mẹ không tỉnh táo là mất con”.

TS Thúy cho biết bà đã tư vấn cho một cô sinh viên đối đầu quyết liệt với gia đình để bảo vệ “quyền tự quyết định của người trưởng thành”. Cô đang học đại học năm nhất và có bạn trai, bị gia đình ngăn cản mối quan hệ. Cô đã “ra quyết định” có bầu với bạn trai để đặt gia đình vào thế phải chấp nhận. Nhưng những khó khăn và áp lực sau khi mang thai đã khiến cô trầm cảm và cần đến sự giúp đỡ của chuyên gia tư vấn.

Trò chuyện với các em học sinh, sinh viên, bà Thúy chia sẻ: “Kỹ năng ra quyết định của một người trưởng thành không phải muốn gì làm đó, mà các em phải đặt bản thân mình trong mối tương quan với gia đình, phải lường trước được những hậu quả sau đó, phải biết mình có đang làm tổn thương người khác hay không”.

TS Thúy cho rằng kỹ năng sống là tìm ra giải pháp chứ không phải đối đầu, rời xa gia đình. Các bạn học sinh, sinh viên cần thuyết phục cha mẹ, tạo được niềm tin với cha mẹ để họ ủng hộ quyết định của mình. Đối với phụ huynh, TS Thúy khuyên các cha mẹ cần phải thấu hiểu và bao dung, có kiến thức về tâm lý lứa tuổi để hóa giải những cuộc nổi loạn của con.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm