Trẻ em TP.HCM “kêu cứu” về nạn ấu dâm

Ngày 22-6, Ban Thường vụ Thành đoàn đã ra mắt “Hội đồng trẻ em thành phố Hồ Chí Minh” và tổ chức kỳ họp lần 1 Hội đồng trẻ em thành phố với chủ đề “thành phố tương lai của em”. Đây là mô hình "hội đồng trẻ em" đầu tiên trong cả nước.

Kỳ họp Hội đồng trẻ em do các bạn thiếu nhi điều hành

Tại đây, các đại biểu nhí đã trình bày mong muốn của mình với lãnh đạo thành phố về học tập, vui chơi, giao thông công cộng và đề xuất giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng sống cho trẻ em tại thành phố, hỗ trợ chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bị bóc lột, lạm dụng...

Kỳ họp lần 1 có sự tham gia của 55 đại biểu trẻ em là Ủy viên Ban Chỉ huy Liên đội, thiếu nhi dân tộc thiểu số, con công nhân lao động, con nông dân, gương tài năng trẻ tuổi, gương có hoàn cảnh đặc biệt, vươn lên trong học tập, phóng viên nhí và thiếu nhi tiêu biểu tham gia sinh hoạt tại Nhà thiếu nhi thành phố.

Những vấn đề bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích thiết thân của các bạn nhỏ lần lượt được đặt ra khá gần gũi với đời sống của bất cứ người dân nào ở thành phố.

Em Trần Lê Tuyết Thảo, quận 4 lo lắng: “Gần đây, các tệ nạn xã hội như dụ dỗ bắt cóc trẻ em đang gây hoang mang, nổi cộm lên là tệ nạn ấu dâm thường nhắm vào các bạn nhỏ lứa tuổi cấp một, cấp hai vì các bạn chưa biết cách ứng xử. Em muốn các bạn được tập huấn thêm nhiều chuyên đề để biết cách xử lý tình huống kịp thời khi có sự cố xảy ra”.

Đồng tình với ý kiến của Thảo, em Mai Hải Yến bày tỏ: “Quấy rối tình dục hiện đang diễn ra rất nhiều, nhắm đến nhiều bạn nữ ở độ tuổi như chúng em. Em rất tâm đắc với lớp phòng vệ bản thân như “tuổi 14 đối đầu với quấy rối” ở báo Khăn quàng đỏ. Mong những lớp phòng vệ này không chỉ  giúp các bạn an toàn ở khu vực trường học mà ở khu dân cư và xuất hiện trên nhiều báo khác nữa”.

Các bạn thiếu nhi đã bày tỏ các vấn đề liên quan đến trẻ em trên địa bàn thành phố

Một trong những vấn đề nhức nhối khác cũng được nhiều bạn nhỏ đặt ra nữa là tình trạng trẻ bỏ học. Em Trần Nguyễn Thanh Uyên, quận 10 chia sẻ: “Em rất buồn vì ở xóm em có một bạn không đến trường vì hoàn cảnh khó khăn, hằng ngày phải phụ mẹ rửa chén, bưng bê hủ tíu. Em cảm thấy bạn chưa hưởng được quyền lợi của trẻ em”.

Còn em Trần Lê Tuyết Thảo, quận 4 bức xúc với việc hằng ngày đi trên đường phải chứng kiến các bạn nhỏ bị người lớn bắt đi xin ăn. “Tại sao các cô chú còn trong độ tuổi lao động mà lợi dụng trẻ em kiếm tiền cho bản thân mình, làm cho xã hội không đẹp. Em mong chính quyền địa phương có cách hỗ trợ việc làm cho người lớn và giúp các em được đến trường”, Thảo đặt vấn đề.  

Cũng tại kỳ họp, nhiều bạn nhỏ mong muốn có thêm nhiều sân vui chơi giải trí miễn phí và các câu lạc bộ gìn giữ nghệ thuật truyền thống. Em Nguyễn Hoàng Lâm, quận 12 bày tỏ: “Thành phố ngày càng hiện đại nhưng trẻ em ngày càng lạm dụng các thiết bị thông minh, các loại hình nghệ thuật truyền thống như đờn ca tài tử ngày càng ít nghệ nhân theo đuổi. Em mong muốn các câu lạc bộ truyền thống ngày càng mở nhiều để các bạn tránh lạm dụng các thiết bị thông minh”. Dương Tạ Linh Đan, huyện Cần Giờ thì mong muốn có nhà sách để có dịp đọc sách vào ngày cuối tuần vì nhà sách trước đây đã bị dẹp thành tiệm game.

Kỳ họp Hội đồng trẻ em sẽ diễn ra hai lần một năm

Trước đó, Ban Thường vụ Thành đoàn đã phối hợp với Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP, Sở LĐ-TB&XH, Sở Tư pháp, Sở GD&ĐT TP hoàn chỉnh đề án hoạt động Hội đồng trẻ em TP.HCM.

Hội đồng trẻ em sẽ họp định kỳ hai năm một lần vào tháng hai gắn với chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ thiếu nhi và vào tháng sáu gắn với hoạt động Tháng hành động vì trẻ em.  Các kỳ họp là cầu nối giúp lãnh đạo các cấp, các cơ quan, tổ chức nắm tình hình, nguyện vọng và nhu cầu của trẻ em và hoàn thiện quá trình xây dựng luật pháp, hoạch định chính sách về quyền trẻ em.

Nội dung hoạt động định kỳ tập trung vào thực trạng thực hiện quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia của trẻ em ở địa phương; đề xuất kiến nghị liên quan đến nhu cầu vui chơi, giải trí và sự phát triển của thiếu nhi tại địa phương; phản ánh những hành vi vi phạm quyền trẻ em ở địa phương; góp ý chính sách liên quan đến vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm