Tranh luận về quy định giờ làm việc, nghỉ trưa

Sau khi Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án quy định về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động (CCVC-NLĐ) trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị-xã hội đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

KHÔNG ĐỒNG Ý

Nên giữ nguyên giờ làm việc ở TP.HCM

“Việc quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thức thời gian làm việc trên cả nước còn gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng vì liên quan đến yếu tố vùng miền, đời sống sinh hoạt của người dân từng địa phương nên cần tạo sự chủ động phân chia thời điểm theo từng vùng miền. Riêng với TP.HCM, nên quy định thời gian làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp từ 8 giờ đến 17 giờ. Đây là thời điểm phù hợp với tập quán làm việc thực tế của CCVC-NLĐ tại TP lâu nay. Còn quy định CCVC-NLĐ được nghỉ trưa 60 phút là phù hợp vì hiện nay các lao động tại các cơ quan Nhà nước đều có thời gian nghỉ trưa 60 phút”.

Ông NGUYỄN THÀNH ĐÔ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM

Hãy để các địa phương tự quyết định

“Bộ luật Lao động chỉ quy định làm việc tám tiếng/ngày, không nên đưa ra quy định cụ thể mà để cho các địa phương tự quyết định. Hiện nay nhiều quốc gia người ta cho NLĐ tự chọn giờ làm việc linh hoạt, miễn sao anh làm đủ tám tiếng, đảm bảo năng suất lao động”.

PGS-TS NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG,
nguyên Viện trưởng Viện Lao động và xã hội

Quy định cứng nhắc gây khó cho NLĐ nông thôn

“Phương án giờ làm việc mới bắt đầu từ 8 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút là khả thi nhưng với điều kiện là ở các TP lớn như Đà Nẵng, TP.HCM… Đơn cử như Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, đa phần cán bộ, CCVC ở lại buổi trưa, ăn trưa ngay tại căn tin của trung tâm hành chính nên quy định vậy không ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên, đối với các tỉnh, vùng nông thôn, nghỉ trưa 60 phút là không hợp lý. Nhiều CCVC thường tranh thủ buổi trưa nghỉ được khoảng hai tiếng để ghé về nhà lo cơm nước, việc nhà… Nếu quy định chung và cứng như vậy thì khó cho họ. Cho nên quy định giờ làm việc mới nên có sự linh hoạt thay đổi giữa thành thị và nông thôn, tùy vào điều kiện thực tế, đặc thù mỗi địa phương”.

Giờ nghỉ trưa cần thiết cho sức khỏe của công chức, viên chức được Bộ LĐ-TB&XH đưa vào quy định mới. Ảnh: Internet

Ông NGUYỄN VĂN AN, Phó Giám đốc Thường trực Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng

Cần cân nhắc tập quán của người Việt Nam

“Người Việt, đặc biệt là NLĐ trong khu vực hành chính có tập quán khó thay đổi là phải luôn có một giấc nghỉ trưa. Thứ nữa là gia đình, con cái đi học… thì phải cân nhắc. Nếu không cân nhắc, bố trí không hợp lý sẽ dẫn đến phá vỡ mục tiêu ban đầu của sự thay đổi, không đem lại hiệu quả mà đôi khi lại làm cho trật tự bình thường trong sinh hoạt cơ quan, gia đình có tác động không tốt, phải cân nhắc và phải có sự linh hoạt”.

Ông NGUYỄN BÁ SƠN, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng

So với Bộ luật Lao động năm 2012, dự thảo bộ luật quy định thống nhất thời điểm bắt đầu làm việc và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, phù hợp với nhu cầu của NLĐ và người sử dụng lao động trong quá trình triển khai thi hành Bộ luật Lao động. 

ĐỒNG Ý

Đề xuất này đã có từ lâu

“Đề xuất này không mới. Từ năm 1994, khi soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đưa ra bàn với mong muốn có sự thống nhất giữa trung ương và địa phương. Tuy nhiên, do địa lý Việt Nam trải dài, qua nhiều vĩ độ. Nếu lấy giờ miền Bắc thì vào trong Nam không phù hợp. Chính vì vậy, lúc đó quyết định không đưa vào luật, giờ làm việc của trung ương do trung ương thống nhất, còn giờ địa phương do địa phương quyết định”.

Ông PHẠM MINH HUÂN, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Nghỉ trưa một giờ là phù hợp sức khỏe

“Hiện nay quy định giờ làm việc tùy từng nơi. Vì vậy, không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, giờ làm việc của cơ quan hành chính đa số là thống nhất. Bộ máy hành chính nhà nước phải chạy thông suốt từ trung ương đến địa phương, ít nhất là giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi. Đối tượng của cơ quan hành chính là người dân nên cần công khai giờ làm việc thống nhất để người dân và doanh nghiệp biết, không nên để mỗi nơi một giờ như hiện nay.

Đối với quy định nghỉ trưa một giờ thì theo các lý thuyết về dinh dưỡng, sức khỏe, 60 phút là đủ cho giờ nghỉ ngơi. Trong đó, thời gian ăn trưa 30-45 phút, còn lại nghỉ là hợp lý”.

Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH

Thống nhất giờ làm việc trên cả nước là hợp lý

“Một nhà nước thì phải thống nhất giờ làm việc để người dân còn tiếp xúc. Khi thi tuyển vào các vị trí công việc của công chức, ai cũng rõ về thời gian làm việc, vậy đừng viện dẫn chuyện con cái ở đây. Cũng không ai rảnh mà phân biệt bốn mùa xuân hạ thu đông để điều chỉnh giờ. Mọi người cứ làm việc tám tiếng, giờ nghỉ trưa không nên kéo quá dài. Thực tế cho thấy năng suất làm việc buổi sáng là tốt nhất, càng về chiều càng uể oải. Tôi thấy duy trì khung giờ từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30, từ 13 giờ đến 17 giờ là tốt nhất”.

TRUNG VÕ, CCVC

Tán thành phương án 1

“Tôi cho rằng phương án 1 là hợp lý. Áp lực công việc ngày càng nhiều nên nhiều người phải thức khuya là đương nhiên nên thời gian bắt đầu làm việc buổi sáng lúc 8 giờ 30 là hợp lý rồi, chứ phải đi làm sớm thì khổ lắm. Quy định thời gian làm việc nên thống nhất cả nước để công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương được nhiều hơn, mang lại hiệu quả cao hơn. Khó gì đi nữa rồi cũng quen”.

PHỐ NÚI,bạn đọcPháp Luật TP.HCM bản điện tử

Hai phương án quy định giờ làm việc và nghỉ trưa

Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án quy định về thời gian làm việc của CCVC-NLĐ trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội.

. Phương án 1, bổ sung vào Bộ luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

. Phương án 2, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (đối với các bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do chủ tịch UBND tỉnh quyết định). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm