Tranh luận 5 giờ, vẫn chưa “chốt” phương án tăng lương

Cũng như phiên họp thứ nhất, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vẫn giữ mức đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 370.000-450.000 đồng, tương ứng với 13,3% so với mức lương tối thiểu năm 2017. Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra mức đề xuất không tăng lương tối thiểu hoặc nếu tăng sẽ ở mức dưới 5%.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết kết quả khảo sát của đơn vị tại 17 tỉnh, thành trong năm 2017 cho thấy người lao động (NLĐ) hiện sống rất khó khăn với mức lương hiện nay (xem ở box)

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, trên thế giới chưa có nước nào lương tối thiểu đáp ứng được cuộc sống tối thiểu. Vì vậy, lương tối thiểu hiện tại đã tiệm cận với mức lương trung bình và nó là dư địa nhằm hai bên đàm phán tiếp các khoản bổ sung khác như thưởng. “Doanh nghiệp cũng mong muốn có được sự phát triển ổn định để bảo vệ lượng lao động hiện có. Nếu lương quá cao, doanh nghiệp sẽ phải tính đến việc cơ cấu, đồng nghĩa với nhiều người mất việc làm... Đặc biệt, tăng lương sẽ tăng giá tiêu dùng lên nên chúng tôi mong muốn các bên đưa ra được điểm chung” - ông Phòng nói.

Sau nhiều giờ thảo luận, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hạ mức tăng lương xuống 8%. Ông Chính khẳng định nếu tăng ở mức 5% thì coi như không tăng, mà mới chỉ bù trượt giá nên đơn vị sẽ bảo vệ mức đề xuất của mình bởi đời sống của NLĐ hiện nay rất khó khăn.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, đánh giá điểm tích cực của phiên họp này là các bên đã xích lại gần nhau hơn... Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, vì vậy cần phải chờ phiên họp thứ ba để đưa ra quyết định cuối cùng.

Như vậy, cả VCCI và Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ có một tuần để trao đổi và đưa ra mức đề xuất tăng lương của mình theo hướng đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, NLĐ và người sử dụng lao động: “Nếu phiên họp thứ ba hai bên thống nhất được một phương án thì đưa ra bỏ phiếu và nếu quá bán thì đó là phương án cuối cùng. Nếu không thống nhất được, hội đồng sẽ đưa ra hai phương án của chủ sử dụng lao động và NLĐ, phương án nào đạt tỉ lệ ủng hộ cao hơn sẽ được lựa chọn. Chủ tịch Hội đồng Tiền lương không đưa ra quyết định vì phải dựa vào nguyên tắc đồng thuận của các bên” - ông Diệp nói.

Trên 51% NLĐ làm thêm mới đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% NLĐ có thể có tích lũy từ thu nhập. Ngoài ra, có tới 54% NLĐ cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động đã bỏ ra. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm