Trắng đêm trực chốt cách ly ở Đắk Lắk

Tối 3-8, tại khu vực ngã sáu thành phố vắng người, thỉnh thoảng một vài chiếc xe máy chạy về phía đường Nguyễn Tất Thành. Ngày thường, mỗi tối hàng chục người cùng ra dạo chơi, chụp ảnh.

“Tỉnh cấm tụ tập rồi, mình phải chấp hành thôi. Hồi lần trước, không có ca nào cũng đỡ, giờ có mấy ca nên người dân cũng ở nhà, không ra đường”- một người đàn ông nhà cạnh đó nói với chúng tôi.

Ngã sáu thành phố vắng người trong ngày đầu giãn cách xã hội.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk đã ký văn bản chỉ đạo cách ly toàn thành phố trong vòng 14 ngày kể từ 0 giờ 2-8, sau khi ngành y tế ghi nhận thêm hai trường hợp mắc COVID-19 về từ Đà Nẵng.

Hai ngày trước đó, phía UBND TP Buôn Ma Thuột cũng đã cấp tốc gửi công văn đến lãnh đạo tỉnh này đề nghị phong tỏa bốn địa điểm trên địa bàn nhằm đảm an toàn cho người dân, tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng.

TP Buôn Ma Thuột thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày từ 3-8.

Bốn địa điểm được phong tỏa gồm tuyến đường Hoàng Diệu (đoạn từ ngã tư Hoàng Diệu - Lý Thường Kiệt đến ngã tư Hoàng Diệu - Hai Bà Trưng, phường Thắng Lợi); Khu vực hẻm 43/15 đường Ama Khê, phường Tân Lập); Khu vực hẻm 13/2/9 đường Nguyễn Văn Cừ (phường Tân Lập); Khu vực số nhà 101 Quốc lộ 14 (thôn 5 xã Hòa Thuận).

Đồng thời, nhà chức trách cũng đã phối hợp với Sở Y tế tiến hành phong tỏa bốn địa điểm là những nơi mà nữ bệnh nhân 601 đã từng đến trước khi bị cách ly để điều trị bệnh COVID-19.

23 giờ đêm, tại chốt cách ly trên đường Ama Khê, có gần chục người gồm công an phường và dân quân đang chốt chặn ở hai đầu đoạn đường. Thấy chúng tôi đến, một chiến sỹ công an đến đưa nước rửa tay sát khuẩn.

“Từ hôm trước, sau khi có ca bệnh, cơ quan chức năng tiến hành phong tỏa và anh em thay phiên nhau trực chốt. Mỗi chốt khoảng 10 đến 12 người, và lực lượng y tế hỗ trợ riêng”- vị cán bộ này nói.

Hàng chục chiến sỹ túc trực 24/24 tại các chốt cách ly.

Công việc túc trực ở chốt cách ly được 24/24, huy động lực lượng dân quân địa phương và công an phường.

“Vợ ở nhà cũng thấu hiểu và chia sẻ với chúng tôi, đã chọn chồng làm công an thì cũng hiểu. Chúng tôi trực cách ly, nhiều khi cũng không dám về nhà, vì sợ ảnh hưởng đến vợ con”- một cán bộ công an ở chốt cách ly Nguyễn Tất Thành tâm sự.

Một người dân trong khu cách ly chuyển đồ đạt ra bên ngoài nhưng bị ngăn lại. Lực lượng chức năng giải thích việc chuyển đồ đạt bên trong ra ngoài lúc này là không cần thiết, và sau đó số hàng hóa được đưa trở lại bên trong khu vực cách ly.

“Việc lập các chốt cách ly là cần thiết, người dân cảm thấy an tâm hơn sau những ca bệnh xuất hiện. Chúng tôi cảm ơn những người làm nhiệm vụ, việc cách ly tại nhà tuy đôi lúc thấy buồn nhưng để đảm bảo hơn”- anh N. nói với chúng tôi.

Một chốt cách ly phòng chống dịch tại đường Hoàng Diệu, nơi bệnh nhân 601 tạm trú trước khi bị cách ly.

Căn nhà số 41 (nơi BN 601 tạm trú) đóng cửa giữa hai chốt cách ly ở đường Hoàng Diệu. Hai đầu là hơn chục người túc trực canh gác để đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Bên cạnh đó, đội hỗ trợ y tế luôn sẵn sàng với nước sát khuẩn và mặt nạ ngăn giọt bắn.

“Chúng tôi cũng luôn ở đây, chung tay cùng người dân chống dịch. Người dân cũng mang thức ăn, đồ uống đến để hỗ trợ những người bên trong khu vực cách ly nhiều lắm”- một chiến sỹ túc trực chia sẻ.

Nhiều cửa hàng ăn uống, dịch vụ đóng cửa hoặc chỉ bán mang về nhằm đảm bảo phòng chống dịch.

Gần 200 người tiếp xúc gần với hai bệnh nhân mắc COVID-19 đang được các ngành chức năng tiến hành cách ly để điều trị. 89 trường hợp có kết quả âm tính với Sars-CoV-2, đó là một dấu hiệu đáng mừng.

Hàng trăm sinh viên ngành Y, Dược đã tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch như “tiếp lửa” để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm