TP.HCM: Vi phạm giao thông, ngồi nhà vẫn nhận được giấy tờ tạm giữ

 

Ngày 15-7, Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ-Đường sắt (CSGT ĐB-ĐS) thuộc Công an TP.HCM phối hợp cùng Bưu điện TP.HCM chính thức triển khai dịch vụ "Thu nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tay công dân theo yêu cầu".

Dịch vụ này thực hiện trên cơ sở đăng ký tự nguyện của cá nhân hoặc đại diện cá nhân, tổ chức vi phạm giao thông

Thu tiền phạt kèm phát trả giấy tờ tạm giữ

Người vi phạm có nhu cầu sử dụng dịch vụ liên hệ với bưu điện qua số điện thoại hotline 08. 39247247 (theo dấu đóng ở mặt sau biên bản vi phạm hành chính) để được hướng dẫn đăng ký hoặc trực tiếp đến 145 bưu cục thuộc Bưu điện TP.HCM để sử dụng dịch vụ. 

TP.HCM: Vi phạm giao thông, ngồi nhà vẫn nhận được giấy tờ tạm giữ ảnh 1
Bưu điện TP.HCM đặt quầy giao dịch tại các đội CSGT để thu nộp hộ tiền phạt và trả lại giấy tờ cho người dân theo địa chỉ yêu cầu. Ảnh: P.ĐIỀN

Để đăng ký và sử dụng dịch vụ, người vi phạm cung cấp biên bản vi phạm hành chính do cơ quan công an lập, nộp tiền phạt trên quyết định xử phạt và tiền phí dịch vụ, bưu điện cung cấp cho người vi phạm giấy chứng nhận nộp tiền và phiếu đăng ký dịch vụ.

Ngay sau ngày làm việc liền kề ngày người vi phạm nộp tiền phạt tại bưu điện, theo đó bưu điện sẽ chuyển nộp tiền phạt cho kho bạc/ngân hàng được chỉ định, đồng thời liên hệ với cơ quan công an để nhận quyết định xử phạt và giấy tờ tạm giữ để chuyển phát đến tận tay người vi phạm (bao gồm giấy tờ tạm giữ, một liên quyết định xử phạt, một liên biên lai thu tiền phí phạt do Kho bạc Nhà nước/Ngân hàng cấp) theo dịch vụ chuyển phát nhanh.

Thời gian chuyển phát giấy tờ tạm giữ (không bao gồm ngày Chủ nhật, lễ tết theo quy định): Trên địa bàn trung tâm TP.HCM tối đa hai ngày, kể từ ngày nhận giấy tờ tạm giữ từ cơ quan công an; các huyện tối đa ba ngày, kể từ ngày nhận giấy tờ tạm giữ từ cơ quan công an. Các tỉnh/thành phố khác tối đa năm ngày, kể từ ngày nhận giấy tờ tạm giữ từ cơ quan công an. 

Mất giấy tờ, bưu điện cam kết chịu trách nhiệm

Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Phó Giám đốc Bưu điện TP.HCM, đánh giá: Đây là loại hình dịch vụ được cung cấp trên cơ sở dịch vụ chuyển phát nhanh nên sẽ đảm bảo về tính an toàn cũng như bảo mật về thông tin cá nhân cho người dân theo quy định của pháp luật.

“Bưu điện cam kết việc chuyển giao giấy tờ tạm giữ đến đúng người. Trường hợp thất lạc, hỏng, mất giấy tờ tạm giữ do bất cứ nguyên nhân gì, bưu điện sẽ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan để cấp lại cho người vi phạm và chịu trách nhiệm về các chi phí cấp lại giấy tờ tạm giữ theo quy định và phí dịch vụ chuyển phát giấy tờ tạm giữ” - bà Vân cam kết.

Trường hợp nhận thay, người nhận phải có giấy ủy quyền theo quy định hoặc ủy quyền ghi trên phiếu đăng ký dịch vụ của bưu điện. Trường hợp sau hai lần không phát được tận tay người vi phạm, bưu điện để lại giấy mời, người nhận mang giấy mời và chứng minh nhân dân đến địa chỉ bưu cục ghi trong giấy mời để nhận giấy tờ tạm giữ.

Ngoài ra, để tránh tình trạng bị mất hoặc thất lạc giấy tờ của người dân, Phòng CSGT ĐB-ĐS phối hợp với Bưu điện TP.HCM xây dựng quy trình chặt chẽ từ khâu giao nhận đến chuyển phát trả giấy tờ tạm giữ cho người dân. Khi giao giấy tờ tạm giữ, bưu điện sẽ đối chiếu với giấy tờ tùy thân và lấy chữ ký xác nhận của người vi phạm về việc đã nhận giấy tờ tạm giữ trên chứng từ phát của bưu điện, đồng thời thu hồi biên bản vi phạm để giao cho cơ quan công an. 

Hằng ngày Phòng CSGT ĐB-ĐS và bưu điện sẽ rà soát, đối chiếu danh sách đã hoàn tất các thủ tục chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người dân và các giấy tờ tạm giữ không chuyển phát được để đảm bảo không thất lạc và sai sót.

Nơi nào áp dụng dịch vụ này?

Dịch vụ này áp dụng đối với các cơ quan công an có bàn tiếp nhận dịch vụ trực tiếp của bưu điện. Người vi phạm cung cấp quyết định xử phạt do cơ quan công an cấp cho bưu điện sau đó nộp tiền phạt tại các bàn thu của bưu điện.

Sau khi thu đủ số tiền phạt trên Quyết định xử phạt và tiền phí dịch vụ, bưu điện in hai liên giấy chứng nhận nộp tiền theo đúng mẫu đã thông báo với cơ quan công an và chuyển cho người vi phạm ký tên, nhân viên bưu điện ký tên và đóng dấu bưu cục.

Khi người vi phạm xuất trình giấy chứng nhận nộp tiền theo đúng mẫu quy định, cơ quan công an thực hiện kiểm tra, ghi nhận việc hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt và trả lại giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm.  

10 đội, trạm CSGT TP.HCM áp dụng dịch vụ thu hộ tiền phạt, có bàn tiếp nhận dịch vụ trực tiếp của bưu điện:

Đội CSGT Bến Thành (địa chỉ 52-54 Nguyễn Khắc Nhu, P.Cô Giang, Quận 1, Tp. HCM).

Trạm CSGT Đa Phước (địa chỉ 338B Dương Bá Trạc, phường 1, Quận 8, TP. HCM).

Đội CSGT Nam Sài Gòn(địa chỉ 338B, Dương Bá Trạc, Phường 1, Quận 8, Tp. HCM).

Đội CSGT Tân Sơn Nhất (địa chỉ 139 Trần Huy Liệu, Phường 8, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM).

Đội CSGT An Sương (địa chỉ 1509, Nguyễn Ảnh Thủ, P. Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP.HCM).

Đội CSGT Rạch Chiếc (địa chỉ 212 Quốc Lộ 1A, P. Tân Phú, Quận 9, TP.HCM).

Đội CSGT Bình Triệu (địa chỉ 41A QL13 cũ, P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, Tp. HCM).

Đội CSGT An Lạc (địa chỉ B4/11 ấp 2, QL1A, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Tp. HCM).

Đội CSGT Cát Lái (địa chỉ 288 Mai Chí Thọ, phường An Phú, Quận 2, TP HCM).

Trạm CSGT Tây Bắc (địa chỉ 144-148 Quốc lộ 22, ấp Bàu Tre, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, Tp. HCM).


Phòng CSGT ĐB-ĐS TP lưu ý:

Một số trường hợp vi phạm sau đây không được thực hiện dịch vụ chuyển trả giấy tờ tạm giữ qua bưu điện, gồm:

Đang xác minh (có hay không có hành vi vi phạm; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ);

Có dấu hiệu hình sự;  

Có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ hành nghề và tạm giữ tang vật, phương tiện;

Các trường hợp vi phạm có liên quan đến xử phạt chủ phương tiện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm