TP.HCM siết việc ra đường, lập 400 trạm y tế lưu động

Chiều 19-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh.

Siết lại việc ra đường từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày

Tại cuộc họp, liên quan đến việc thời gian gần đây đường phố đông người ra đường, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết ước tính TP cho phép khoảng 1,2 triệu người thuộc các nhóm đối tượng ra ngoài mỗi ngày trong thời gian giãn cách xã hội. Hầu hết trường hợp ra đường thời gian qua đúng quy định.

Lý giải về lý do có đông người dân ra đường, ông Đức chỉ ra ba nguyên nhân, trong đó ông nhấn mạnh đến một số hoạt động trước đây cấm nhưng từ ngày 16-8, TP bắt buộc phải cho phép hoạt động trở lại để đảm bảo duy trì nhu cầu cuộc sống cơ bản như dịch vụ bảo trì, hạ tầng kỹ thuật, tòa nhà chung cư, máy lạnh, thoát nước, cấp nước…

Nguyên nhân thứ hai là để kiểm soát việc lưu thông của người dân, lực lượng chức năng đã chặn nhiều tuyến đường nhánh và tập trung kiểm soát những tuyến đường chính. “Phần lớn người dân chỉ đi được một số trục đường chính, còn đường nhánh đều chặn. Tức là quy mô người ra đường vẫn vậy nhưng số lượng đường để đi ít hơn nên ta có cảm giác lượng người ra đường đông hơn” - ông Đức lý giải.

Nguyên nhân thứ ba là thời gian qua, khá đông người ra đường để đi tiêm vaccine. Trung bình mỗi ngày có 200.000 người đi tiêm, cao điểm lên đến 300.000 người. “Nếu người tiêm vaccine đảm bảo thực hiện nghiêm quy định cũng không tạo ra nguy cơ lớn vì người dân chỉ đi đường, không tiếp xúc” - ông Đức nói.

Còn về nguy cơ, ông Đức cho rằng chủ yếu xuất hiện tại các chốt kiểm soát do ùn tắc cục bộ. “Việc này, Công an TP vừa cùng các lực lượng họp rất nghiêm túc, nghiên cứu kỹ, rà soát 17 đối tượng đang được cho phép ra đường trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 18 giờ. Rà soát kỹ lại để có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn và những đối tượng nào không thật sự cấp thiết thì thời gian tới sẽ hạn chế để giãn cách nghiêm” - ông Đức nói.

Trao giỏ thuốc an sinh cho các gia đình có F0 đang điều trị tại nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sắp ra mắt 400 trạm y tế lưu động

BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết Sở Y tế đã cụ thể hóa chủ trương của Bộ Y tế về việc điều trị F0 trong thời gian tới, trong đó tính đến triển khai trạm y tế lưu động. Trước mắt, TP đang chuẩn bị 400 trạm y tế lưu động, phù hợp với số lượng F0 tại nhà. Thời gian tới, ngành y tế hướng tới 1.000 trạm. 

Điều trị F0 theo phương châm “bám dân, gần dân và phục vụ người dân”

Sáng cùng ngày, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã chủ trì cuộc họp trực tuyến bàn các giải pháp phòng chống dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng, trước diễn biến dịch bệnh hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp với TP.HCM và một số địa phương thiết lập mô hình triển khai trạm y tế lưu động tuyến xã, phường với phương châm “bám dân, gần dân và phục vụ người dân”.

“Mô hình trạm y tế lưu động là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với TP.HCM và một số địa bàn tại các địa phương không thể quản lý, điều trị F0 tại những khu vực tập trung” - Bộ trưởng nói.

Sắp tới Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn tạm thời quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà và hướng dẫn mô hình hoạt động trạm y tế lưu động.

Theo hình dung ban đầu, trạm y tế lưu động có thể triển khai ở bất cứ địa điểm nào (nhà thi đấu, phòng khám đa khoa khu vực, nhà văn hóa, UBND xã, phường hoặc nhà người dân rộng rãi xa các nhà xung quanh). Trong trường hợp không thể chọn các địa điểm trên thì có thể chọn thiết lập trên đường phố.

Các trạm y tế cơ động này, về cơ bản mỗi trạm 1-2 bác sĩ; đối với lực lượng cán bộ y tế khác có thể 5-7 người; nhân lực khác nên chọn tình nguyện viên trên địa bàn có sự am hiểu về dân cư và tình hình của địa bàn.

Mỗi trạm y tế lưu động tối thiểu nhất có thể có hai bình ôxy, mặt nạ thở ôxy để thay phiên và một số dụng cụ sơ cứu khác. Túi thuốc cấp cứu lưu động cũng cần tối giản.

Lãnh đạo BV quận Bình Tân xin lỗi vụ thu phí bệnh nhân COVID-19 tử vong

Liên quan đến việc BV quận Bình Tân, TP.HCM thu 36 triệu đồng viện phí của người mắc COVID-19 tử vong, ông Võ Tuấn Trường, lãnh đạo BV này, thừa nhận cơ sở đã sai sót trong việc thu phí bệnh nhân (BN) mắc COVID-19 tử vong mà báo chí phản ánh.

Theo ông Trường, BV quận Bình Tân sẽ chủ động liên lạc, hoàn trả những chi phí mà gia đình BN COVID-19 đã đóng. “Với tinh thần cầu thị, BV quận Bình Tân xin lỗi và nhận trách nhiệm về vụ việc này. Thời gian tới, tất cả chi phí điều trị BN COVID-19 tại BV quận Bình Tân sẽ được miễn phí. Các chi phí thuộc bảo hiểm chi trả sẽ được thực hiện đúng” - ông Trường nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm