TP.HCM ô nhiễm không khí, tiếng ồn

Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, kết quả quan trắc quý III-2015 tại 15 vị trí quan trắc cho thấy nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí tại TP.HCM do hoạt động giao thông gây ra.

“Theo số liệu thống kê của Sở GTVT TP.HCM vào cuối năm 2014, số phương tiện giao thông đường bộ (đăng kiểm) gồm trên 6.352.920 xe mô tô và 585.980 xe ô tô, chưa kể xe dân các tỉnh mang vào TP để đi làm. Trong đó, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ nên tăng lượng khí thải ra môi trường với mức độ tác hại ngày càng lớn. Đặc biệt, nhiều phương tiện cũ đã quá hạn sử dụng, xe tự chế vẫn tham gia giao thông nên vừa ảnh hưởng sức khỏe người dân khi tham gia giao thông, vừa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí của TP.HCM” - ông Phước trình bày.

 Quá nhiều xe cộ tham gia lưu thông là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường không khí tại TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC

Kết quả quan trắc môi trường không khí tại 10 vị trí quan trắc ảnh hưởng do hoạt động giao thông trong quý III-2015 còn cho thấy 2/10 số liệu quan trắc vượt quy chuẩn Việt Nam về chỉ tiêu CO. Đối với chỉ tiêu bụi, có 243/600 số liệu quan trắc vượt quy chuẩn Việt Nam. Tỉ lệ vượt cao nhất là tại vị trí An Sương với 55/60 số liệu quan trắc vượt quy chuẩn Việt Nam.

“Ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.HCM còn phát sinh từ cuộc sống đô thị, chủ yếu do các hoạt động xây dựng và dịch vụ. Ô nhiễm không khí còn do các hoạt động công nghiệp gây ra” - ông Phước nói.

Tại buổi họp, nhiều đại biểu cho rằng Sở GTVT TP.HCM nghiên cứu và đưa ra thời gian lưu hành của từng loại xe. Nếu xe hết thời gian lưu hành thì cấm sử dụng để tránh thực trạng thải nhiều khói ra môi trường.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS-BS Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết khí CO gây ngộp khi tiếp xúc, làm mất khả năng vận chuyển ôxy của máu, gây ngạt. Tùy vào nồng độ CO có trong không khí sẽ gây nhiễm độc nhẹ đến hôn mê, thậm chí tử vong. NO2 được tạo từ các nguồn đốt nhiên liệu dầu, khí đốt, sản xuất hóa chất, hàn đốt kim loại.

Với nồng độ 100 ppm, NO2 có thể gây chết người chỉ sau vài phút. Với nồng độ 5 ppm gây tác hại bộ máy hô hấp sau vài phút. NO2 gây nguy hiểm cho phổi, tim, gan sau vài giờ tiếp xúc với nồng độ 15-50 ppm. Với nồng độ 0,06 ppm cũng gây bệnh phổi cho người tiếp xúc lâu dài.

Tiếng ồn làm rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng tới sự hoạt động bình thường của tuần hoàn máu, làm tăng huyết áp. Bụi gây viêm xoang, viêm mũi. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm