TP.HCM: Kỷ lục lấy hơn 820.000 mẫu xét nghiệm trong ngày

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 23-9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

TP.HCM vẫn đang truy vết và cách ly F1

Thông tin về tình hình dịch bệnh, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cho biết tính đến 18 giờ ngày 22-9, TP.HCM có 354.193 người nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Hiện đang điều trị cho 40.973 bệnh nhân, trong đó có 3.771 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.056 bệnh nhân nặng đang thở máy và 24 bệnh nhân can thiệp ECMO. Riêng trong ngày 22-9, TP.HCM có 3.773 bệnh nhân nhập viện, 3.258 người xuất viện và 175 bệnh nhân tử vong.

Đáng chú ý, từ 18 giờ ngày 21 đến 18 giờ ngày 22-9, TP.HCM đã lấy 821.999 mẫu xét nghiệm. Trong đó có 4.861 mẫu đơn và 4.982 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 794.397 mẫu. Kể từ đầu dịch đến nay, đây là số mẫu xét nghiệm kỷ lục mà TP.HCM lấy được trong một ngày.

Trả lời về câu hỏi TP.HCM còn truy vết các trường hợp tiếp xúc gần hay không, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết TP vẫn còn truy vết và quản lý F1. Tuy nhiên, so với trước đây thì hiện nay hoạt động này có phần lặng lẽ hơn vì TP đang thực hiện Chỉ thị 16 “ai ở đâu ở yên đó” nên F1 nếu có là cùng nhà với F0, được quản lý song song với F0.

Theo ông Tâm, ở các vùng xanh, do số ca nhiễm giảm, việc đi lại thoáng hơn nên công tác truy vết F1 sẽ được tăng cường và cách ly như trước đây. Hai trường hợp thuộc nhóm F1 đang được cách ly là người tiếp xúc gần F0. Nhóm còn lại là chuyên gia nhập cảnh từ nước ngoài, tổ bay quốc tế...

Số lượng F1 được cách ly tập trung hiện nay là 1.600 người và 19.500 F1 đang cách ly tại nhà. “Việc quản lý F1 cơ bản giống F0 nhưng nhẹ nhàng hơn. Các F1 này phải khai báo dịch tễ hằng ngày, cách ly tại các phòng riêng” - ông Tâm nói.

Về kết quả bước đầu đợt xét nghiệm diện rộng từ ngày 22 đến 29-9, ông Tâm cho biết tỉ lệ dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm ở vùng xanh là 0,1%, vùng cận xanh là 0,3%, vùng vàng là 0,3%, vùng cam là 0,5% và vùng đỏ là 0,7%. Ông Tâm cho rằng số liệu này tuy chỉ mới ngày đầu nhưng cho thấy tỉ lệ dương tính giảm đáng kể.

Liên quan đến vấn đề xét nghiệm tầm soát đối với lực lượng mai táng, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết các nhân viên dịch vụ mai táng sẽ được xét nghiệm như những người dân bình thường. Những nạn nhân tử vong do COVID-19 đã có lực lượng quân đội phụ trách. Dịch vụ mai táng chủ yếu phụ trách trường hợp tử vong không do COVID-19. Các công ty dịch vụ mai táng gắn kết với bệnh viện (BV) và có hợp đồng để xử lý thi hài sau khi qua đời. Do đó, các BV sẽ hỗ trợ đối tượng này.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà cho người dân phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bệnh nhân COVID-19 thở máy tại TP.HCM đang giảm

Số F0 nặng, nguy kịch đang điều trị phải thở máy năm ngày qua đã giảm dần, được đánh giá là “tín hiệu lạc quan”.

Thông tin này cũng được ông Phạm Đức Hải cho biết tại cuộc họp vào chiều 23-9. Cụ thể, ngày 18-9 có 2.350 ca phải thở máy; ngày 19-9 là 2.342 ca; ngày 20-9 là 2.234 ca; ngày 21-9 còn 2.174 ca; ngày 22-9 giảm còn 2.056 ca. Như vậy, trung bình mỗi ngày giảm khoảng 58 bệnh nhân thở máy. Trong 20 ngày qua, nhóm bệnh nhân thở máy đang điều trị giảm gần 700 ca. 

Đã giải quyết lưu thông cho 7.500 cán bộ, công chức

Trả lời câu hỏi về số lượng tiếp nhận, giải quyết lưu thông cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi làm sau ngày 30-9, theo Công văn 3086 của UBND TP.HCM, Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết đến nay Công an TP đã tiếp nhận danh sách từ 17 đơn vị, sở, ngành của TP, với tổng số cán bộ, công nhân, viên chức trên 7.500 người.

Theo ông Tuyến, Công an TP.HCM đang cập nhật thông tin vào phần mềm VNEID để quản lý, kiểm soát lưu thông.

Trước đó, ngày 22-9, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, đã ký Công văn 3720 về việc thực hiện phương án giải quyết lưu thông theo Công văn 3086 của UBND TP.

Theo đó, nhằm hạn chế thủ tục cấp đổi giấy đi đường và việc lạm dụng giấy đi đường được cấp để lưu thông không đúng mục đích, Công an TP đề xuất giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể được phép lưu thông đến trụ sở làm việc với một số điều kiện.

Trong đó, thời gian lưu thông: Sáng từ 6 giờ 30 đến 8 giờ; chiều từ 16 giờ 30 đến 18 giờ. Tuyến đường lưu thông là từ nơi ở đến nơi làm việc.

Trường hợp lưu thông thực hiện nhiệm vụ ngoài khung giờ và tuyến đường vẫn sử dụng giấy đi đường đã cấp. Trường hợp đổi ca, bị nhiễm COVID-19 thì đổi giấy đi đường. Trường hợp đặc biệt do yêu cầu công việc cần lưu thông thì Công an TP xem xét cấp bổ sung giấy đi đường và xem xét giải quyết từng đơn vị.

BV COVID-19 Củ Chi ngừng nhận bệnh nhân mới

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, hiện Sở Y tế đang tham mưu cho UBND TP.HCM về hoạt động tái cấu trúc các BV dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn TP. Bởi vì sau dịch, quan trọng nhất là việc phải tái cấu trúc các BV vốn dĩ đã tách đôi hoặc chuyển đổi công năng để trở lại bình thường mới.

Về định hướng, các BV, trung tâm y tế ở địa bàn là vùng xanh như quận 7, huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi sẽ sớm được chuyển đổi thành BV bình thường và giao việc điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các BV lưu động hoặc BV của TP đóng trên các địa bàn đó.

Theo bà Mai, bắt đầu từ ngày 23-9, BV điều trị COVID-19 Củ Chi sẽ không nhận bệnh nhân mới để giải quyết bệnh nhân nặng, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm