TP.HCM: Gấp rút xét nghiệm, truy vết diện rộng

Sáng 27-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp khẩn sau khi phát hiện chùm ca dương tính với virus SARS-CoV-2 liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng, quận Gò Vấp.

Truy vết rộng, thu hẹp dần để dập dịch

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng ổ dịch ở Hội thánh truyền giáo Phục hưng là ổ dịch lớn, bùng phát nhanh, lây lan rộng trong cộng đồng. Vì thế, cần phải có biện pháp tương xứng để ngăn chặn, dập dịch. “Đến giờ này, chúng ta chưa nắm chắc được nguồn lây nhiễm từ đâu để truy vết. Cho nên biện pháp tương xứng ở đây là cần truy xét rộng hơn để rồi thu hẹp dần” - ông Nên nói.

Theo ông, cần phải truy vết theo tinh thần chặn đầu trước, bởi hiện nay chưa xác định được những điểm tiếp xúc của các F0, F1, F2.

Bí thư Thành ủy đề nghị trước mắt kêu gọi người dân TP.HCM bình tĩnh, cảnh giác cao độ, không hoảng hốt và sẵn sàng hỗ trợ, tham gia cùng lực lượng phòng chống dịch với ý thức trách nhiệm cao nhất nhằm ngăn chặn và dập dịch trong thời gian nhanh nhất có thể.

Người đứng đầu Thành ủy cũng đề nghị thực hiện nghiêm quy định giãn cách ở những nơi có dịch và vùng lân cận.

Nếu các cá nhân, tổ chức nào vi phạm trong phòng chống dịch thì phải xử lý nghiêm.

Ngoài ra, ông Nên cũng yêu cầu các khu cách ly, bệnh viện dã chiến ngay từ bây giờ phải sẵn sàng túc trực, đảm bảo các tình huống khi dịch bùng phát rộng và kết nối thông tin với Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia để báo cáo, xin ý kiến nhằm có sự chỉ đạo chung.

Xét nghiệm tầm soát tám quận, huyện có người hội truyền giáo sinh sống

Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, chỉ đạo TP.HCM sẽ xét nghiệm tầm soát nCoV trên diện rộng, trong đó ưu tiên lấy mẫu tại tám quận, huyện có người của Hội thánh truyền giáo Phục hưng sinh sống.

Theo đó, Sở Y tế sẽ đẩy mạnh tốc độ truy vết, xét nghiệm trên diện rộng tất cả khu vực có ca nhiễm trên địa bàn TP, đặc biệt ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm tám quận, huyện có người của Hội thánh truyền giáo Phục hưng. Thành viên tổ bầu cử ở tám quận, huyện này thuộc nhóm được ưu tiên lấy mẫu sớm.

Trong ngày 27-5, BV Gia Định cũng đã lấy mẫu gộp tầm soát hơn 2.000 nhân viên, bệnh nhân nội trú, sau khi ghi nhận ba người từng đến khám, liên quan Hội thánh truyền giáo Phục hưng, dương tính với nCoV. Toàn bộ nhân viên Khoa khám bệnh, Khoa cấp cứu được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Đến chiều 27-5, kết quả xét nghiệm các mẫu này đều âm tính.

Hiện 36 ca mắc COVID-19 cư trú ở tám quận, huyện gồm: quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè và TP Thủ Đức.

“Dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát nhưng không loại trừ khả năng xuất hiện F0 trong cộng đồng. Cố gắng truy vết, tìm ra nguồn lây ở ổ dịch hội thánh trong ngày hôm nay là tốt nhất” - ông Phong lưu ý.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công (quận Gò Vấp, TP.HCM) vào chiều 27-5. 
Ảnh: HOÀNG GIANG

Thêm 36 ca COVID-19 tại TP.HCM, đều liên quan Hội thánh Phục hưng

Bộ Y tế tối 27-5 ghi nhận 150 ca dương tính với nCoV trong nước, trong đó Bắc Giang chiếm 84 ca và TP.HCM 36 ca. 36 ca mắc mới tại TP.HCM đều liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng. Tính tổng cộng trong ngày 27-5, Việt Nam ghi nhận 230 ca nhiễm. 

Ổ dịch hội truyền giáo có thể đã qua hai chu kỳ lây

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục hưng có khuôn viên rất chật hẹp, trong ngõ hẻm. Qua quá trình điều tra, truy vết, tất cả thành viên gia đình ông trưởng hội thánh này (theo lãnh đạo quận Gò Vấp là năm người - PV) đều có kết quả dương tính. “Những tín đồ này hội họp trong môi trường chật hẹp như thế nên hầu như những người tham gia sinh hoạt đều dương tính hết” - ông Bỉnh nói.

Ông Bỉnh nhận định: Đây có thể là ổ dịch đã xuất hiện và lây lan từ trước, có thể đã tối thiểu qua hai chu kỳ lây, mầm bệnh cũng đang lây lan trong cộng đồng và chưa rõ nguồn lây. Hai chu kỳ lây tức là từ F0 đã lây nhiễm cho F1, F1 lây cho F2. Đến nay, cả F1 và F2 cũng đã dương tính.

Từ đó, ông Bỉnh đề nghị Công an TP.HCM và Ban Tôn giáo TP.HCM rà soát số lượng và điều tra xem địa điểm này có giấy phép hoạt động chính thức tại TP.HCM hay không.

Hàng loạt dịch vụ tại TP bị tạm dừng để chống dịch

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chiều tối 27-5 đã ký văn bản khẩn về tăng cường triển khai các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo đó, TP.HCM tạm dừng thêm các loại hình hoạt động như spa; cơ sở làm đẹp (cắt, uốn tóc nam nữ, nail...); phòng khám và bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ; nhà hàng ăn uống; các địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện (vẫn cung cấp tài liệu qua Internet); các hoạt động tại phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng; các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao ngoài trời tập trung trên 10 người.

Trước đó, TP.HCM đã tạm dừng các hoạt động không thiết yếu như massage; xông hơi; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc; sân khấu kịch; rạp chiếu phim; trung tâm - nhà hàng tiệc cưới.

Lực lượng chức năng nhận hàng chuyển vào giúp người dân đang bị cách ly trong hẻm 891 đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau, karaoke dưới mọi hình thức; vũ trường; quán bar; karaoke; hát với nhau; pub; beer club; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử, truy cập Internet; các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao trong nhà (gym, fitness, billiards, yoga...).

Tạm dừng các trung tâm thể dục thể thao và các khu tập luyện thể thao công cộng trên địa bàn TP.

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: Tuyệt đối không phục vụ tại chỗ hoặc đảm bảo các quy định riêng tùy theo hình thức kinh doanh.

Thời gian áp dụng các nội dung nêu trên bắt đầu từ 0 giờ ngày 28-5-2021 cho đến khi có thông báo mới.

Việc giãn cách xã hội thuộc thẩm quyền của TP.HCM

Cùng ngày 27-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến khẩn giữa Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia với lãnh đạo TP.HCM. Phó Thủ tướng khẳng định việc giãn cách xã hội trên địa bàn TP.HCM theo quy mô, mức độ nào, thuộc thẩm quyền của lãnh đạo TP.HCM. Việc giãn cách xã hội, phong tỏa và cách ly cần phù hợp, đảm bảo mục tiêu kép, vừa an toàn phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nêu rõ các địa phương muốn thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, thành theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 16 thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có sự chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương lân cận phối hợp đồng bộ nhằm không “ngăn sông, cấm chợ” không cần thiết.

Các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tại TP.HCM khẩn trương thực hiện các nội dung:

- Thiết lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại cổng, lối ra vào khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

- Tổ chức hướng dẫn cho các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao về việc phân luồng cách ly y tế, thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời khi có trường hợp nghi nhiễm.

- Yêu cầu tất cả doanh nghiệp bố trí riêng khu vực để tiếp khách. Khách vào khu vực làm việc, ký túc xá, khu nhà ở công nhân phải được đo nhiệt độ, đeo khẩu trang và các biện pháp phòng dịch.

- Rà soát, sắp xếp và tổ chức lao động, tổ chức sản xuất tại doanh nghiệp để đảm bảo khoảng cách, giãn cách theo quy định.

- Nghiên cứu bố trí ca làm việc linh hoạt cho người lao động nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Khuyến khích người lao động trao đổi, làm việc hoặc giao ca trực tuyến qua điện thoại, các phần mềm hội thảo trực tuyến, phương tiện truyền thông xã hội khác. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm