TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16: Người dân đồng tình, chỉ ra đường khi cần thiết

Tối 8-7, UBND TP.HCM đã chỉ đạo giãn cách xã hội trên toàn thành phố theo Chỉ thị 16, tạm dừng bán vé số và dịch vụ ăn uống mang về. Từ sáng sớm, nhiều chốt kiểm soát dịch COVID-19 được thành lập để kiểm soát lượng người dân ra vào các quận. 

Lần thứ 2 giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân đã quen với cảnh đường phố vắng vẻ. Tại các cửa hàng Bách hóa xanh, Coop Food đông người dân tới mua thực phẩm, tuy nhiên không còn cảnh xếp hàng dài để mua đồ dự trữ. 

Ông Võ Thành Long (66 tuổi, quận 10) làm nghề bán vé số, nay đã nghỉ. Ông cho biết đường phố vắng vẻ hơn nhiều so với hôm qua. "Hôm qua đông 10 thì sáng nay chỉ còn 2 phần, ngay cả trong giờ cao điểm. Những người có công việc chính đáng mới ra đường. Thành phố áp dụng Chỉ thị 16 là đúng, nhưng có lẽ nên áp dụng sớm hơn vì đã có quá nhiều ca nhiễm. Chắc chỉ khi người dân tiêm vaccine hết thì mới hết dịch. Chờ hết dịch tôi sẽ về quê ở Đà Lạt" - ông Long nói. 

Vòng xoay Điện Biên Phủ (quận 1) vắng vẻ trong ngày đầu giãn cách theo Chỉ thị 16. Ảnh: KHÁNH CHI

Ông Long đã trả phòng trọ từ 10 ngày nay vì không trả được tiền trọ. Trước khi dịch bùng phát, ông có thể bán hơn 300 tờ vé số mỗi ngày. Tuy nhiên, dịch bệnh căng thẳng nên ông phải nghỉ bán. Không có chỗ ở, không có thu nhập, ông đành phải ở ngoài đường, nhờ sự giúp đỡ của mọi người để sống qua ngày.

Người dân chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết. Ảnh: KHÁNH CHI

Ít người qua lại, việc dọn dẹp vệ sinh của công nhân môi trường tại đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) trở nên dễ dàng hơn. Ảnh: KHÁNH CHI

Chị Võ Thị Giang (40 tuổi, quận Tân Phú) bất ngờ vì sáng nay lập chốt kiểm soát gần nơi mình sống. Chị cho biết: "Tôi phải chờ thông chốt mới có thể đến cơ quan làm giấy xác nhận đi làm cho nhân viên. Công an yêu cầu có giấy của cơ quan thì mới được đi. Đi làm khi dịch căng thôi cũng lo vì sợ tiếp xúc với F0 mà mình không hay biết. Vì vậy tôi luôn giữ khoảng cách khi nói chuyện với người khác, luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên đặc biệt là nơi mình làm việc".

Cầu Bình Lợi cũng trở nên vắng vẻ. Ảnh: KHÁNH CHI

Nhiều shipper lo lắng vì phải tiếp xúc với nhiều người trong mùa dịch, nhưng vẫn cố gắng để trang trải cuộc sống. Ảnh: KHÁNH CHI

Ông Lê Chính Thành (61 tuổi, Bình Thạnh) là chủ của một cửa hàng tạp hóa trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. "Từ khi dịch bùng phát, đường phố đã vắng rồi nay còn vắng hơn. Thời gian gần đây người dân tới mua mì tôm nhiều, việc lấy hàng có chút vất vả nhưng tôi cũng cố gắng vì mọi người. Tôi đồng tình với quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của thành phố, công an, dân quân cần làm gắt hơn để tránh tình trạng tụ tập đông người" - ông chia sẻ. 

Ông Lê Chính Thành (bên phải) đồng tình với việc áp dụng Chỉ thị 16 của thành phố. Ảnh: KHÁNH CHI

Đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú) vắng vẻ vào 7 giờ sáng nay. Ảnh: KHÁNH CHI

Một chốt kiểm soát được lập tại đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú). Ảnh: KHÁNH CHI

Bách hóa xanh tại đường Lê Trọng Tấn không còn cảnh người dân xếp hàng dài mua hàng. Ảnh: KHÁNH CHI

Đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) vốn hay tắc đường nay cũng ít người qua lại. Ảnh: KHÁNH CHI

Nhiều cửa hàng trên đường Lê Trọng Tấn (Tân Phú) đóng cửa. Ảnh: KHÁNH CHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm