Tôi chấp bút cho một “cuộc đời mênh mông”

Cuốn tự truyện này vừa ra mắt chiều tối 13/7 tại tư gia của GS Trần Văn Khê tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

* Cơ duyên nào để chị "chấp bút" tự truyện cho GS Trần Văn Khê? Bởi vì thầy Khê dù tuổi cao vẫn còn đủ minh mẫn để nói chuyện trước đám đông và thầy hoặc gia đình của thầy dư sức nhờ một "thư ký" ghi chép lại những điều thầy nói?

- Tôi có dịp gặp gỡ anh Nguyễn Văn Phước - giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News để viết một bài báo về anh. Đầu tháng 4/2010, anh Nguyễn Văn Phước gọi tôi trao đổi về việc chấp bút cho một cuốn sách của GS Trần Văn Khê. Tôi rất hào hứng với đề nghị này. Tôi nghĩ, được chấp bút cho một người mà mình ngưỡng mộ thật là may mắn.

Tôi chấp bút cho một “cuộc đời mênh mông” ảnh 1

GS Trần Văn Khê (ngồi) và Đào Trung Uyên trong buổi ra mắt tự truyện Trần Văn Khê – Những câu chuyện từ trái tim

Áp lực không nhỏ là cuốn tự truyện cần được ra mắt vào dịp GS mừng thọ 90 tuổi (ngày 24/7). Chúng tôi đã nỗ lực hết mình và thật sự hài lòng khi cuốn sách được ra mắt vào đúng dịp này. Tôi hi vọng bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ sẽ đồng vọng với những tâm nguyện mà GS-TS Trần Văn Khê gửi gắm trong cuốn tự truyện.

Ở tuổi 90, GS-TS Trần Văn Khê vẫn rất minh mẫn khi nói chuyện với đám đông, thậm chí sẵn sàng biểu diễn đờn kìm, đánh trống... GS có thể nhờ một thư ký ghi chép lại những điều GS nói. Trong thực tế, thầy Khê có một thư ký riêng. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu quan trọng của cuốn tự truyện là hướng đến độc giả trẻ. Tôi có thuận lợi là trong nhiều năm nay viết báo về đời sống bạn trẻ.

Đào Trung Uyên sinh năm 1985 tại Phú Yên. Tốt nghiệp Khoa Báo chí, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Đang làm việc tại báo Tuổi trẻ Online. Giải 3 cuộc thi viết truyện rất ngắn của báo Mực Tím năm 2008.

* "Chấp bút" tự truyện cho GS Trần Văn Khê chị có "khớp" không khi so tuổi đời của chị và thầy Khê cũng như danh tiếng, uy tín giữa hai người?

 - Trước khi gặp GS để chấp bút cho cuốn tự truyện, tôi đã đọc hồi ký của GS cùng những bài viết khác… Càng đọc, tôi càng hiểu tôi đang sắp chấp bút cho một “cuộc đời mênh mông”. Tôi không phủ nhận có hồi hộp khi gặp gỡ GS để thực hiện cuốn tự truyện. Nhưng những hồi hộp ấy nhanh chóng qua đi vì cảm giác thân thiết, thú vị khi tôi trò chuyện cùng GS.

Thật sự khi chấp bút, tôi không nghĩ việc chênh lệch tuổi tác khi tôi 25 tuổi và GS 90 tuổi. Tôi cũng chưa từng nghĩ tôi chịu áp lực vì danh tiếng của GS vang khắp 5 châu. Tôi chấp bút với tất cả lòng kính yêu, tôn trọng tuyệt đối ngôn ngữ của GS đậm chất Nam Bộ trong cuốn tự truyện này.

* Chị có thể kể vài dấu ấn trong thời gian chị tiếp xúc với GS Trần Văn Khê để viết tự truyện, kể cả những dấu ấn khi chị vừa biết đến danh tiếng thầy Khê?

- GS từng nói với tôi: “Có thể khi làm xong cuốn sách này, con sẽ hiểu thầy như thầy hiểu thầy”. Dẫu biết đó là điều khó có thể xảy ra, nhưng lời nói ấy đã động viên tôi rất nhiều.

Điều tôi ấn tượng nhất về GS là tinh thần lao động. Ở tuổi 90, GS vẫn miệt mài giới thiệu những giá trị của âm nhạc truyền thống Việt Nam đến công chúng, đặc biệt là bạn trẻ, dù bị bệnh tật “bao vây”.

Những buổi làm việc để “chấp bút” tự truyện thường bắt đầu từ 5h30 đến 21h. Trong mỗi buổi làm việc với GS, tôi cùng GS trao đổi về một chủ đề nhất định để xây dựng thành một câu chuyện. Hôm sau, tôi mang bản thảo đến để GS sửa và tiếp tục trao về một chủ đề khác. Các bản thảo của tôi được GS sửa rất kỹ, từ dấu chấm, dấu phẩy, xuống dòng, mối liên kết giữa các đoạn… Trung bình mỗi bản thảo, GS đọc từ 5 - 6 lần. Một thử thách dành cho tôi là phải sử dụng từ ngữ Nam Bộ trong các bản thảo trong khi tôi là người miền Trung (Phú Yên). Rút kinh nghiệm ngay từ bản thảo đầu tiên được GS sửa, tôi cố gắng ghi nhớ nhiều từ, ví dụ: “nhứt là” thay vì “nhất là”, “bịnh viện” thay vì “bệnh viện”, “cây đờn” thay vì “cây đàn”…

* Được biết, chị từng đoạt giải học sinh giỏi văn quốc gia thời trung học. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ rằng chị đang "viết tập làm văn" kiểu học sinh giỏi cho tự truyện của một nhân vật lừng lẫy, từng trải như GS Trần Văn Khê. Ý kiến chị thế nào về nhận định này?

- Năm 2003, khi là học sinh lớp 12 ở trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Phú Yên, tôi đoạt giải Nhất môn Văn quốc gia. Tôi từng mơ ước trở thành một giáo viên dạy văn nhưng sau đó tôi thích nghề báo hơn. Dù vậy, tôi vẫn chưa bao giờ thôi mơ ước một lúc nào đó trong đời, tôi có thể đứng trước các bạn học sinh, sẻ chia với các bạn những xúc cảm mà tôi “nghe được” trong các tác phẩm văn học bằng tất cả rung động chân thành từ trái tim mình.

Tôi tham gia làm sách, cụ thể là chấp bút cho cuốn tự truyện này - cũng là một cách - hiểu linh hoạt theo một nghĩa nào đó - tôi đang đi về phía ước mơ của mình.

Nếu có bạn đọc cho rằng tôi đang “tập làm văn” cho tự truyện của một nhân vật lừng lẫy thì có lẽ người trước tiên chỉ cho tôi thấy điều này sẽ là GS Trần Văn Khê. GS và tôi đã trao đổi nhiều lần về nội dung cuốn sách. Như tôi đã nói, tôi tôn trọng tuyệt đối ngôn ngữ Nam bộ trong tự truyện này, để giúp bạn đọc “tiệm cận” hiệu quả nhất với chân dung của GS-TS Trần Văn Khê. Nhưng tôi cũng rất hi vọng bạn đọc cũng sẽ nhận thấy trong cuốn tự truyện ở cách chọn lọc vấn đề, cách thể hiện vấn đề, cách xâu chuỗi những điều muốn gửi gắm đến bạn đọc… có sự chân thành của một người viết trẻ. Đó sẽ là nguồn động viên rất lớn với tôi.

* Sau cuốn tự truyện của GS Trần Văn Khê do chị "chấp bút", cá nhân chị đã rút ra được những bài học gì từ tấm gương của thầy Khê?

- GS có câu nói để lại ấn tượng mạnh trong tự truyện: “Ước nguyện hiện tại của tôi là có thể say sưa nói về âm nhạc trong cả những phút cuối cùng được sống... Tôi không thích ra đi trong đau ốm, làm khổ người này người khác”.

Tôi nghĩ, đó là những điều mà các bạn trẻ đều cần có trong hành trang đi tìm hạnh phúc trong cuộc đời vốn hữu hạn này.


Theo Hoàng Nhân (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm