Tiền quyên góp "vụ lừa iPhone ở Singapore" đi đâu về đâu?

Grabriel Kang và Phạm Văn Thoại - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Grabriel Kang và Phạm Văn Thoại - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo tờ The Straits Times ngày 28-3, sau 5 tháng, phần lớn số tiền 15.500 đô la Singapore (SGD)  do cộng đồng mạng quyên góp cho anh Thoại sau vụ lừa hiện tại vẫn chưa được sử dụng.

Hơn 9.000 SGD chưa được sử dụng

Doanh nhân 37 tuổi Gabriel Kang, người đứng ra vận động cuộc đóng góp trên nói với The Straits Times rằng còn hơn 9.000 SGD vẫn chưa được sử dụng.

Tháng 11 năm ngoái, Kang khởi xướng một cuộc quyên góp trên trang Indiegogo nhằm giúp anh Thoại sau khi anh bị lừa khi mua iPhone 6 tại cửa hàng Mobile Air ở khu mua sắm Sim Lim đến mức phải quỳ và khóc xin cửa hàng trả lại tiền.

Ban đầu Kang dự định quyên góp số tiền 1.350 SGD đủ để mua một chiếc Iphone tặng anh Thoại, nhưng số tiền quyên góp được đã vượt xa dự tính của ông.

Sau khi trừ chi phí từ trang web Indiegogo, thanh toán PayPal và chuyển đổi tiền tệ, Kang nhận được khoảng 13.940 SGD vào tài khoản của anh.

Kang đã dùng 1.538 SGD để mua 1 chiếc iPhone 6 Plus tặng cho anh Thoại nhưng anh Thoại từ chối nhận chiếc điện thoại, mà chỉ nhận bánh kẹo làm quà, trị giá khoảng 200 SGD.

Ông Kang sau đó đấu giá chiếc điện thoại này và dùng số tiền đó để mua vé máy bay cho một phụ nữ người Việt Nam được cho là đã bị bán ra nước ngoài để cô về nước.

Đồng thời ông Kang cũng mua thuốc men, bánh kẹo và đồ chơi tặng cho trại trẻ mồ côi Thiên Bình ở Đồng Nai.

Gabriel Kang mua sắm đồ chơi để tặng cho trẻ em tại mái ấm Thiên Bình, Biên Hòa, Đồng Nai tại một siêu thị tại Q. Gò Vấp, TP.HCM ngày 10-1-2015- Ảnh: Ngọc Đông
Gabriel Kang mua sắm đồ chơi để tặng cho trẻ em tại mái ấm Thiên Bình, Biên Hòa, Đồng Nai tại một siêu thị tại Q. Gò Vấp, TP.HCM ngày 10-1-2015- Ảnh: Ngọc Đông

Mạnh thường quân không đồng tình

Tuy nhiên, một vài người tham gia góp tiền lại khá “phật ý” khi họ không được tham khảo ý kiến về các hoạt động từ thiện của ông Kang.

“Tôi muốn số tiền đó đến tay anh Thoại”, sinh viên Abraham Lee, 23 tuổi, một người góp tiền nói. “Bây giờ nếu anh ấy không muốn nhận, thì ông Kang cũng không đúng khi tự ý mang số tiền đó ủng hộ bất cứ hoạt động từ thiện nào do ông ấy tự chọn”.

“Tôi đã sốc khi biết ông Kang trả tiền vé máy bay cho một người phụ nữ mà ông ta chưa bao giờ gặp. Đó không phải là mục đích ban đầu của cuộc quyên góp”, kỹ sư máy tính 28 tuổi Jonathan Hoo bức xúc.

Bộ phận phụ trách Hoạt động từ thiện (Charities Act) của Văn phòng ủy viên các hội từ thiện (Office of the Commissioner of Charities), phát biểu với The Straits Times rằng khi một số tiền quyên góp không thể được sử dụng cho mục đích từ thiện kêu gọi ban đầu, thì tiền đóng góp đó nên được trả lại cho các mạnh thường quân, hoặc được dùng cho một mục đích từ thiện khác tương tự với mục đích ban đầu.

Về phần mình, ông Kang từng phát biểu rằng sẽ “dùng số tiền quyên góp được giúp đỡ những nạn nhân bị lừa đảo khác”.

Kang nói đã suy nghĩ rất kỹ để chỉ sử dụng 2.000 SGD từ tiền đấu giá chiếc iPhone giúp đỡ trại trẻ mồ côi khi thấy các em bị bệnh mà lại thiếu thuốc men.

Kang cho biết ông cũng dự tính để riêng 3.000 SGD để tài trợ anh Thoại một chuyến đến Singapore bất cứ khi nào có thể. Số tiền sẽ được dùng để trả tiền khách sạn, ăn uống và vé máy bay. Ông cũng hy vọng có thể sẽ sử dụng hết số tiền còn lại để giúp các nạn nhân bị lừa tiền.

“Tôi từng nghĩ đến chuyện hoàn tiền cho các mạnh thường quân, tuy nhiên, đó sẽ là lựa chọn cuối cùng. Tôi vẫn đang suy nghĩ về những việc có thể làm với số tiền còn lại” - Kang chia sẻ.

Theo NGỌC ĐÔNG/TTO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm