Tịch thu “khối đá bị giam”, đúng không?

Liên quan vụ “khối đá bị giam” ở Gia Lai, ngày 22-8, Tòa án huyện Chư Sê tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Sắc. Theo đó, tòa cho rằng quyết định xử phạt hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp và tịch thu hòn đá của UBND huyện Chư Sê với bà Sắc là có căn cứ.

Tìm thấy đá khi đào giếng

Theo hồ sơ, ngày 14-3-2012, bà Sắc thuê máy đào ao chứa nước để tưới cây thì phát hiện một khối đá khoảng 3,2 m3 và thuê máy cẩu đưa khối đá lên. Thấy đá có màu sắc đẹp, gia đình bà Sắc thuê xe chở về rửa sạch làm đá cảnh. Hai tuần sau, đoàn cán bộ liên ngành huyện Chư Sê đến lập biên bản tạm giữ khối đá nêu trên.

Đến ngày 18-4, Phòng TN&MT huyện Chư Sê mời bà Sắc đến trụ sở để lập biên bản về việc vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép. 20 ngày sau đó, chủ tịch huyện Chư Sê ra quyết định xử phạt bà Sắc 2 triệu đồng vì vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp và tịch thu khối đá nêu trên. Qua giám định, khối đá này là loại đá silic chalcedon (đá bán quý, có tổng trọng lượng khoảng 7,8 tấn. Sau khi tịch thu, tỉnh mang khối đá trưng bày tại một điểm công cộng ở TP Pleiku.

Tịch thu “khối đá bị giam”, đúng không? ảnh 1

Khi tòa đang thụ lý vụ kiện thì khối đá đã được trưng bày ở nơi công cộng. Ảnh: DA

Đầu tháng 6-2012, bà Sắc khởi kiện, đề nghị Tòa án huyện Chư Sê tuyên hủy quyết định xử phạt, trả khối đá nêu trên cho bà.

Tại phiên tòa, đại diện UBND huyện Chư Sê lập luận: Bà Sắc đào ao lấy nước tưới tiêu trong phần đất được quyền sử dụng là sai luật vì làm đất biến dạng. Khi phát hiện khoáng sản (khối đá) lại tự ý đưa về nhà khi chưa được các cấp thẩm quyền cho phép là hành vi trái phép… Phía luật sư của bà Sắc đưa ra nhiều lập luận chứng minh thủ tục trình tự lập biên bản của cơ quan chức năng chưa đúng cũng như việc xử phạt bà Sắc là không có cơ sở… Tuy nhiên, tòa đã tuyên án như trên.

Là khoáng sản nên bị tịch thu

Vấn đề gây tranh cãi trong vụ này là khối đá có được xem là khoáng sản khi khai thác, vận chuyển phải xin phép? Liệu việc tịch thu khối đá có đảm bảo căn cứ pháp lý?

Theo ThS Võ Trung Tín, giảng viên môn Luật môi trường - ĐH Luật TP.HCM, Luật Khoáng sản định nghĩa rõ: Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất. Về nguyên tắc, khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước. Việc xác định quyền sở hữu này với toàn bộ tài nguyên khoáng sản trên lãnh thổ Việt Nam không chỉ thể hiện chủ quyền quốc gia đối với tài nguyên thuộc lãnh thổ mình mà còn tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước có kế hoạch quản lý, sử dụng khoa học, tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên.Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua hoạt động điều tra, khảo sát, cấp giấy phép hoạt động khoáng sản. Tổ chức, cá nhân khi khai thác khoáng sản phải đăng ký và có giấy phép (Điều 51 Luật Khoáng sản).

Vấn đề là việc đào được khối đá trên có được coi là khai thác khoáng sản phải xin phép?

Luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) lưu ý thực tế: Luật Khoáng sản năm 2010 cho phép người dân có quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nếu việc khai thác diễn ra trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó. Qua giám định đã xác định “khối đá” thuộc loại bán quý, không phải là vật liệu thông thường, có nghĩa khi khai thác, người dân phải tuân theo những điều kiện bắt buộc đã được quy định tại Luật Khoáng sản.

Nhưng không phải hở ra là thu

Với định nghĩa về khoáng sản như trên, liệu rằng mọi hành vi khai thác đất, đá… phải được các cấp có thẩm quyền cho phép? Một cán bộ của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản nói: Hiểu như thế là máy móc. Nếu đất, đá đó là vật liệu xây dựng bình thường thì luật không cấm. Tuy nhiên, người chủ khu đất đó chỉ được phép sử dụng vật liệu xây dựng đó trong phạm vi khu đất của mình. Nếu khai thác, bán ra ngoài là vi phạm pháp luật. “Việc cấp phép chỉ phục vụ cho việc khai thác với số lượng lớn, có tính chất kinh doanh, thường xuyên” - vị này nói.

Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, giải thích thêm:Việc thu giữ khoáng sản chỉ thực hiện khi khoáng sản đó có ý nghĩa về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa… để phục vụ cho việc nghiên cứu, trưng bày. Và tùy từng trường hợp, người dân có thể được thưởng cho việc này.

NHÓM PV - CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm