Thủy triều đỏ đã tấn công bờ biển Bình Thuận như thế nào?

Trong cuộc họp báo chớp nhoáng vào tối qua 27-4, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Có hai nguyên nhân chính dẫn đến cá chết hàng loạt: Một là do hoạt động của con người, thải chất độc ra môi trường. Hai là do tác động của thiên nhiên, còn gọi là thủy triều đỏ”. 

Vậy thực chất hiện tượng thủy triều đỏ tác động như thế nào đối với các vùng biển Việt Nam? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu về hiện tượng này ở vùng biển tỉnh Bình Thuận.

Mùa "trứng báng"

Hằng năm cứ đến đầu tháng 6 âm lịch là biển bắt đầu xuất hiện “trứng báng” từ ngoài khơi và sau đó sẽ bị sóng đẩy vào bờ tạo thành hiện tượng thủy triều đỏ.

Vùng biển Bình Thuận từng ghi nhận có ba đợt thủy triều đỏ tăng đột biến vào các năm 2002, 2004 và 2008 còn các năm khác vẫn có xuất hiện nhưng ảnh hưởng không đáng kể do quy mô nhỏ.

“Trứng báng” là cách gọi nôm na của ngư dân để chỉ hàng tỉ tỉ “viên bi” to bằng đầu đũa mọng nước bị đánh vào bờ mà các nhà khoa học thường gọi là tảo nở hoa hay thủy triều đỏ.

Tảo nở hoa hay thủy triều đỏ rất dễ nhận biết bởi bốc mùi hôi thối cả cây số, nước biển từ màu xanh biến thành màu đỏ quạch rồi ngả màu đen kịt và khi sóng đánh vào bờ đều tạo ra những mảng bọt dày đặc trắng xóa như xà bông.


Mỗi năm khi mưa lớn là từ bờ biển Kê Gà, Thuận Quý (Hàm Thuận Nam), Tiến Thành, Mũi Né (Phan Thiết) hay Phan Rí Cửa (Tuy Phong) thủy triều đỏ đều xuất hiện và tùy theo từng đợt đã gây ra tai biến môi trường nghiêm trọng. Nhiều nơi “trứng báng” bị sóng hất vào bờ tạo thành những bãi rác, có chỗ dày đến vài centimet đen ngòm như nhớt thải.

Từ xa, cách biển hàng chục mét vẫn có thể nghe mùi tanh tưởi của “trứng báng” bị vỡ ra.

Đợt thủy triều đỏ khủng khiếp nhất từ trước tới nay tại vùng biển Bình Thuận được ghi nhận vào tháng 7-2002 khiến hàng loạt doanh nghiệp, chủ nuôi cá mú lồng bị phá sản do ảnh hưởng cá bị chết sạch.

Năm 2008 khi có đợt thủy triều đỏ ở vùng biển Thuận Quý, chúng tôi đã thử múc 1 lít nước biển ở ven bờ vào một chai nhựa trong và ước có khoảng vài triệu trứng báng chen nhau nằm dày đặc trông thật rợn người.

Trong khi đó vào năm 2002 tại Vĩnh Hảo, Tuy Phong (Bình Thuận) người ta múc thử 1 lít nước thấy có chứa đến 39 tỉ tế bào. Đúng là quá khủng khiếp!

Cá dễ bắt vì bị... dại

Tư Hảo, một ngư dân ở Thuận Quý cho biết nếu “trứng báng” không quá dày đặc, không quá nhiều thì ngư dân rất mê. “Bởi nhiều quá đi đâu cũng thấy cá dại bơi ngời ngời đút đầu vào lưới” - Tư Hảo nói và cho biết thêm lúc đó chỉ trong một đêm, một mình một thúng giăng lưới ven bờ, anh đã kiếm hàng chục ký cá mòi, cá trích và cả chục con cá đuối to đùng.

Theo ngư dân này, khi mới xuất hiện “trứng báng” còn trôi lềnh bềnh ngoài khơi như lục bình có bề dày 5-6 sải tay. Khi trời mưa, những dề “trứng báng” được “giải”, tức chia cắt thành nhiều mảng trôi vào bờ. Thời điểm này cũng là lúc cá tôm bị dại, đặc biệt là cá mó (một loại cá mình dẹp giống cá dãnh, cá lưỡi trâu) chết rất nhiều.

Tư Hảo cho biết cá mó miệng bự, bong bóng to, ăn tạp nên khi ăn nuốt luôn các viên “trứng báng” vào. Trong khi các loai cá khác chỉ bị dại giống như say rượu, bơi lờ đờ, chậm chạp rất dễ bắt.

Tôi thắc mắc: “mùa trứng báng người ăn cá có bị ngộ độc không?”. Hảo xua tay đáp ngay “Làm gì, nếu bị thì chắc… chết hết rồi! Chỉ những người dại dột ăn bạch tuộc đốm xanh hay cá nóc thì mùa nào chẳng ngộ độc”.

Người dân đổ xô đi bắt cá dại khi xuất hiện thủy triều đỏ.

Khách du lịch không dám tắm

Ba lần có hiện tượng thủy triều đỏ ở Bình Thuận là ba lần chúng tôi đều có mặt chứng kiến người dân sắm vợt lưới kéo nhau ra biển bắt cá dại đông như trẩy hội.

Trong khi đó các resort, khách sạn đều chẳng thấy bóng dáng một du khách xuống tắm. Thủy triều đỏ đã khiến du khách không dám xuống biển.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận thì mỗi năm đến mùa tảo nở hoa số lượng du khách có giảm, tuy nhiên hiện tượng này chỉ kéo dài trong khoảng một tuần là nước trong xanh trở lại.

Trong khi đó theo anh Trường, một thợ lặn sò chuyên nghiệp ở Thuận Quý thì phải đến trung tuần tháng 7 âm lịch khi có gió nồm thổi về mới tan sạch “trứng báng”.

Anh Trường cho biết mỗi năm đến mùa “trứng báng”, cánh thợ lặn đều lên bờ nghỉ ngơi vì nước rất lạnh. Thông thường anh Trường có thể ngậm ống, lặn sâu dưới biển 5-6 giờ là bình thường nhưng mùa “trứng báng” anh chỉ chịu được chưa đến một giờ đồng hồ.

Người dân đi bắt cá dại khi xuất hiện thủy triều đỏ.

Thủy triều đỏ, tảo nở hoa hay “trứng báng” là một hiện tượng của thiên nhiên đến nay vẫn chưa có “vaccine" đặc trị. Theo các ngư dân, mỗi năm qua đợt thủy triều đỏ thì các loại cá tôm… béo lên thấy rõ và ăn rất ngon.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Viện Hải dương học Nha Trang thì cần phải có biện pháp phòng tránh để giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế và môi trường mà hiện tượng này đã, đang và sẽ xảy ra.

Theo xác định của phòng thí nghiệm HAB Viet tại Viện Hải dương học Nha Trang, thủy triều đỏ tạo ra bởi một lọai thực vật nổi có tên Phaeocystis of globosa (haptophyta). Kết quả này cũng đã được giáo sư Ojvind Moestrup tại phòng thí nghiệm tảo học, Viện thực vật Copenhagen xác nhận

Về nguyên nhân, rất khó để chỉ ra một cách chính xác. Sự bùng nổ của thực vật nổi xảy ra khá thường xuyên tại vực nước ven bờ Bình Thuận. Thông thường hiện tượng này thường xảy ra ở các tháng có khí hậu khô nóng, điều kiện thủy động lực yếu và tác hại của chúng không nghiêm trọng lắm.

Sự tồn tại phosphate ở mức hàm lượng cao tại vài vị trí có thể là tàn dư của một nguồn cung cấp dinh dưỡng lớn. Nguồn này có thể từ một diễn biến bất thường của hoạt động nước trồi hoặc của tải lượng vật chất từ hệ thống sông hay từ một hoạt động của con người có quy mô và cường độ lớn trên thềm lục địa….

(Trích báo cáo sơ bộ về tai biến môi trường do triều đỏ tại Bình Thuận của Viện Hải dương học Nha Trang) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm