Thuê “xã hội đen” đòi nợ - lợi bất cập hại

Nếu nhìn vào con số tỉ lệ thành công “thần kỳ” đến 90% và thời gian thu nợ tốc hành thì hiệu quả thu nợ từ việc thuê “xã hội đen” xứng đáng “đè bẹp” các biện pháp thu nợ hợp pháp khác (trong phạm vi cuộc khảo sát này). Nhưng vấn đề đáng bàn ở đây chính là phương pháp được sử dụng để đòi nợ ở hai trường hợp này là hoàn toàn đối nghịch. Một bên là hiệu quả từ việc thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng, còn một bên là hành xử mang tính phi pháp của lực lượng bất hợp pháp.

Thực tế cho thấy mức độ đòi nợ thành công của “xã hội đen” tỉ lệ thuận với biện pháp “mạnh” mà họ áp dụng. Nếu nhẹ nhàng thì làm cho con nợ kinh doanh không yên ổn như liên tục điện thoại gây sức ép, gửi thư đòi nợ đến cơ quan làm việc hay cử người đến “cắm chốt” 24/24 ở nhà riêng. Mạnh tay hơn một xíu thì công ty, nhà con nợ bỗng dưng bị ném sơn đỏ, chất bẩn, nhận vòng hoa tang, quan tài… Nếu vẫn chưa “hiểu chuyện” thì đầu gấu được tung ra để đe dọa người thân, đánh đập gây thương tích, thậm chí là bắt cóc để ép con nợ trả tiền...

Và thực tế cũng cho hay đã xảy ra nhiều vụ “xã hội đen” bắt cóc, đánh đập để đòi nợ bị truy tố, xét xử, kết án về tội cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích… Rất tiếc trong nhiều trường hợp thì chủ nợ thoát sự trừng phạt của pháp luật, bởi lẽ họ chỉ yêu cầu thu hồi nợ, phủ nhận liên quan đến phương thức đòi nợ bạo lực và hậu quả do “xã hội đen” gây ra. Còn những hành vi gây rối càng khó bắt quả tang, tìm được chứng cứ để xử lý bằng luật pháp. Vì vậy mà kiểu đòi nợ này vẫn tồn tại và tỏ ra khá hữu hiệu.

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng con đường khởi kiện ra tòa và THA còn mất quá nhiều thời gian, thủ tục phức tạp, tỉ lệ thu hồi nợ thành công còn thấp khiến nhiều người dân và doanh nghiệp nản lòng. Và đó là một trong những nguyên do khiến họ tìm đến những biện pháp bất hợp pháp để thu hồi tài sản. Nhưng vấn đề cần ở đây là phải sửa đổi những quy định bất cập của pháp luật hiện hành để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp hiệu quả hơn. Không thể nào trong một xã hội pháp quyền lại sử dụng một lực lượng bất hợp pháp bằng những biện pháp phi pháp hoạt động và tồn tại như thế được.

Hy vọng rằng Luật sửa đổi Luật THA dân sự tới đây sẽ giải quyết một cách căn cơ hơn yêu cầu từ thực tiễn đặt ra. Và tất nhiên việc xây dựng niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, đó là nhiệm vụ trước hết và xuyên suốt của những người thực thi luật pháp.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm