Thực hư việc xe cứu thương Bệnh viện Chợ Rẫy lấy giá cao

Sáng 14-6, mạng xã hội lan truyền thông tin có nội dung: “11 giờ đêm người nhà mất tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy. Điện thoại cho xe cấp cứu tư nhân giá 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên nhân viên BV không cấp giấy xuất viện mà bắt phải đi xe của BV với giá 4,5 triệu đồng về Bình Thuận”.

Trao đổi với PLO, bác sĩ (BS) Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết thông tin đăng tải trên mạng xã hội không nêu rõ tên bệnh nhân, ngày xuất viện nên BV không thể kiểm tra.

Thông tin đăng tải trên mạng xã hội (Ảnh mạng xã hội)

“BV cam kết nếu biết cá nhân của BV vi phạm hoặc có bằng chứng cụ thể sẽ xử lý nghiêm. Chủ trương của BV là cung ứng dịch vụ tốt nhất cho người bệnh và không ai được phép buộc bệnh nhân phải sử dụng dịch vụ của BV. Hơn nữa, BV cũng khuyến khích xe gia đình vào đón và đưa bệnh nhân về nhà để giảm tốn kém” – BS Thức cho biết thêm.

Theo bảng giá của BV Chợ Rẫy, xe cứu thương chở bệnh nhân từ BV đến xã gần nhất của tỉnh Bình Thuận là Đông Hà, huyện Đức Linh (108 km) có giá 1,8 triệu đồng.

Xe chở đến xã xa nhất của tỉnh Bình Thuận là Phước Thế, huyện Tuy Phong (303 km) có giá 4,2 triệu đồng. Nếu đến trung tâm tỉnh Bình Thuận là TP Phan Thiết (185 km) giá sẽ là 2,8 triệu đồng.

“Như vậy, thông tin 4,5 triệu đồng đăng tải trên mạng xã hội là không đúng” – BS Thức nhấn mạnh.

BS Thức cho biết thêm thời gian qua xuất hiện một số người vào BV phát tờ rơi nhận vận chuyển bệnh nhân về nhà.

Xe cứu thương Bệnh viện Chợ Rẫy luôn được khử khuẩn để phòng dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Thậm chí có người còn “bắt tay” với một vài nhân viên BV lấy thông tin bệnh nhân có chỉ định xuất viện để mời gọi chở về nhà bằng xe cứu thương "dù". Chưa hết, một số trường hợp giả dạng bộ phận điều hành xe của BV lừa người bệnh đi xe cứu thương” – BS Thức nói. 

BS Thức cũng khuyến cáo, trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay, việc chống lây nhiễm càng được nâng cao, thậm chí là biện pháp bắt buộc.

Đối với xe cứu thương của BV, trước và sau khi chở bệnh nhân về nhà đều khử khuẩn. Tuy nhiên, đối với xe "dù", vấn đề chống lây nhiễm bệnh COVID-19 có thể không đảm bảo, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao.

Theo BS Thức, để chấn chỉnh vấn nạn “cò” xe cứu thương, BV đã triển khai dịch vụ vận chuyển bệnh nhân theo yêu cầu. Mục đích hạn chế tối đa tình trạng người bệnh bị “cò” lừa đi xe cứu thương dù, dễ có nguy cơ mất an toàn và bị lừa tiền.

"BV cũng có chế độ miễn giảm người có công, người nghèo, cận nghèo, người dân tộc (không cần có đơn xin hay xác nhận của địa phương) và những trường hợp đặc biệt khác” – BS Thức cho biết.

Nam phi công người Anh ngừng chạy ECMO
Nam phi công người Anh ngừng chạy ECMO
(PLO)- Từ chỗ hoàn toàn duy trì được sự sống nhờ hệ thống oxy hóa máu ngoài cơ thể ECMO trong một thời gian dài, đến ngày 3-6, bệnh nhân 91 đã được ngưng ECMO.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm