Thị trấn ... 'không mang tiếng'

Tình cờ có chuyến công tác dài ngày ở thị trấn Thuận Nam (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) mấy hôm nay, chúng tôi thật sự choáng ngợp bởi sự thay da đổi thịt, phát triển vượt bậc ở vùng đất này.

"Thị trấn gì mà không có đèn đường!"

Ngày 15-6-1999, thị trấn Thuận Nam được thành lập. Vậy là sau 16 năm được chia tách, huyện Hàm Thuận Nam mới sở hữu được một thị trấn huyện lỵ cho bằng chị bằng em. Gọi là thị trấn nhưng thực chất hồi đó thị trấn này bị… “mang tiếng” đủ điều.

Một góc thị trấn Thuận Nam

câu chuyện kể rằng: một người đàn ông đón xe đò từ miền Trung vào thị trấn Thuận Nam thăm thân nhân. Do chưa biết đường nên khi ngồi trên xe ông ta cứ luôn miệng nhắc phụ xe phải bỏ ông ngay trước cổng trụ sở ủy ban thị trấn.

Tối, xe dừng đúng nơi ông khách yêu cầu dù có hơi lố một chút và mời ông khách xuống xe. Thế nhưng vị khách bất ngờ giữ chặt túi hành lý, kiên quyết không chịu xuống vì ông ta nghi ngờ nhà xe lừa ông. Nội vụ có chút xíu nhưng xảy ra kỳ kèo lớn tiếng. Nhiều người ở gần đó nghe ồn ào chạy ra và sau đó chứng thực cho nhà xe là đã trả khách đúng chỗ. Vỡ lẽ, ông khách líu ríu xin lỗi nhà xe nhưng trước khi xách hành lý đi vẫn quay lại phân trần: “Tui không ngờ đây lại là thị trấn vì thị trấn gì mà không có đèn đường còn nhà cửa thì như ở vùng sâu!”.

Tượng đài tưởng niệm ở Thuận Nam.

Ngày đó đúng là thị trấn này chưa có đèn đường, thậm chí đèn thắp sáng vẫn còn nhiều nhà chưa có, phải lén lút bắt nhờ. Nói “lén lút” là vì các ông điện lực luôn hô hào dân bắt điện nhưng giá cả đưa ra lại ở trên trời nên nhiều người đành bắt điện kiểu “du kích”, khi nào bị phát hiện năn nỉ không được, họ cắt điện thì thắp đèn dầu.

Ngày đó nếu có đốt đuốc đi dọc QL1A từ cây số 30 đến hết cây số 28 thì cũng chẳng bói ra được căn nhà lầu đúng nghĩa. Người dân luôn bám lấy quốc lộ làm nhà ở nhưng nhà cửa theo kiểu lúp xúp trồi lên sụt xuống trông thật tội nghiệp. Cũng phải thôi vì cả cái đọan cây số 29 trước 1975, Hãng cầu đường RMK của Mỹ móc đất vô tội vạ hai bên để làm đường. Cả thị trấn chẳng có công ty nào san lấp mặt bằng mà lúc đó có san lấp giá cả cũng cao chót vót như tiền điện chẳng ai kham nổi vì dân hồi đó còn nghèo lắm.

Khai sinh trên nền khỉ ho cò gáy

Nếu so sánh với các thị trấn khai sinh cùng ngày 15-6-1999 ở Bình Thuận thì thị trấn Thuận Nam chỉ nhỉnh hơn Ma Lâm một chút về diện tích tự nhiên. Còn lúc đó nhân khẩu thua cả Ma Lâm và diện tích tự nhiên lẫn nhân khẩu thua hết từ Võ Xu, Đức Tài (Đức Linh) đến Lạc Tánh của huyện Tánh Linh.

Khu vực km 30 luôn sầm uất.

Khó có thể so sánh được vì các thị trấn kể trên dù thành lập cùng ngày nhưng “nền móng” đã được xây dựng từ rất lâu. Thậm chí có nơi trước đây từng là quận lỵ hay chi khu của chế độ cũ như Ma Lâm trước là chi khu Thiện Giáo hoặc Lạc Tánh từng là vùng đất được Nguyễn Thông (1827-1884) khám phá và từ năm 1899 người Pháp đã đặt trạm hành chính (poste administratif) của tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai) tại đây.

Thị trấn Thuận Nam được khai sinh từ một phần của xã Tân Lập, địa danh được gọi từ sau năm 1975. Vùng đất này trước đây được gọi là Ba Tuy thuộc quận Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy. Cái nơi mà ngày trước được coi là nơi khỉ ho cò gáy, rừng thiêng nước độc. Vì thế ở đây trước năm 1972 chỉ có vài nóc nhà thưa thớt. Đêm, ếch nhái từ khu vực cánh đồng ông Bỉnh kêu rền vang còn đom đóm lập lòe như ma trơi khiến ai yếu bóng vía cũng phải rùng mình.

Năm 1973, chế độ VNCH đưa dân từ miền Trung vào đây mà đa phần là dân Quãng Ngãi theo diện khẩn hoang lập ấp. Dân số của vùng này được hình thành từ đó, phân theo từng khu như khu A, B,C, D, E, F… và một phần giáo dân Kitô từ Nghệ An vào ở khu Hòa Vinh.

Đường vào chợ km30.

Sau 1975, xã Tân Lập được hình thành và là xã miền núi, vùng sâu vùng xa của huyện Hàm Tân. Năm 1983, huyện Hàm Thuận Nam được chia tách và Tân Lập được chọn là thủ phủ của huyện này.

Ngày đó nơi đây dù đã có huyện mới nhưng vẫn còn hoang vu. Đoạn QL1 từ chợ 30 đến cây số 29 khi chưa nâng cấp toàn ổ gà, ổ voi. Đã có một nhóm thanh niên địa phương lợi dụng “đọan đường đau khổ” này khi xe chạy chậm để chặn xe trấn lột. Nhắc lại để thấy thị trấn Thuận Nam chẳng có một “gia tài” đáng giá nào mà chỉ là nơi bị “mang tiếng” đủ điều.

Biệt thự, xe sang, nhà hàng cao cấp san sát 

Vài năm trở lại đây, thị trấn Thuận Nam dù tài nguyên không có gì vậy mà người dân ở đây lại có thể làm giàu và giàu nhanh một cách chóng mặt. Đất đai lên “sàn giao dịch” với giá cả thay đổi từng ngày.

Người dân ở đây sắm xe hơi rất nhiều.

Trái thanh long lúc đầu được xem là trái “xóa đói giảm nghèo” sau đã trở thành trái của “đại gia”. Với khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng, không có thanh long nào có thể qua mặt về độ ngon, ngọt so với thanh long Hàm Thuận Nam nói chung, thanh long thị trấn Thuận Nam nói riêng.

Người người trồng thanh long, nhà nhà trồng thanh long. Người ta trồng nhiều đến nỗi tỉnh Bình Thuận đã định ngăn chặn không cho trồng thanh long trên đất ruộng lúa để đảm bảo an ninh lương thực.

Còn nhớ lúc đó là đầu năm 2001, chúng tôi đã viết một bài về vấn đề này, cho rằng ruộng lúa ở Hàm Thuận Nam chỉ là ruộng một vụ, manh mún, nhờ nước trời nên nếu có trồng thanh long thì chẳng ảnh hưởng gì đến an ninh lương thực. Nếu đó là ruộng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long hay ruộng lúa Đồng bằng Bắc Bộ thì còn có thể nói. Đằng này người dân ở đây đã mạnh dạn thay đổi cây trồng cho hiệu quả thì nên khuyến khích họ. Cái mà chính quyền nên quan tâm là khuyến khích bà con trồng bằng trụ bê tông thay cho trụ gỗ để tránh vấn nạn triệt phá hủy họai rừng.

Thanh long từ đó được trồng trên ruộng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này mỗi năm đem về hàng triệu USD. Ít có ở đâu mà nông dân làm ăn có tiền lại đổ xô sắm xe hơi như ở Thuận Nam. Từ trái thanh long người ta đã sắm Lexus, Mercerdes, Camry… đời mới. Sáng, xe hơi láng cóong đậu đầy ở các quán cà phê với thiết kế không thua gì ở các thành phố lớn. Biệt thự tiền tỷ đua nhau mọc san sát. Container đậu cắn đuôi nhau từng đoàn chờ đưa thanh long đi xuất khẩu.

Muốn có một bữa ngon, người ta có thể đến hàng loạt nhà hàng cao cấp ở thị trấn Thuận Nam mà trước đây phải ra TP Phan Thiết cách gần 30 cây số mới có. Muốn hưởng không khí của Đà Lạt, người ta chỉ cần vào núi Tà Cú và không tới chục phút cáp treo đã đưa đến tha hồ thưởng ngọan…

Một quán cà phê ở thị trấn Thuận Nam.

Đầu năm 2006, thị trấn Thuận Nam có đèn đường. Nhiều ông già, bà già sống ở đây mấy chục năm qua cứ ra đường ngước nhìn đèn cao áp, xúyt xoa như không tin vào mắt mình. Một đô thị loại V xem ra đã bắt đầu xứng tầm.

Cánh đồng ông Bỉnh ngày nào đầy muỗi mòng, ếch nhái giờ đã quy họach thành khu dân cư dù vẫn còn lỗ chổ và cũng còn khá nhiều điều để nói nhưng dáng dấp của một đô thị đã hình thành.

Một căn biệt thự ở Thuận Nam.

37 năm huyện Hàm Thuận Nam được chia tách, 21 năm thị trấn Thuận Nam hình thành. Nếu như trước đây, người dân phải ly hương, bỏ xứ ra đi mưu sinh thì bây giờ rất nhiều người từ khắp các tỉnh thành trong cả nước chọn nơi đây là quê hương thứ hai.

Cầu sông Đợt, cây cầu nín thở mà ai đi qua cũng lầm bầm cầu nguyện, đã từng có người rơi xuống tử vong, nay vừa được khởi công với dự toán hơn 10,5 tỷ đồng.

Ma trận ổ gà trên con lộ.

Tuy nhiên công bằng mà nói nếu như con lộ chỉ dài chưa tới 7 cây số nối QL1 từ chợ 30 đi xuống giáo xứ Hòa Vinh được nâng cấp, sửa chữa thì hình ảnh thị trấn này sẽ đẹp hơn rất nhiều.

Con đường huyết mạch có từ trước 1975 đi xuyên qua những khu phố có dân cư đông đúc nhất đô thị nhỏ này nhưng gần đây mặt đường bị băm nát, ổ gà, ổ voi phủ kín.

Từ một con lộ bê tông nhựa nóng giờ trở thành con đường… đất sét vì người dân thấy hư hỏng nặng nề, xót ruột quá tự mang đất sét ra dặm vá. Đã có nhiều cái chết thương tâm vì sập ổ gà, ổ voi trên đường này.

Nghe đâu tỉnh Bình Thuận cũng đã đồng ý rót tiền để sửa chữa, nâng cấp con lộ này nhưng 7 cây số thì tiền chỉ vọn vẻn đủ làm đúng 1 cây số nên phải dừng lại để … nghiên cứu giải pháp khác.

Tiếc thay, con đường “mang tiếng” này nếu được khoác áo mới và hình ảnh những căn biệt thự sang trọng lại nằm cạnh con lộ đầy sình lầy thì thị trấn Thuận Nam mới thật sự đẹp, mới thật sự là thị trấn không “mang tiếng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm