Thí điểm xây dựng gói BHXH linh hoạt

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa gửi văn bản thông tin đến đại biểu Quốc hội kết quả thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo đó, từ năm 2018 đến nay, cơ quan này đã thực hiện thanh tra tại 375 đơn vị, doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là đơn vị chậm đóng BHXH. 
Qua thanh tra, lực lượng chức năng ban hành 1.265 kiến nghị, 53 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực BHXH với tổng số tiền xử phạt là 5,14 tỉ đồng. 
Năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH cũng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và BHXH mở “Chiến dịch thanh tra về BHXH” nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết và tuân thủ pháp luật BHXH cho người sử dụng lao động, người lao động và các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 nên chiến dịch này tạm thời dừng lại.
Về vấn đề khởi kiện ra tòa án đối với doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, gian lận BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Điều 14 Luật BHXH năm 2014 quy định: Tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động. 
Tuy nhiên, ông Dung thừa nhận hiệu quả của hoạt động này chưa cao, do đó bộ dự kiến đề xuất sửa đổi quy định theo hướng giao cơ quan BHXH các cấp chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn thực hiện việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đóng BHXH ra tòa án khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHXH.
Cạnh đó, việc sửa đổi Luật BHXH lần này, theo ông Đào Ngọc Dung, sẽ đặt ra yêu cầu rất cao, cải cách toàn diện. Trong đó có những vấn đề Chính phủ yêu cầu nghiên cứu thí điểm như xây dựng gói BHXH ngắn hạn linh hoạt, nghiên cứu có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của quỹ BHXH thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế.
Về việc triển khai Nghị quyết số 42 của Chính phủ đối với các gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỉ đồng cho các nhóm đối tượng bị tác động của dịch COVID-19, Bộ LĐ-TB&XH cho biết một vài nơi vẫn xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách nhằm hỗ trợ sai đối tượng, song các vụ việc đều được ngăn chặn, xử lý kịp thời. 
Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc chi trả hỗ trợ đối với 23 nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Các chính sách hỗ trợ đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo đúng đối tượng, mục đích, yêu cầu đề ra...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm