Thân em như trái bần trôi...

Những câu hát xưa về cây bần đã phần nào nói lên cái long đong, thấp cổ bé miệng của nó, ngay cái tên “bần” cũng đã thấy nghèo túng, cùng cực. Ngày trước trái bần không có "tuổi" gì trong họ trái cây, nó cứ chín, cứ rụng rồi trôi theo dòng nước, chẳng ai ngó ngàng…

Ký ức mùa bần chín

Má kể hồi chúng tôi còn nhỏ, mỗi lần bị cảm sốt là bà ngoại lại ra bờ sông hái mấy trái bần chín mang về nấu canh chua rau muống, ăn vào mồ hôi vã ra là hạ sốt liền. Đứa nào chẳng may bị "tào tháo rượt” thì cứ hái trái bần non dằm nhuyễn, chế nước sôi vô rồi chắt lấy nước cốt uống là cầm ngay.

Trái bần chấm muối, món ăn vặt tuổi thơ quê nhà khó quên. Ảnh: Internet

Dọc sông Cổ Chiên chạy dài ra cửa biển Cồn Ngao (bờ bên này là Trà Vinh, bên kia là Bến Tre), bần xanh ngăn ngắt. Mùa gió chướng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, trái bần chín rụng đầy bến sông. Chúng tôi hồi đó vẫn tụ tập giỡn hớt, leo lên nhánh bần rồi nhảy ùm xuống sông tắm thỏa thích, chán thì đi lượm trái bần chấm muối hột ăn. Riết rồi miệng đứa nào đứa nấy dính mủ bần đen thui.

Bà ngoại kể hồi xưa Nguyễn Ánh chạy giặc qua đây không có nước uống phải lượm bần ăn đỡ khát. Lại được dân cho ăn món canh chua bần nấu với cá tra ngon tuyệt, ngài tấm tắc khen ngon và đặt cho cây bần cái tên thủy liễu.

Lớn lên, tôi theo ghe lưới của anh Tư Cứ ở xóm đánh cá tận Hàng Thùng, Khâu Băng, Ba Động chạy dài theo bờ biển Bến Tre, Trà Vinh. Có lúc xuống tận Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Những lúc thiếu mồi câu, tôi thường kiếm bần chín thay thế (lúc đầu tôi cứ thắc mắc vì ai đời câu cá bằng trái cây nhưng anh Tư kêu cứ thử đi sẽ biết), ai dè chỉ lần đầu mà tôi câu được hẳn con cá nặng 6 ký lô. Hóa ra trái bần chín làm mồi câu cũng “bén” không thua mồi khác.

Rừng bần phòng hộ

Từ vàm Trà Vinh, tôi theo ghe thả dài trên sông Cổ Chiên qua cồn Bàn, cồn Cò, cồn Nóc hướng ra biển. Nhớ những năm 80, khi còn đi ghe lưới qua vùng này bần mới mọc lưa thưa, tới cửa biển là thấy ngay cồn Nạn, cồn Ngao (xã Mỹ Long Nam, Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang) lúc đó chỉ là những cồn cát. Từ biển nhìn vô có thể thấy mái tôn trắng lóa dưới ánh mặt trời. Hồi đó mỗi lần đánh xong mẻ cá, tụi tôi thường ghé vô chợ Bến Đáy để bán.

Rừng bần phòng hộ giờ đã lấn ra biển gần cây số. Ảnh: DƯƠNG THẾ HÙNG

Giờ đây, ghe đã tới cửa biển mà tôi vẫn không thể thấy chợ Bến Đáy ngày xưa, chỗ nào cũng một màu xanh um của bần. Ông chủ ghe tên Năm Mới (người xã Mỹ Long Bắc) thấy tôi ngóng cổ tìm hoài bảo giờ bần lấn ra biển gần cả cây số rồi, muốn vô chợ phải len theo mấy con rạch xuyên qua rừng bần. Ban ngày còn thấy đường đi chớ ban đêm là bít chịt bởi bần mọc dày, giơ bàn tay lên không thấy. Còn cái cồn Nạn chỉ toàn là cát thuở nào cũng được thay bằng dải bần xanh um giữa biển, giống như cái đầu trọc giờ mọc tóc vậy.

Ông Năm Mới nói rừng bần trên cồn Nạn nằm trong dự án trồng rừng phòng hộ ven biển của Trà Vinh từ năm 1998. Bần mọc lên, cá tôm rủ nhau về ở dưới tán bần, dân quanh vùng lại có kế sinh nhai. Tôi xăn quần lội một hơi vô mé rừng, đám cá thòi lòi đang kiếm mồi trên bãi nghe động chạy táo tác vô hang.

“Cá này hồi xưa nhiều vô kể nhưng một thời gian dài biến mất. Nay chúng xuất hiện trở lại chắc là nhờ có rừng bần. Ở vùng này hàng triệu cây bần được người dân trồng từ mười mấy năm qua, nhờ vậy mới có rừng như ngày hôm nay” - ông Năm Mới chia sẻ.

Đêm hoa đăng dưới tán bần

Tết 2019, tôi ghé resort Xanh (Forevegreen resort) ở xã Phú Túc, huyện Châu Thành, Bến Tre nằm cách cầu Rạch Miễu chừng 6 cây số. Hỏi ở đây có gì độc và lạ, các nhân viên giới thiệu ngay là đi chơi đêm trong rừng bần.

Vậy là sau bữa cơm tối, tôi và những người bạn xuất phát từ ngọn rạch Cả Chắc (ấp Phú Khương). Ghe trôi chầm chậm, hai bên rạch rậm rạp những bần là bần lẫn trong dừa nước lao xao. Qua một khúc quanh, bỗng từ mũi ghe có tiếng reo: “Trời ơi, đẹp quá!”. Dưới tán bần hàng ngàn ánh sáng nhỏ xíu lập lòe chớp tắt, di chuyển liên tục, hóa ra đó là đom đóm. Giữa đêm đen, cả ngọn rạch sáng lập lòe.

Mọi người ai cũng ráng bắt được một con bỏ vô tay bụm lại, ngắm nghía ra chiều thú vị. Có người không biết kiếm đâu ra chai nước suối rỗng liền bắt đom đóm bỏ vô, biến thành cái đèn chai lấp lánh. Khi ghe ra tới sông Cái, gió mát thổi lồng lộng, mọi người mới sực tỉnh tiếc rẻ như vừa ra khỏi chốn thần tiên.

Thương hiệu mang tên… bần

Chỉ với bần và ớt, người ta nghiền bột phơi khô đóng gói thiệt gọn, dán nhãn mác đẹp mắt, có thương hiệu đàng hoàng đưa vô siêu thị bán, đó chính là món “lẩu canh chua bần”. Người “khai sinh” ra nó cũng là một nông dân, chị Tư Cúc (Võ Thị Cúc), ấp Long Trị, xã Long Đức, TP Trà Vinh.

Lẩu canh chua trái bần, một trong những đặc sản miền Tây. Ảnh: Internet

Tiếng là ở thành phố nhưng muốn tới nhà chị Tư Cúc phải ra tuốt ngoài vàm sông Trà Vinh, đi đò băng ngang sông cái (Cổ Chiên) tới cồn Bàn (cù lao Long Trị), rồi đi xe ôm về phía hạ lưu một đỗi chừng 4 cây số nữa. Trong ngôi nhà nho nhỏ, vách lá mái tôn như những ngôi nhà thường thấy ở quê, chị Tư Cúc dành một gian đặt máy đánh bột, máy đóng nắp, đóng date… để sản xuất bột trái bần.

“Những năm 1984-1988 khu này là đất trồng dừa, nhãn. Tỉnh Trà Vinh cho làm khu du lịch, cất nhà mát để du khách tới lui hóng gió, ăn uống. Khách tới hỏi có gì ăn không, tui nói có canh chua cá tra nấu với bần. Khách ăn riết đâm ghiền, cứ tới cù lao Long Trị là kêu lẩu canh chua bần” - chị Tư Cúc cho hay.

Cũng theo chị, món này rất đơn giản. Nguyên liệu cây nhà lá vườn có thể là cá tra, cá bông lau hoặc cá kèo, cá bống sao, cá ngác, cá thòi lòi nấu cùng rau thơm, quế, giá, bạc hà hoặc bắp chuối. Quan trọng là phải chọn trái bần vừa chín, không được “dốt” (nửa chín nửa sống) hoặc chín rục. Khi dầm trái bần cũng phải cho nước thiệt sôi, lượng vừa đủ để không quá chua hoặc quá ngọt.

Cứ như thế khoảng 3-4 năm, khách ngày càng đông nên chị Tư Cúc nghĩ phải làm bần khô để xài khi nghịch vụ trái tươi không có. “Mới đầu tui luộc trái rồi chà bột đem phơi, nó đen thui. Sau tui chà bột từ trái sống nhưng lại bị cát nhiều do lẫn hột. Lần thứ ba tui gọt vỏ, bỏ hột rồi mới chà, bột ra mịn, dẻo. Cái tui bắc bếp sên bột cho khô, thêm gia vị, ớt khô vừa miệng, vô keo xài dần. Khách nào muốn đem về tui biếu một keo. Bột lẩu canh chua bần ra đời vậy đó” - chị Tư Cúc tâm sự.

Khách tới thăm quay phim đưa lên mạng, Việt kiều về nước liền tìm tới hỏi mua. “Có ông Việt kiều Đức xem được đoạn clip trên mạng, khi về Việt Nam ổng tới tận nơi coi thực hư ra sao. Ổng nói hồi nhỏ sống ở vùng này, trái bần ra gió một hồi đen sì thì làm sao giữ được ba bốn tháng. Vậy mà coi xong ổng cười khen hay thiệt, có những chuyện tưởng làm hổng được, người ta lại làm dễ như chơi. Khi về bển ổng đem theo cả chục ký tặng bạn bè. Năm rồi về chơi, ổng khoe người bạn bên đó mở nhà hàng đã đưa món lẩu canh chua bần vô thực đơn” - chị khoe.

Theo Đông y, trái bần đĩa và bần ổi ăn được, chứa nhiều archin và archinin. Chất chát của bần làm chắc thành mạch, giúp làm lành các vết loét dạ dày, giảm hấp thu đường, mỡ, hạ huyết áp. Nước trái bần đĩa lên men uống chữa được sốt rét và sốt xuất huyết.                                             

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm