Thăm nơi Bác Hồ làm bài thơ kỷ niệm 60 năm ngày sinh nhật

Cũng tại nơi đây, trong cuộc họp cán bộ các cơ quan Trung ương và nhân kỷ niệm 60 năm ngày sinh nhật Bác, tại Hội trường Văn phòng Chủ tịch phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bài thơ “Sáu mươi tuổi” để đáp lại những lời chúc thọ của mọi người:

“Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán

So với ông Bành vẫn thiếu niên

Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,

Trần mà như thế kém gì tiên”.

Bài thơ đã thể hiện thần thái, tinh thần lạc quan, tự nhiên thoải mái, tình cảm chân thật và thể hiện trí tuệ, sự minh mẫn của Người. Qua bài thơ này, mọi người đã cảm nhận được một vị lãnh tụ giản dị, gần gũi với đồng bào, chiến sỹ. Trong khi mọi người hướng về Bác chúc thọ thì Bác vui vẻ tự so tuổi mình với tuổi ông Bành tổ (sống 800 năm, theo truyền thuyết) và thấy như vậy thì mình cũng chỉ như còn “thiếu niên”; “ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe” với Bác là có sức khỏe để làm việc, tìm ra con đường đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành tự do, độc lập cho dân tộc và có sức khỏe để làm việc thì cũng “sướng như tiên”.

Cũng tại khu di tích này, một số câu chuyện về Bác trong ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Người qua lời kể của những nhân chứng đã được in thành sách. Theo tài liệu được lưu giữ tại Bảo tàng Tân Trào – ATK, ngày 19 tháng 5 năm 1950, để chuẩn bị cho lễ chúc thọ 60 tuổi của Người, Văn phòng giao cho nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Bảy chuẩn bị phòng triển lãm trưng bày một số ảnh chân dung Bác. Đang ngắm các bức ảnh, nhà nhiếp ảnh bỗng cảm nhận có người đang đứng sau lưng và ông thấy bối rối pha lẫn chút sợ hãi.

Bác Hồ đứng sau lưng nhà nhiếp ảnh nở nụ cười trìu mến và hỏi:

- Chú làm gì vậy?

Nhà nhiếp ảnh lúng túng trả lời:

- Dạ thưa Bác, cháu chuẩn bị một số ảnh trưng bày nhân dịp mừng thọ Bác sáu mươi tuổi.

Bác ôn tồn bảo:

- Các chú chỉ vẽ chuyện. Thế, được bao nhiêu ảnh rồi?

- Thưa Bác, hai mươi ạ.

Bác mỉm cười:

- Có đúng hai mươi không.

Nhà nhiếp ảnh trả lời:

 - Dạ thưa Bác, đúng ạ!

Bác bảo:

- Chú thử đếm lại coi.

Lúc này, nhà nhiếp ảnh đã tỏ ra lúng túng, sau một thời gian kiểm tra, ông trả lời:

- Vâng, thưa Bác, đúng hai mươi bức ạ.

Bác chỉ tay vào ngực và bảo:

- Thế còn đây, chú không kể ư.

Sau những cử chỉ, hành động trìu mến đó, Bác Hồ và nhà nhiếp ảnh đã cười phá lên. Sau này, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Bảy kể lại: “Ở Bác toát lên một cái gì đó làm cho không khí xung quanh, bất kể trong hoàn cảnh nào cũng trở nên đầm ấm, thân mật và thoải mái, khiến cho người lần đầu tiên gặp Bác sẽ hết bỡ ngỡ, rụt rè”.

Theo tài liệu tại Bảo tàng Tân Trào - ATK, năm 1947, Văn phòng Chủ tịch phủ chuyển từ thôn Cả (Hồng Thái), xã Tân Trào về xóm Thác Dẫng, xã Phượng Liễn (nay là thôn Lập Binh, xã Bình Yên). Đây là một khu đồi thấp và tương đối bằng phẳng, khuất dưới tán cổ thụ; xa đường cái lớn, nằm ngay bên bờ sông Phó Đáy, vì vậy bảo đảm được các yêu cầu bí mật, an toàn. Lập Binh còn nối liền với Tân Trào, Trung Yên, Minh Thanh, những xã có phong trào cách mạng phát triển mạnh nên vừa tiện đường đi lại, liên lạc với các cơ quan Trung ương trong vùng an toàn khu, đồng thời cách lán Hang Bòng hơn 500m đường chim bay, nơi Bác Hồ ở và làm việc. Cũng tại đây đã diễn ra những phiên họp quan trọng của Hội đồng Chính phủ, Đảng đoàn, các kỳ họp của Trung ương... đề ra những kế hoạch cụ thể, những bước đi phù hợp với từng giai đoạn mang tính quyết định đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tháng 12 năm 2000, khu di tích lịch sử Thác Dẫng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, thể thao, du lịch) xếp hạng là di tích quốc gia. Năm 2008, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tôn tạo, phục dựng lại một số địa điểm tại khu di tích Thác Dẫng, như: nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng; hội trường, nhà khách quốc tế… với tổng diện tích hơn 7,4 ha.

Theo Quang Cường (TTXVN/Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm