‘Thà bỏ chồng hơn bỏ lớp tình thương’

Lớp học là căn nhà nhỏ của cô Lê Thị Mỹ Uyên (53 tuổi, khu vực IV, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ban ngày là nơi sinh hoạt của vợ chồng cô Uyên, tối đến lại biến thành lớp học nhỏ của các em nghèo trên địa bàn.

Lớp học đặc biệt

Lớp học không bảng đen, không phấn trắng, trong không gian chật chội gần 30 mái đầu chụm vào nhau quây quần bên con chữ. “Lúc trước em đi bán vé số, tình cờ gặp được cô, cô kêu em về học, cô dạy cho em biết chữ rồi cô còn xin cho em đi học. Năm nay em học lớp 4 rồi. Em biết ơn và thương cô nhiều lắm” - em Trần Thị Thúy Hằng, một học sinh của lớp, nói.

Không được may mắn như em Hằng, em Huỳnh Anh chín tuổi nhưng chưa một ngày được đến lớp, chỉ bắt đầu tập đánh vần. “Em mới học với cô được vài ngày thôi. Trước giờ em theo mẹ đi rửa chén thuê ở Vũng Tàu, không có đi học. Nghe cô dạy miễn phí nên mẹ đưa em về đây. Giờ em biết đọc rồi đó, để em đọc cho chị nghe. Mờ…e…me nặng mẹ…” - tiếng Huỳnh Anh vang lên. Không chỉ dạy cho những trẻ em không được đến trường mà nhiều học sinh nghèo không có điều kiện đi học thêm tìm đến, cô vẫn sẵn sàng tiếp nhận.

Cô Uyên tâm sự: “Mình không có gì để cho các em thì mình cho em cái chữ, nhất là khi cầm cây viết lên để ký tên vào một giấy tờ nào đó ít ra các em có thể suy xét và biết mình đang ký cái gì. Không mơ ước các em học cao, chỉ cầu mong các em biết viết, biết đọc, tính toán để bán vé số không lộn tiền là mình thấy vui rồi”. Nhờ tấm lòng yêu thương và thấu hiểu của cô Uyên mà nhiều trẻ em nghèo biết chữ, có những em được đi đến trường học như bao đứa trẻ khác, góp phần bù đắp phần nào những bất hạnh mà các em phải chịu.

Lớp học tình thương của cô Lê Thị Mỹ Uyên trong căn nhà nhỏ này đã tồn tại từ tám năm nay. Ảnh: HD

Sẵn sàng từ bỏ lợi ích, hạnh phúc cá nhân

Mất cha từ nhỏ, gia đình lâm vào cảnh khó khăn nên cô Uyên phải bỏ học giữa chừng vào năm lớp 8. Có lẽ vì thế mà cô đồng cảm, thấu hiểu được sự thiếu thốn tình cảm và khó khăn của những đứa trẻ mồ côi nên từ năm 18 tuổi, cô đã bắt đầu với công việc dạy học miễn phí cho những trẻ không may mắn tại lớp phổ cập Trường Lê Quý Đôn. “Lúc được gợi ý đi dạy cho các em học phổ cập mình cũng lo lắng vì mình học không cao, không có kinh nghiệm cũng như không được đào tạo nghiệp vụ, chỉ sợ mình dạy không được”. Được các thầy cô động viên, giúp đỡ, giờ rảnh cô xin ngồi dự giờ để học hỏi cách dạy từ các thầy cô khác.

Cô yêu thương các em như chính con mình, sẵn sàng từ bỏ lợi ích, hạnh phúc cá nhân của mình. “Trước khi kết hôn tôi có nói với ổng em đã gắn bó với mấy đứa nhiều năm nay, các em thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, em xem chúng như máu thịt của mình. Nếu anh kêu em bỏ lớp thì em đành bỏ anh chứ không bỏ lớp đâu”. Cô Uyên chỉ mới lập gia đình gần đây, chồng cô vốn là người quen cũ, “lạc” nhau 20 năm, mãi đến gần đây mới gặp lại rồi nên duyên.

Thấy được cái tâm và việc làm ý nghĩa của cô Uyên, nhiều mạnh thường quân đã quyên góp tiền và nhiều phần quà góp sức cùng cô duy trì lớp học. Cảm động trước tấm lòng của cô, nhiều sinh viên đã tình nguyện đến phụ giúp cô dạy các em những lúc rảnh rỗi. Là người gắn bó với cô Uyên, với lớp học khá lâu bạn Lê Hoàng Nam (sinh viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ) cho biết: “Em đến dạy ở lớp cô Uyên được hai năm rồi. Em cảm thấy bản thân may mắn hơn các em nhiều, thấy mấy em tích cực học nên cố gắng hết sức. Điều mà em cảm động nhất là tấm lòng của cô Uyên và sự ham học của các em. Cô dạy rất có tâm, yêu thương học sinh, cô không những dạy chữ viết mà còn dạy đạo đức cho các em”.

Nói về cách dạy của mình, cô Uyên chia sẻ do đây là lớp học ban đêm, các em ở đây cũng rất đặc biệt, không thể nào lấy nội quy nhà trường ra để áp dụng mà phải lấy tình cảm để giáo dục. Các em làm sai chúng ta không thể cứ la mắng rồi trừng phạt mà phải làm sao để các em có thể hiểu được cái sai của mình. Những lúc như vậy cô thường kể cho các em nghe câu chuyện về một nhân vật có thật ngoài đời để các em dễ thấu hiểu và mang tính giáo dục cao hơn. Cũng chính nhờ cách giáo dục này mà các em ở đây dù mang tiếng là trẻ em đường phố nhưng lại rất ngoan ngoãn và lễ phép.

Từ những số tiền mà các mạnh thường quân đã đóng góp cô Uyên còn mua vật liệu về dạy các em kết móc khóa hình thú bán kiếm tiền. Số tiền kiếm được cô giữ lại một phần để tiếp tục làm vốn, số còn lại cô mua quần áo, giày dép làm quà và tổ chức những chuyến đi chơi xa như một phần thưởng động viên tinh thần học tập của các em.

___________________________

Lớp học của cô Uyên có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương. Nhờ có cô Uyên mà nhiều trẻ em nghèo biết chữ, góp phần tích cực vào công tác xóa mù chữ. Ngoài chăm lo cho việc học hành của những đứa trẻ, cô Uyên còn kết hợp với địa phương vận động mạnh thường quân giúp đỡ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong phường. Hiện tại ủy ban cũng đã hướng dẫn cô làm một số thủ tục để các hoạt động của cô được thuận lợi hơn.

TRẦN PHƯƠNG DUNG, Phó Chủ tịch UBND phường An Cư,  quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm