Tết này chúng em không biết về đâu!

Thèm một cái Tết có cha mẹ

Mái nhà tình thương Hương La (Lương Tài, Bắc Ninh), nơi bao bọc những đứa trẻ sinh ra không nhìn thấy mặt cha mẹ, không có họ, có tên, không biết quê quán và chưa bao giờ có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình.

Cô Nguyễn Thị Hải, người trực tiếp quản lý trung tâm, cho biết nơi đây đang nuôi dưỡng 36 trẻ, trong đó có năm trẻ mồ côi, 31 trẻ khuyết tật, đa số là bại não, thiểu năng trí tuệ và động kinh. Các em không được Nhà nước hỗ trợ, đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mọi cơ sở vật chất và sinh hoạt chủ yếu có được thông qua sự tài trợ từ các tấm lòng hảo tâm.

Đoàn viên là điều xa xỉ đối với những đứa trẻ tại mái ấm tình thương Hương La

Mỗi ngày, các sơ viên thuộc Tu Hội Đức Mẹ Hiệp Nhất Bắc Ninh cực kỳ vất vả, vừa phục vụ trẻ khuyết tật, mất ý thức và khả năng tự lập tại mái nhà tình thương, vừa lao động ngược xuôi để nuôi sống các em bằng nghề đồng ruộng, trồng rau và làm nến. Dẫu đã nỗ lực rất nhiều nhưng khẩu phần ăn của các em ở đây cũng chỉ được vài ngàn đồng một ngày, quá ít ỏi và không đủ đảm bảo sức khỏe.

“Đến 25 âm lịch nhưng vẫn còn 16 em chưa có gia đình đón về. Hơn 10 em do không còn gia đình, anh em nên không có điều kiện đón về quê ăn Tết, phải ở lại nhà tình thương. Ở đây, đa phần các em có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Nhiều em cả hai bố mẹ đều mất nên gửi về trung tâm nuôi dưỡng” - cô Hải tâm sự.

Thành (18 tuổi) và Huyền (17 tuổi) là hai trong số những đứa trẻ kém may mắn đó. Chúng vào mái nhà tình thương từ lúc mới lên hai, lên ba. Và cũng suốt chừng ấy năm, chẳng có người thân nào tới thăm. Nhờ những bàn tay của các “mẹ cộng đồng”, các em nương tựa mà sống và tới được ngày hôm nay.

Đã lâu lắm rồi, chúng chưa được hưởng một cái Tết trọn vẹn bên người thân

Trò chuyện với những đứa trẻ thiếu thốn nơi đây, chúng lắc đầu khi được hỏi về họ tên đầy đủ, quê hương và cha mẹ, thậm chí là Tết. Chúng dường như chẳng mấy quan tâm về Tết, bởi bao năm nay chúng không hề có được hơi ấm từ cha mẹ, từ đoàn tụ.

Nhoẻn miệng cười khi đang hí hoáy tập viết, Thành nói: “Chúng em chỉ biết ở với các cô và các bạn trong mái ấm này thôi, em xem trên ti vi Tết là được mẹ mua quần áo mới, dép mới, sắm nhiều đồ Tết… Chúng em ở trong này không được như thế!”.

Không cần lì xì, cũng chẳng bánh chưng

Khi thấy đoàn từ thiện đến, các em không tỏ ra thẹn thùng mà chạy lại gần chìa đôi bàn tay lem luốc để xin kẹo. Chúng nhai ngấu nghiến như thể đã lâu lắm rồi chưa được ăn.

Khi được nghe các anh chị trong đoàn kể về Hà Nội, kể về Tết cổ truyền, về những túi lì xì của các bạn nhỏ, bánh chưng và quần áo mới…, những đứa trẻ đều tỏ ra không hào hứng, bởi với chúng những điều ấy đều là xa lạ.

Điều chúng có duy nhất khi Tết về là tình thương từ những tấm lòng hảo tâm

“Em không cần lì xì mà chỉ thèm ăn bữa cơm có cả bố cả mẹ. Thấy trên tivi vào sớm mồng Một cả nhà xúng xính áo quần, cùng dắt nhau đi chùa, em thèm lắm!” - Thắng (16 tuổi) mếu máo.

Kém may mắn hơn các bạn, Huy (14 tuổi) bị liệt ở chân. Vật duy nhất giúp Huy di chuyển là chiếc xe lăn đã rất cũ kỹ.

“Sắp đến Tết rồi, em chỉ ước cho chân hết liệt để chạy nhảy, vui chơi cùng bạn bè thôi chứ chẳng mong nhận được lì xì hay bánh chưng” - Huy  nói về ước mơ của mình.

Và có lẽ, những đứa trẻ tại đây đều hiểu Tết là dịp để chúng cầu nguyện, mơ ước chứ không phải là những bộ quần áo đẹp, là sự đoàn viên như bao người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm