Tăng hiệu quả các dự án giảm nghèo do WB tài trợ

Đoàn công tác của WB và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá: sau 2 năm thực hiện, xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái còn chậm so với kế hoạch đề ra. Nội dung, chất lượng của kế hoạch, đề án còn nhiều hạn chế, chưa sát với thực tế địa phương và chưa có tầm nhìn dài hạn. Chủ yếu các xã mới đạt được tiêu chí về: hệ thống chính trị, an ninh trật tự, y tế, giáo dục. Các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, kinh tế, phần lớn các xã đều không đạt được...

Nguyên nhân chính do Yên Bái là tỉnh miền núi nghèo, xuất phát điểm về kinh tế thấp; cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống của người dân nông thôn còn nghèo khó, nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới chưa cao, thêm vào đó là nguồn lực đầu tư để xây dựng nông thôn mới còn thấp...

Đoàn công tác kiến nghị Yên Bái cần chú trọng hơn nữa trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo, quản lý và điều hành tháo gỡ khó khăn vướng mắc để xây dựng nông thôn mới bền vững; phải có lộ trình hợp lý với những kế hoạch cụ thể cho từng tiêu chí; quy hoạch phải hợp lý, khoa học, phù hợp với tình hình của địa phương; mở thêm các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ chỉ đạo và vận hành chương trình; tổ chức tuyên truyền sâu rộng giúp người dân nông thôn hiểu và tự giác tham gia vào xây dựng nông thôn mới...

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, ông Phạm Duy Cường mong muốn: WB tiếp tục tài trợ bổ sung cho Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 để mở rộng đối tượng hưởng lợi từ dự án và kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2017; dự án hỗ trợ y tế các tỉnh Đồng Bằng Sông Hồng và Đông Bắc Bộ để tỉnh Yên Bái có căn cứ triển khai các bước tiếp theo; đồng thời, sớm có văn bản chấp thuận dự án nâng cấp đô thị thành phố Yên Bái.

Những năm qua, Yên Bái luôn được Chính phủ tạo điều kiện tiếp nhận tài trợ từ các dự án ODA, trong đó chiếm hơn nửa giá trị nguồn vốn (gần 1.260 tỷ đồng) là của những dự án do WB tài trợ trong đó có dự án năng lượng nông thôn 2 mở rộng tại 29 xã thuộc 8 huyện thị trong tỉnh; dự án giao thông 3; chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học; dự án phòng chống HIV/AIDS và dự án giảm nghèo…

Từ nguồn hỗ trợ này đã xây dựng mới và cải tạo trên 542km đường dây hạ thế, lắp đặt gần 7.800 công tơ điện; 8 tuyến đường được xây dựng với chiều dài gần 26km; 50 phòng học và 48 công trình vệ sinh trường học đã được đưa vào sử dụng; thành lập được 39 câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, từ dự án giảm nghèo giai đoạn 2 đã giúp người dân giảm nghèo bền vững bằng các hoạt động sinh kế, thông qua thành lập 499 nhóm CIG (nhóm cùng sở thích) với 3.375 thành viên hoạt động ở các lĩnh vực, trồng trọt, chăn nuôi…

Trong công tác xây dựng nông thôn mới, đến nay Yên Bái đã có 152/152 xã hoàn thành công tác quy hoạch, 140/152 xã lập đề án xây dựng nông thôn mới (xây dựng nông thôn mới) cấp xã, 29 xã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí vào năm 2015…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến thời điểm này chỉ có 7 xã đạt từ 10-17 tiêu chí; số xã đạt dưới 5 tiêu chỉ chiếm tới hơn 60%. Trong đó, duy nhất chỉ có xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) đạt được 17/19 tiêu chí...

Theo Đức Tưởng (TTXVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm