Tám ngư dân từ cõi chết trở về

Nụ cười và nước mắt. Đó là cảm xúc không thể kìm nén từ những người thân của tám ngư dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi vừa từ cõi chết trở về sau bốn ngày mất tích.

“Tui tưởng ông bỏ mẹ con tui!”

Từ sáng sớm 28-3, hàng ngàn người dân Phước Thiện đã tập trung ra bờ biển, dõi mắt ra khơi chờ bóng dáng của chiếc tàu bị nạn được đưa từ Bình Định trở về. Ba tháng trước, cũng tại thôn này, ngư dân Nguyễn Trường Thành đã bị sóng nhấn chìm thuyền. Sau hàng chục ngày tìm kiếm, người ta chỉ vớt được vỏ thuyền bị đánh tả tơi, còn xác ông Thành và hai ngư dân mất tích. Nỗi mất mát đó cứ ám ảnh người thân của các ngư dân, làm áp lực tinh thần trong những ngày qua luôn ở tột đỉnh.

Đúng 7 giờ 30, bóng dáng các chiếc thuyền chở người bị nạn lấp ló, hàng ngàn người dân trong thôn đã hò reo dậy trời: “Về rồi! Về rồi đó!”. Vợ, con của các ngư dân sống sót nhào ra mép nước, ánh mắt ráo hoảnh vì mắt đã cạn khô. Những chiếc bàn thờ cầu hồn được lập trên bãi được hạ xuống thay cho niềm vui tràn ngập.

Bà Ngô Thị Vân, vợ thuyền trưởng Phạm Tấn Quang, nhào lên thuyền đu cổ hai cha con, gào lên: “Ông ơi là ông! Tui tưởng ông bỏ mẹ con tui mà đi luôn!”. Bà đã khóc ngất mấy ngày vì trên thuyền toàn là người thân ruột thịt: chồng và con ruột, hai người cháu ruột, lại thêm con rể. Nếu tất cả không về, bà sẽ góa bụa và khụy xuống cát vì phải gánh cả một đại tang.

Tám ngư dân từ cõi chết trở về ảnh 1

Căng thẳng tột cùng nên niềm vui giờ bị vỡ òa trong nước mắt khi đón người thân trở về. Ảnh: LVC

Ngư dân Nguyễn Văn Thanh được người thân khiêng bổng đưa về nhà vì kiệt sức sau những ngày căng thẳng, sóng gió. Bà Nguyễn Thị Kiều - bà nội của anh Thanh dúi vào tay cháu lon nước yến giục: “Uống đi con, cứ nghĩ cháu chết trước bà nhưng trời phù hộ độ trì nên cháu mới về đây”.

Thấy chết mà không cứu

Sáng sớm 25-3, chiếc thuyền của ông Quang chở theo ba chiếc thúng đưa tám ngư dân lao ra biển đi đánh lưới tôm. Tiếng máy Đông Phong (ngư dân thường gọi là máy chết vì giá thành rẻ và hay hư vặt) xịch xịch chạy đua với thời gian bởi thời tiết trên biển đang dần xấu đi. Nghèo, đó là động lực đẩy các ngư dân tranh thủ kiếm cơm lúc trời sắp động.

Bùm! Ra đến nơi, vừa thả lưới thì tiếng nổ lớn phát ra từ hầm thuyền. “Chết rồi! Tẹt ron, cái này chỉ có nước khóc, không thể sửa được” - ông Quang la lớn. Chiếc điện thoại gần hết pin gọi được cú duy nhất cho người thân trong đất liền rồi im bặt: “Anh em tui nguy lắm, bà con chạy mau ra cứu nhanh lên!”.

Cả thuyền đều khóc khi gió đẩy thuyền lao đi vùn vụt. Hoảng loạn nhất là ngư dân Phạm Duy Nam. Nam luôn gào lên gọi tên vợ mình. Vào Chủ nhật tuần tới là anh cưới vợ. Hai vợ chồng đã lên UBND xã Bình Hải đăng ký kết hôn. Vậy nhưng chuyến đi biển này chẳng lẽ phải chia xa!

Mọi hy vọng đổ dồn vào chiếc thuyền chạy ngang qua, chỉ cách 40 m. Chiếc thuyền này không có biển số. Ngư dân Đỗ Tấn Chí lao xuống thúng hối hả chèo đến gần và chắp tay lạy liên hồi: “Cứu! Chúng tôi bỏ ghe chỉ xin cứu người!”. Có hai ngư dân mở nắp cabin nhìn ra và dập cửa tiếp tục cho thuyền chạy. Đến khoảng 15 giờ, một chiếc tàu gỗ lớn (theo các ngư dân, chiếc tàu này mang biển số QNg 6077 TS) cách thuyền chỉ 15 m, anh em trên thuyền gào rát cả cổ và đưa tay vẫy, lạy: “Cứu với! Tàu chết máy, chỉ xin cứu người…”. Nhưng chiếc tàu này vẫn lạnh lùng chạy.

Đến đêm thứ hai, các ngư dân lại suýt chết vì đụng tàu lạ. Ông Quang nhớ lại: Anh em lịm đi vì mệt, bỗng có tiếng ầm ầm sát cạnh ghe, nước văng xối xả. Vừa bừng tỉnh, các ngư dân hết hồn, nổi da gà vì một chiếc tàu lạ cao như ngôi nhà bảy tầng cứ lùi lũi hành trình sát bên chiếc ghe bị nạn như một bóng ma.

Ân nhân QNG 91737 TS

Thấy gió trên biển xuôi vào đất liền, ông Quang quyết định sử dụng chiêu thức thoát hiểm cuối cùng, đó là làm buồm. Mở định vị, các ngư dân vui mừng vì đất liền ngày một gần.

Lúc 5 giờ 30 sáng 27-3, một chiếc tàu cá xuất hiện và lao thẳng về hướng thuyền bị nạn. Các ngư dân nhỏm dậy hò reo khi trên chiếc thuyền kia, tất cả ngư dân đều ôm dây chạy ra mũi để chuẩn bị lai dắt.

Ông Võ Văn Thành, thuyền trưởng của thuyền đến cứu nạn, quê ở xóm Kỳ Bắc, thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), la to: “Tui mở radio nên biết hết mấy anh bị nạn rồi”.

Đường, sữa, nước ngọt, quần áo được mang ra để tiếp sức cho các ngư dân bị nạn. Tàu ông Thành kéo chiếc thuyền bị nạn vào mũi Hà Ra của tỉnh Bình Định.

Đúng 7 giờ sáng, người thân của các ngư dân tại thôn Phước Thiện nhận được cú điện thoại của những người từ cõi chết trở về. Như một luồng điện, cả thôn Phước Thiện náo động vì tin vui. Chiếc tàu của ông Dương Văn Dũng và Tô Đình Thanh đã hộc tốc vào Bình Định đưa tám ngư dân bị nạn trở về trong vòng tay người thân.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm