Tâm linh và mê tín

Tại nhiều lễ hội, người tham gia chen lấn dẫm đạp nhau, tranh nhau cúng vái, giành giật những phẩm vật được coi là linh thiêng và sẽ mang phúc đức, may mắn cho người lấy được. Năm nào phóng sự truyền hình cũng đưa lên nhiều hình ảnh phản cảm của các tệ nạn này nhưng rồi năm sau còn nhiều cảnh phản cảm hơn năm trước. Kể cả thành phần “tham gia” vào những đoạn phim này cũng đa dạng hơn. Không chỉ những người bình dân ít học mê tín mà cả nhiều người nhìn bề ngoài có vẻ sang cả, có học thức cũng tham gia. Trong hội thảo “Văn học và văn hóa tâm linh” tổ chức tại Viện Văn học hôm 7-3 vừa qua, PGS-TS Phan Tú Châu nhận định: “Tâm linh ở ta hiện nay không có văn hóa dẫn đường nên đã biến thành mê tín dị đoan. Mà khi đã mê tín thì cả người trí thức cũng thành ngu đần”. Trong tác phẩmHãy tự mình thắp đuốc lên mà đi của cố hòa thượng Thích Minh Châu có đoạn viết: “Đức Phật khuyên các đệ tử của ngài hãy tin ở nơi mình, không tin một ai khác, tin ở nơi khả năng phán xét thiện ác của mình, chớ có tin vào một phương pháp nào khác…” (trang 15, ấn bản năm 1990 của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam). Cố hòa thượng Thích Minh Châu là tiến sĩ Phật học, nguyên Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, nên những bài viết của ông về Phật học chắc chắn đáng tin. Mong sao những người nhầm lẫn niềm tin tôn giáo với mê tín đọc được những lời khuyên này của Phật do hòa thượng truyền đạt lại. Nguồn mạch tâm linh và mê tín dị đoan đôi khi chỉ cách nhau một sợi tơ mong manh.

Tại cuộc hội thảo nói trên, PGS Châu cũng phát biểu: “Bây giờ vào chùa, bước vào bàn thờ đã thấy hòm công đức”. Thật ra tại nhiều đền chùa, hòm công đức đặt ở khắp nơi chứ không chỉ trước bàn thờ, mục đích để người đến hành lễ tiện đóng góp. Còn chuyện ai quản lý tiền công đức ấy, quyên góp bao nhiêu cũng ít ai quan tâm vì họ nghĩ rằng tiền ấy để duy tu, sửa chữa xây dựng đền chùa mà thôi. Thật vậy, cùng với sự phát triển lễ hội về số lượng là việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng thêm đền chùa miếu mạo. Dĩ nhiên sửa chữa, xây dựng đều bằng tiền đóng góp của bá tánh thập phương. Nhiều đền chùa tuy đã rất nguy nga nhưng vẫn được nâng cấp, xây thêm. Thật đáng tiếc việc xây dựng, tu sửa tùy hứng theo ý thích của các vị trụ trì hay các ban quản trị đã phá vỡ cảnh quan, môi trường và làm biến dạng nhiều kiến trúc cổ kính, thâm nghiêm mang đậm dấu ấn thời gian và tâm linh. Xin đơn cử: Vừa qua báo chí phản ánh vụ việc tu sửa, tôn tạo đền thờ Ngô Quyền, ban quản lý đã tự ý làm thêm một số hạng mục, trong đó có việc xây thêm bức bình phong có hình một con vật nửa cọp nửa cáo mà người dân quanh vùng gọi là con quỷ. Với sự bức xúc của dư luận và con cháu họ Ngô, bức bình phong đã được đập bỏ… Hay trường hợp ngôi chùa Núi nằm trên đỉnh ngọn núi đá Hóa An (Dĩ An, Bình Dương) trước kia khá đẹp và thâm nghiêm, thấp thoáng giữa những tàn cổ thụ, nay được xây mới thêm nhiều khối nhà rất hoành tráng, đã phá vỡ mất cảnh quan vì nhiều cây cối bị đốn bỏ, khoảnh sân rộng trên đỉnh đồi đã bị san phẳng lót gạch men, không còn bông hoa cây cối gì. Mùa nắng, sân chùa cháy bỏng quanh những khối bê tông khổng lồ vô cảm. Đường dốc lên chùa quanh co, rừng cây phủ trắng bụi đá từ những mỏ đá quanh đó trông rất xác xơ nhưng chẳng ai thèm quan tâm… Người ta chỉ chú trọng tới sự bề thế của kiến trúc mà ít quan tâm tới cảnh quan, môi trường xung quanh.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm