Sửa luật để 'xử' doanh nghiệp thu gom lao động

Bộ LĐ-TB&XH vừa có tờ trình Chính phủ về dự án Luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Theo đó, đơn vị này cho biết quy định pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập. Tiền môi giới, dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động chưa phản ánh đúng bản chất, không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và xu hướng chung của quốc tế.

Doanh nghiệp tuyển lao động. Ảnh: VIẾT LONG

Cạnh đó, chất lượng nguồn lao động cũng chưa cao, chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng lao động nước ngoài.

Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, bổ sung vào dự thảo luật các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài như: Cho phép tổ chức sự nghiệp công lập của địa phương tham gia thực hiện các thỏa thuận hợp tác lao động với địa phương nước tiếp nhận; bổ sung vào hình thức hợp đồng cá nhân, đối tượng tìm được việc làm sau khi xuất cảnh hợp pháp…

Ngoài ra còn quy định rõ người điều hành hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất năm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Bộ LĐ-TB&LĐ cũng đề xuất dự thảo luật bỏ quy định về đổi giấy phép khi đổi đăng ký kinh doanh, thay bằng quy định về thời hạn giấy phép (năm năm), gia hạn sau năm năm và điều chỉnh, bổ sung thông tin giấy phép khi có thay đổi.

Dự thảo cũng quy định theo hướng cho phép doanh nghiệp được liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm để đào tạo nhân lực và tư vấn.

“Đặc biệt, dự luật lần này sẽ quy định chặt để tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp “thu gom” lao động nhưng không đưa đi làm việc. Cùng với đó yêu cầu doanh nghiệp cam kết đưa được lao động đi trong thời gian nhất định, nếu không sẽ phải trả lại toàn bộ chi phí đào tạo cho người lao động…”  - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2019 có 147.387 lao động đi làm việc ở nước ngoài (đạt 122,8% kế hoạch). 

Trong đó, Nhật Bản là nước có nhiều lao động Việt Nam sang làm việc (khoảng 80.002 lao động), tiếp đến là Đài Loan (54.480 lao động), Hàn Quốc (7.215), Romania (1.400), Saudi Arabia (1.357)… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm