Sống cùng ‘treo’ và ‘chui’...

Cư dân bị quy hoạch “treo” chờ đợi dài cổ mà chưa thấy giải tỏa bồi thường, thực hiện dự án để người dân an cư chứ nói chi đến “lạc nghiệp”!

Xây dựng chui, sửa chữa lụi

Chắc ai cũng hiểu nỗi khổ của người sống trong các khu quy hoạch “treo” - nhất là những người nghèo sống trong những căn nhà “hợp lệ nhưng chưa hợp pháp”: Nhà cửa hư hỏng, xuống cấp không được sửa chữa, con cái lớn lên dựng vợ, gả chồng cũng không thể cơi nới, cất thêm cho con cháu ở. Nhiều người liều sửa chữa chui, canh thứ Bảy, Chủ nhật làm ào cho xong. May thì thoát hoặc lót tay cho cán bộ quản lý đô thị quận, phường để được ngó lơ cho có chỗ con cháu chui ra chui vô.

Chuyện xây dựng chui, sửa chữa chui nhiều khi dở khóc dở cười. Như chuyện ông bạn tôi nhà ở quận 4 từ đời ông nội, nhà bị giải tỏa để chỉnh trang đô thị, được mua một căn hộ tái định cư nhưng diện tích nhỏ quá, chỉ hơn 50 m2 vì nhà cũ anh cũng quá nhỏ, chỉ được mua căn hộ nhỏ tương ứng thôi. Bạn tôi sang lại suất tái định cư, lấy tiền ra Bình Triệu mua miếng đất nền 100 m2, tính cất nhà rộng rãi cho cả nhà vợ chồng con cháu sáu người ở. Biết đây là khu quy hoạch dự án mở rộng ga Bình Triệu nhưng giá đất khá mềm, chỉ bằng nửa giá đất không quy hoạch nên anh mua vì ham rẻ. Và quan trọng hơn là không biết bạn tôi nghe tin tức từ đâu mà anh nói chắc như đinh đóng cột rằng sắp bỏ dự án mở rộng ga. Bởi lẽ khi quy hoạch dự án, Thủ Đức còn là huyện ngoại thành, bây giờ đã là quận nội thành nên không di dời ga Hòa Hưng ra đây nữa mà dời lên Dĩ An hay Suối Tiên gì đó. Chờ mãi dự án vẫn tiếp tục “treo” chứ không thấy bỏ, bạn tôi liều mạng xây chui một căn nhà cấp bốn tuềnh toàng sau khi đã lót tay cho cán bộ đô thị. Thế nhưng vừa dựng xong, chưa kịp dọn đến ở thì tuần sau có một nhóm trật tự đô thị xuống cưỡng chế tháo dỡ. Anh bạn tôi cười chua chát, nhìn cái nhà tôn bị tháo dỡ tanh bành, nói như mếu: “Tại mình cả tin. Tin vào những điều có tình có lý như tin chuyện dự án mở rộng ga sắp bỏ vì chính mình cũng thấy quá vô lý khi duy trì mãi cái dự án treo, huống chi những nhà quy hoạch!”.

Biết bao gia đình khốn đốn từ đời cha đến đời con chỉ vì quy hoạch treo.

Công trình của đại gia thì cứ ung dung

Tôi đem chuyện ông bạn tôi bị cưỡng chế tháo dỡ nhà xây chui kể cho một chuyên gia môi giới nhà đất, kiêm cò chạy phép xây dựng, nhân hẹn cà phê để nhờ anh ta xin giấy phép xây dựng cho cô em tôi. Anh chàng cười ha hả, bảo “tại ông bạn anh ngây thơ quá, tin vào điều tưởng như “có tình có lý” nhưng thật ra là đâu phải vậy. Anh thấy không, như quần thể Khu nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn, theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng mới đây, một số hạng mục vừa cho thi công vừa tiến hành hoàn thiện giấy phép đó thôi. Hay hàng loạt công trình cao tầng của Tập đoàn Mường Thanh rải rác khắp nước, họ ung dung xây vượt nhiều tầng".

Rồi anh hỏi tôi vụ đất đai xây dựng của cô em tôi ra sao. Tôi nói lô đất thổ cư cô em tôi mua ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, có giấy đỏ đàng hoàng nhưng khi xin phép xây dựng thì bên quản lý đô thị bảo khu đất này trước kia có con rạch, tuy nay đã lấp nhưng vẫn còn trong bản vẽ địa chính cũ, muốn cấp phép xây dựng phải xây cách bờ rạch (tưởng tượng - vì đã lấp từ mấy chục năm trước) 10 m. Tôi nói thêm, thế thì còn đất đâu mà xây.

Anh ta cười ha hả, chuyện trong bản vẽ có con rạch hay không thì cũng do người ta vẽ cả. Muốn có thì có, muốn không thì không. Biết bao công trình khách sạn, nhà hàng lấn hết cả bờ sông, như tòa nhà Ngân hàng Liên Việt PostBank, nhà hàng Him Lam và sân quần vợt chiếm hết bờ sông Sài Gòn bên chân cầu Thủ Thiêm mười mấy năm nay, có sao đâu! Còn anh thử xây ló ra mé nước con rạch bé tí thử xem, sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ ngay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm