Sớm công bố thông tin vụ Kiều Giang: Có phạm luật?

Tiếp sau Công ty Cổ phần Con Cưng bị cho là có vi phạm về nhãn mác hàng hóa… đang chờ kết quả xử lý sau cùng, giờ đến lượt Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ-Xuất nhập khẩu Kiều Giang (gọi tắt là cơm tấm Kiều Giang) với chuỗi cơm tấm Kiều Giang nổi tiếng dính nghi án an toàn thực phẩm (ATTP).

Căn cứ pháp lý nào để công khai trên website?

Tạm chưa bàn đến việc nhập cuộc có phần thiếu cẩn trọng, chính xác của một số báo, đài để các thông tin bất lợi về hai doanh nghiệp (DN) trên lan truyền rất nhanh, có thể thấy các cơ quan chức năng đã có cách công bố công khai khác nhau về một số vi phạm bước đầu của hai DN.

Đối với Con Cưng, các vi phạm được một cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT) công khai xác định tại cuộc họp báo sáng 31-7. Đối với Kiều Giang, các vi phạm được Ban Quản lý ATTP TP.HCM chính thức nêu trên website của ban vào ngày 22-8, sau một ngày Đội Quản lý ATTP liên quận, huyện số 2 kiểm tra cơ sở ở xa lộ Hà Nội, quận 9.

Đến ngày 24-8, theo xác nhận của bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP, với báo chí, Kiều Giang có ba ngày để bổ sung hồ sơ chứng minh nguồn gốc phụ gia thực phẩm. Cũng theo lời bà Phong Lan, nếu hồ sơ chứng minh nguồn gốc đầy đủ thì 1.029 kg phụ gia thực phẩm đang bị niêm phong sẽ được giải tỏa để Kiều Giang tiếp tục sử dụng. Ngược lại, nếu chứng từ không hợp lệ hoặc không có hồ sơ chứng minh xuất xứ thì toàn bộ phụ gia đó được xếp vào diện không nguồn gốc, buộc phải tiêu hủy.

Có nghĩa là lúc này (sáu ngày tính từ thời điểm Đội số 2 kiểm tra) thì với ba tồn tại như đội đã ghi nhận, Kiều Giang vẫn chưa được xác định là đã có những hành vi vi phạm hành chính (VPHC) nào (ngoại trừ hai cái lắt nhắt là nhân viên không mang khẩu trang và nơi chế biến thức ăn có ruồi, sàn có gạch vỡ) và tất nhiên là chưa có quyết định xử lý của cơ quan chức năng. Như vậy, vụ việc còn đang chờ xác minh các tình tiết nên từ dùng của đoàn kiểm tra mới là “tồn tại” chứ không phải là “hành vi VPHC”. Vậy căn cứ pháp lý nào để Ban Quản lý ATTP TP công bố công khai các tồn tại đó để dẫn đến cách nghĩ chung của số đông là DN đã có sai phạm?

Có dấu hiệu vi phạm hai luật

Theo Luật ATTP 2010 thì ATTP là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Do yếu tố “gây hại” rất nhạy cảm với số đông nên cùng với việc đề ra nhiều yêu cầu chặt chẽ về ATTP để mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ, Luật ATTP còn đề ra những yêu cầu tương thích dành cho các cơ quan quản lý ATTP.

Đơn cử, điểm b khoản 4 Điều 68 của luật này nêu rõ: “Hoạt động kiểm tra ATTP phải bảo đảm nguyên tắc: Bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức”.

Liên quan đến nội dung thông tin về ATTP, khoản 3 Điều 57 luật này cũng quy định theo hướng chỉ thông tin về việc xử lý “đối với cơ sở vi phạm nghiêm trọng pháp luật về ATTP”.

Tính chất “vi phạm nghiêm trọng” này cũng tương đồng với quy định của Luật Xử lý VPHC 2012 về việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức VPHC. Cụ thể, Điều 72 luật này chỉ cho phép cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt VPHC có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt đối với các trường hợp VPHC về ATTP, chất lượng sản phẩm, hàng hóa… mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội. Nội dung công bố gồm hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Địa chỉ công bố công khai là trang thông tin điện tử (website) hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra VPHC.

Với quy định đã nêu của các điều luật trên thì cần phải hiểu việc công bố công khai thông tin chỉ được thực hiện khi vụ việc đã đâu đó rõ ràng, cụ thể là cơ quan có thẩm quyền đã có quyết định xử phạt nêu được hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.

Đối chiếu vào đó thì đối với Kiều Giang, việc Ban Quản lý ATTP TP sớm công khai thông tin kiểm tra ATTP trên website của ban này là đã vi phạm hai luật trên.

Tương tự, đối với Con Cưng, cách công khai bằng miệng của một cục phó Cục QLTT cũng đã vi phạm Điều 72 Luật Xử lý VPHC và Pháp lệnh QLTT 2016. Bởi lẽ khoản 4 Điều 5 pháp lệnh này yêu cầu lực lượng QLTT “bảo vệ bí mật nguồn thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra, thanh tra liên quan đến tổ chức, cá nhân được kiểm tra, thanh tra chuyên ngành”; khoản 4 Điều 11 pháp lệnh này cấm công chức QLTT “tiết lộ trái phép thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc liên quan đến hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng QLTT”.

Thông tin chính thức về Kiều Giang

Theo bản tin đăng trên website của Ban Quản lý ATTP TP.HCM ngày 22-8 thì tại thời điểm kiểm tra, cơm tấm Kiều Giang ở xa lộ Hà Nội (quận 9) có ba tồn tại (nguyên văn từ dùng trong bản tin và trong biên bản kiểm tra).

Gồm có: Khu vực chế biến có ruồi, sàn nhà tại đây gạch vỡ, bong tróc; có lô hàng 89 cây (đường + phụ gia) khối lượng 1.029 kg không có nhãn mác, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; có năm nhân viên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang khẩu trang.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản kiểm tra, đề nghị tiệm khắc phục ngay ba tồn tại này, đồng thời phải bảo quản lô hàng có liên quan đã được niêm phong tại tiệm cho đến khi cơ quan kiểm tra giải quyết xong vụ việc.

Truyền thông sai lệch dày đặc

“Cơm tấm Kiều Giang bị phát hiện sử dụng nguyên liệu “lạ””; “Cơm tấm Kiều Giang sử dụng nguyên liệu lạ suốt 10 năm”; “Cơm tấm Kiều Giang mất vệ sinh”… Cùng với các tít đẩy vấn đề đi quá xa gây hiểu lầm trầm trọng, nhiều bản tin trên báo, đài và các trang mạng còn có những phản ánh cách biệt khá lớn so với biên bản kiểm tra của Đội 2 và diễn tiến hiện tại của vụ việc dễ làm cho DN chết tức tưởi trước khi cơ quan chức năng có kết luận chính thức.

Trong số đó, có một số nội dung hoàn toàn sai lệch với thông tin chính thức của Ban Quản lý ATTP TP hoặc không có căn cứ xác đáng. Chẳng hạn, “đoàn thanh tra phát hiện có hóa chất lạ trong các món ăn”, “đoàn thanh tra phát hiện cơm tấm Kiều Giang có nhiều sai phạm nghiêm trọng”, “lực lượng chức năng đã tịch thu và sẽ tiêu hủy toàn bộ số phụ gia không rõ nguồn gốc, xuất xứ”...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm