Sở Y tế TP.HCM nói về việc cấp xác nhận cho người tự chữa khỏi COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc cá nhân tự điều trị, đề nghị cấp giấy xác nhận là không có cơ sở để ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương cấp.

ThChiều 12-9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo, thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.

Đo kháng thể chung chung có thể gây lãng phí

Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu đã có những trao đổi liên quan đến vấn đề xét nghiệm kháng thể cho người tự chữa bệnh tại nhà để cấp thẻ xanh COVID-19 và vì sao tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19 vẫn mắc bệnh và tử vong.

Công an phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM đi trao quà cho người dân trong địa bàn. Ảnh: MINH TÂM

Liên quan việc tiêm hai mũi vaccine vẫn tử vong, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu lần nữa khẳng định bản chất của việc tiêm vaccine là tạo kháng thể, bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mắc bệnh và diễn biến nặng.

Người tiêm đầy đủ hai mũi vaccine thì cơ thể có đủ kháng thể bảo vệ cao hơn người mới tiêm một mũi. Về mặt khoa học, tất cả loại vaccine đều có tỉ lệ bảo vệ và không bao giờ bảo vệ 100%.

“Tỉ lệ chống nhiễm bệnh ở các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay được nghiên cứu dao động 70%-80%, do vậy vẫn có hơn 20% người sau khi tiêm vẫn nhiễm bệnh” - BS Vĩnh Châu phân tích.

Cũng theo BS Vĩnh Châu, chủng virus Delta có đột biến nên hệ thống miễn dịch và kháng thể của cơ thể không ngăn chặn hoàn toàn được, nhiều trường hợp dù tiêm vaccine vẫn nhiễm bệnh.

Đáng lưu ý, ở những người lớn tuổi, tỉ lệ bảo vệ bởi vaccine ngừa COVID-19 thấp hơn. Người trên 65 tuổi tiêm đủ hai mũi vaccine được bảo vệ 80%-85%, so với tỉ lệ này là 90% ở người trẻ hơn.

“Theo thống kê trên thế giới, người đã tiêm đủ hai mũi vaccine vẫn nhiễm bệnh nhưng được bảo vệ không bị bệnh nặng, không cần thở ôxy và điều trị hồi sức tích cực với tỉ lệ 90%, còn lại 10% vẫn diễn biến nặng và tử vong. Có nhiều lý do và không phải trường hợp nào kháng thể cũng bảo vệ được cơ thể và tác động của virus lên cơ thể” - BS Vĩnh Châu nêu.

Theo BS Châu, TP.HCM chưa có con số thống kê cụ thể nên chưa thể công bố số liệu người tiêm vaccine được bảo vệ như thế nào. Tuy nhiên, xét theo các nghiên cứu trên thế giới thì có lẽ tình hình ở Việt Nam cũng tương tự.

Trước thắc mắc về việc nhiều người từng mắc COVID-19 nhưng đã tự khỏi, chưa được cấp giấy xác nhận đã điều trị COVID-19, có thể tự xét nghiệm kháng thể để khẳng định từng mắc bệnh hay không, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu khẳng định Sở Y tế và Bộ Y tế chưa có hướng dẫn về vấn đề này.

BS Vĩnh Châu nêu theo các quy định về giám sát F0 cách ly tại nhà, trong đó có Quyết định 879 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn biện pháp cách ly y tế tại nhà và Công văn 3043 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP về giám sát người F0 tuân thủ cách ly tại nhà, các địa phương phải tăng cường quản lý và giám sát F0, F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà phải chuyển cách ly tập trung, cấp giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly y tế cho F0.

Theo hướng dẫn, các trường hợp tự làm xét nghiệm dương tính phải báo ngay cho địa phương để lập danh sách quản lý và cấp túi thuốc. Việc cá nhân tự điều trị đề nghị cấp giấy xác nhận không có cơ sở để ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương cấp.

Mặt khác, việc xét nghiệm kháng thể để khẳng định một người từng mắc COVID-19 có tính chất tương đối và vô cùng phức tạp.

Hiện các loại test thương mại trên thị trường là test kháng thể chung toàn bộ kháng thể kháng loại virus này, trong khi đó kháng thể bảo vệ cơ thể nhiễm bệnh là kháng thể trung hòa, ngăn chặn trực tiếp vào protein gai của virus SARS-CoV-2 nên không phải xét nghiệm nào hiện có trên thị trường cũng đo được kháng thể này.

“Do đó, Sở Y tế và Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc xác định cụ thể mức độ kháng thể như thế nào thì thật sự có mắc bệnh, mức độ kháng thể như thế có thật sự được bảo vệ, nhiều trường hợp đo kháng thể có nồng độ kháng thể trong máu cao nhưng vẫn nhiễm bệnh. Ngay cả thế giới cũng không đo kháng thể cho tất cả trường hợp và không đo kháng thể để biết một người có nhiễm bệnh hay không” - BS Vĩnh Châu nói và khuyến cáo việc đo kháng thể chung chung có thể gây tốn kém, lãng phí và không đem lại thông tin cụ thể nào.

Vận động nhiều nguồn lực cho Trung tâm an sinh TP

Thông tin tại cuộc họp, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Phạm Đức Hải cho biết tính đến 18 giờ ngày 11-9, có 292.403 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. Trong đó, có 291.930 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 473 trường hợp nhập cảnh.

Báo cáo về việc thực hiện xét nghiệm năm vùng đỏ, cam, vàng, cận xanh, xanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm cho biết đợt xét nghiệm từ ngày 23-8 đến 15-9 đã bước qua giai đoạn 3.

Trong đó, tỉ lệ xét nghiệm dương tính ở vùng cam và đỏ đợt 1 và đợt 2 lần lượt là 3,6% và 2,7%, đợt 3 đang thực hiện được 55% số ca cần xét nghiệm và có tỉ lệ dương tính là 1,3%. Như vậy, qua mỗi đợt, tỉ lệ dương tính tại hai vùng này có giảm. Đối với vùng xanh, tỉ lệ dương tính là 0,78%, vùng cận xanh là 1,27% và vùng vàng là 1,41%.

“Qua đó, cho thấy việc phân vùng trước đây khá chính xác, vùng nguy cơ thấp tỉ lệ dương tính ít và vùng nguy cơ cao dương tính nhiều hơn, qua các đợt xét nghiệm tỉ lệ dương tính giảm dần” - ông Hồng Tâm nói.

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết từ ngày 4-8 đến nay, Trung tâm an sinh TP đã thực hiện hai đợt phát túi an sinh với tổng cộng trên 2 triệu túi trong vòng 40 ngày, bình quân mỗi ngày phát trên 50.000 túi. Hiện nay, việc thực hiện túi an sinh được vận động từ nhiều nguồn khác nhau như từ các cơ quan trung ương hỗ trợ, các tổ chức thành viên của MTTQ thực hiện, các tỉnh, thành trong cả nước hỗ trợ và từ nguồn của các doanh nghiệp. Có doanh nghiệp tự chuẩn bị sẵn túi do trung tâm đặt, có đơn vị hỗ trợ tiền.

Hệ thống MTTQ và trung tâm an sinh các quận, huyện và TP Thủ Đức có 128 bếp ăn thiện nguyện, hằng ngày cung cấp 50.000 suất ăn  cho người khó khăn, người dân yếu thế. Ngoài các túi an sinh, trung tâm an sinh đã tiếp nhận, phân phối trên 5.000 tấn hàng hóa gồm lương thực, thực phẩm với hơn 91 tỉ đồng. Hàng hóa hằng ngày đều được chuyển đến các quận, huyện để chăm lo cho người dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài ra, trung tâm an sinh các quận, huyện bình quân mỗi ngày cũng tiếp nhận trên 1 tấn hàng phân phối cho người dân khó khăn. Do vậy, việc chăm lo không chỉ có 2 triệu túi an sinh mà còn các giải pháp khác để thực hiện tinh thần người dân không thiếu đói và người dân cùng tham phòng chống dịch với TP.•

Gần 3.000 FO là trẻ em dưới 16 tuổi

Hiện TP đang điều trị cho gần 40.000 bệnh nhân, trong đó có gần 3.000 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.690 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân phải can thiệp ECMO.

Trong ngày 11-9, TP có 2.925 bệnh nhân xuất viện và 200 trường hợp tử vong.

 
 

Đẩy mạnh ứng dụng thông tin trong kiểm soát người đi đường

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thông tin Công an TP đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuần tra, kiểm soát. Công an TP đã lắp đặt 116 camera quét mã QR tại 109 điểm kiểm soát. Từ ngày 6 đến 11-9, 914 chốt kiểm soát toàn TP đã kiểm tra hơn 1,3 triệu lượt.

Công an TP đã lập biên bản xử lý 3.986 trường hợp với số tiền 6,813 tỉ đồng với lỗi chính là ra đường không có lý do chính đáng.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, thời gian tới, Công an TP tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu, chấp hành các quy định về giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, lắp camera quét QR Code để phát hiện, xử lý các sai phạm tại các chốt, trạm kiểm soát, tăng cường tuần tra, xử lý trong các khu dân cư. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi giả danh, giả dạng giấy tờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm