Sẽ xử nghiêm nếu TikTok có video nhạy cảm

“Cục Trẻ em sẽ mở tài khoản chính thức trên TikTok với ID @Vì trẻ em, chia sẻ video ngắn về các giá trị đạo đức, cách ứng xử văn minh cho người dùng trẻ. Bên cạnh đó, kênh @Vì trẻ em cũng sẽ xây dựng nội dung hướng dẫn các kỹ năng sống cần thiết, bao gồm cách bảo vệ trẻ em và ứng phó với các tình huống nguy hiểm cho người dùng là các bậc phụ huynh, người anh, chị trong gia đình”.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), thông tin như vậy với Pháp Luật TP.HCM, liên quan đến lễ ký kết hợp tác giữa đơn vị và TikTok nhằm chung tay truyền thông, nâng cao nhận thức giáo dục và bảo vệ trẻ em, diễn ra ngày 20-9.

Phối hợp để làm tốt công tác quản trị

. Phóng viên: Báo chí gần đây có đưa tin TikTok bị cấm ở một số nước như Indonesia, Bangladesh và gần nhất là Ấn Độ vì có những hình ảnh nhạy cảm với những nội dung tiêu cực hướng đến trẻ nhỏ, vậy tại sao Cục lại lựa chọn doanh nghiệp này để hợp tác?

+ Ông Đặng Hoa Nam: Thứ nhất, khi thực hiện công tác truyền thông trên mạng xã hội chúng ta phải lựa chọn nền tảng có hiệu ứng lớn đối với xã hội, đặc biệt là đối tượng cần hướng tới. Theo đó, TikTok đang có sự tham gia lớn của giới trẻ và có hiệu ứng xã hội lan tỏa rất tốt.

Bên cạnh đó, TikTok ở Việt Nam có xu hướng theo trào lưu giới trẻ nhưng cũng vừa định hướng cho giới trẻ thông qua một loạt chiến dịch. Ví dụ, chương trình lễ hội áo dài truyền thống, HelloVietnam, trao yêu thương... Tiếp đó, TikTok hướng tới lối sống, lễ nghĩa và đạo đức truyền thống…

Xét các yếu tố trên, chúng tôi hợp tác để lan tỏa những nội dung mang tính giáo dục về ứng xử, kỹ năng sống cùng kiến thức thực tiễn để bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi xâm hại…

. Nhưng nhiều người lo ngại sẽ xuất hiện các video, hình ảnh không tốt cho trẻ em, thậm chí “đánh cắp” thông tin của trẻ em?

+ Đối tượng phục vụ của mạng xã hội gồm nhiều lứa tuổi nhưng riêng với trẻ em thì có thông tin cảnh báo được quy định trong Luật Trẻ em và Thông tư 09/2017 của Bộ TT&TT quy định về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.

Các video trên tài khoản TikTok @Vì trẻ em chia sẻ các kiến thức về bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em. Ảnh:  VIẾT LONG

Vì vậy, trong lễ ký kết tôi có nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp phải thực thi đúng quy định pháp luật liên quan đến an ninh, an toàn lành mạnh của trẻ em trên môi trường mạng, đảm bảo quyền trẻ em. Đặc biệt là quyền bí mật riêng tư, bảo vệ trẻ trước thông tin xấu, độc… Nếu doanh nghiệp đăng những video nhạy cảm, vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Theo tôi biết, hiện nay TikTok tại Việt Nam chưa có vi phạm nghiêm trọng, nếu có đã bị “thổi còi” rồi.

Buộc gỡ các video không phù hợp

. Trường hợp phát hiện các video, hình ảnh không phù hợp với trẻ em, kênh nào để người dân phản ánh?

+ Hiện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Cục Trẻ em xây dựng cơ chế phối hợp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Vì vậy, nếu phát hiện những thông tin không phù hợp, không chỉ cơ quan nhà nước mà người dân, trẻ em có thể gọi về tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để phản ánh. Sau đó chúng tôi sẽ phối hợp yêu cầu gỡ bỏ.

Thông tin trên mạng xã hội do chính những người sử dụng tạo ra, vì vậy khó tránh khỏi những hạt sạn. Nên chúng tôi yêu cầu công tác quản trị phải tốt hơn.

Đơn vị cũng tin tưởng TikTok đang phát động cư dân mạng tham gia vào nền tảng của mình nên họ sẽ khuyến khích các thông tin tích cực chứ không mang tính tiêu cực, đây là xu hướng tốt.

. Vậy các nội dung hợp tác sẽ được kiểm soát như thế nào, thưa ông?

+ Chúng tôi sẽ tư vấn bằng cách sau mỗi video đưa lên, đơn vị sẽ cùng với họ đánh giá xem có phù hợp không, cần chỉnh sửa gì. Như đại diện TikTok khẳng định họ có tiền kiểm, hậu kiểm để lọc các thông tin cho phù hợp quy định pháp luật, đặc biệt phù hợp với quyền trẻ em…

. Xin cám ơn ông.

Ngày 20-9, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức khởi động chiến dịch “Tiên học lễ” và ra mắt tài khoản @Vì trẻ em để triển khai thực hiện Luật Trẻ em.

Hợp tác với Cục Trẻ em, TikTok khởi động chiến dịch #tienhocle kêu gọi người dùng thực hành bài tập, xử lý tình huống được đưa ra trong các video ngắn. Qua chiến dịch này, Cục Trẻ em và TikTok mong muốn cung cấp những kiến thức, thông tin cần thiết cho người dùng là bậc phụ huynh có con nhỏ nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ các em và phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.

Tận dụng mạng xã hội để thông tin

Ông Đặng Hoa Nam cho biết trước đây đơn vị từng hợp tác đa phương với các đối tác như Microsoft, Facebook… để phát động chiến dịch tuyên truyền bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, đây là lần đầu đơn vị ký kết trực tiếp với một doanh nghiệp cung cấp nền tảng trực tuyến. “Quan điểm của chúng tôi không né tránh mạng xã hội mà mình phải sử dụng nó một cách tích cực” - ông Nam nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm