Sang trọng, chuyên nghiệp và triết lý hổ vồ

Năm 1997, tôi đến sảnh đường lộng lẫy của một khách sạn để tham gia một buổi hội thảo về kinh doanh đa cấp. Tất cả họ đều đĩnh đạc, tự tin và hình thức rất đẹp. Nhìn tác phong của họ, từ bước đi ra kỳ đài đến lời chào, từ âm lượng đến nụ cười, từ cái bắt tay đến ánh mắt đều cuốn hút.

Cô MC xinh đẹp giới thiệu một ông lãnh đạo công ty đến từ Đài Loan hay Trung Quốc gì đó. Ông này chừng 30 tuổi, ăn mặc chuẩn như lãnh tụ, sải bước đầy khí phách kể: “Có hai người vào rừng, không may gặp một con hổ. Một người bỏ chạy, người còn lại kêu lên: Mày có hai chân, chạy sao thoát con hổ bốn chân? Người kia ngoái đầu lại cười: Tao không chạy nhanh hơn hổ nhưng nhanh hơn mày. Con hổ dữ đã ăn thịt người chạy chậm hơn”.

Kết thúc câu chuyện, “nhà lãnh đạo” kia truyền giảng thông điệp rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào phải bứt lên, phải đủ khát khao để làm giàu bất chấp mọi giá trị khác. Tôi mất nhiều năm suy nghĩ về cái “triết lý” khủng khiếp này. Có lẽ thành công lớn nhất của hệ thống kinh doanh đa cấp là nó dạy được cho người tham gia hệ thống của nó “quên” lợi ích cộng đồng, cố vượt nhanh khỏi nghèo khó bằng nỗ lực chạy nhanh hơn người khác, bỏ mặc những người khác sống chết ra sao cũng được.

Họ nói giỏi đến mức ai cũng tin. Đội ngũ của họ không phải chỉ những người mơ hồ, hám lợi mà bao gồm cả tướng tá, công an, nhà báo, bác sĩ, giáo sư… Họ có thể cho ai đó lên sân khấu khóc ngon lành như cha chết và nói lời cảm ơn về một loại sản phẩm của công ty này đã cứu cha cô sống lại rồi khỏe như… trâu (?!). Họ cũng bạo mồm tuyên xưng mình đã là tỉ phú như Phạm Nhật Vượng trong khi sáu tháng trước họ còn tay trắng… Do vậy, muốn đủ sức đề kháng với đa cấp phải đề kháng với lòng tham và sự choáng ngợp những lời “rao giảng” về kinh doanh đa cấp.

Ông NGUYỄN HUY CƯỜNG, hãng phim Sơn An

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm