Sáng “Chim phóng sinh” và chuyện cậu con riêng của vợ

Nếu như anh Chơn trong phim Chim phóng sinh năm nào đã đạt được ước mơ của mình là chung sống với Út Mơ xinh đẹp trong căn nhà nhỏ thì anh Chơn ngoài đời - diễn viên Phan Văn Sáng sau hai lần lỡ dở giờ lại cô đơn. Nỗi cô đơn càng được nhân lên gấp bội mỗi khi anh nhớ tới đứa con riêng của vợ cũ - đứa con luôn coi anh như cha đẻ. Hai người đang phải tìm mọi cách để liên lạc với nhau vì bị cấm cản.

Lúc nào anh Phan Văn Sáng cũng tràn đầy niềm tin vào mối tình cha con kỳ lạ của mình.

“Ba chúng tôi từng làm nên một gia đình hạnh phúc”

Là một người đàn ông tật nguyền, mưu sinh bằng trăm thứ nghề, bỗng anh bập vào nghề diễn và trở thành một diễn viên nổi tiếng. Anh cũng từng một thời kinh doanh phát đạt, làm chủ một nhà hàng sang trọng. Nhưng rồi khi hỏi về quãng thời gian đẹp đẽ nhất trong đời, anh lại bảo không phải là những ngày đóng phim hay sau khi trở thành người nổi tiếng, cũng không phải là quãng thời gian kinh doanh thắng lớn mà đó là khi anh được làm cha, làm chồng và có một gia đình riêng hạnh phúc.

Hạnh phúc đã đến với anh trong một lần anh tổ chức chương trình từ thiện dành cho người khuyết tật ở miền Tây. Ở đó anh gặp Nhã - người vợ thứ hai của anh. Đó là một phụ nữ ngoài 20 tuổi, rất xinh đẹp nhưng lỡ dở một lần đò. Cả hai nhanh chóng phải lòng nhau nhưng mãi sau này anh mới biết chị Nhã có một đứa con riêng bảy tháng tuổi là cu Bin. Cha ruột của Bin bỏ hai mẹ con khi cậu bé chưa lọt lòng nên mặc nhiên nó coi “ba Sáng” mới là cha ruột. “Cuộc đời thật kỳ diệu, tôi được làm chồng và làm cha. Cả ba người chúng tôi đã làm nên một gia đình nhỏ rất đầm ấm” - anh Sáng tâm sự.

Có lẽ đối với anh đó là những ngày ngắn ngủi và hạnh phúc nhất trong đời khi mỗi đêm ba người quây quần bên nhau. Họ ngủ chung trên một chiếc giường. Buổi tối hai cha con nằm chơi đùa với nhau đến khi mệt lử. Nhưng nếu khi nào anh không chơi với Bin thì cậu bé nhất định đòi nằm giữa ba Sáng và mẹ. Bin còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện, chỉ cần nói “Ba mệt rồi, giờ Bin ngủ nhé!” là cậu bé “Dạ!” ngoan ngoãn và ngủ ngay. Cũng có khi đang chơi đùa với con, anh vô tình đặt tay lên trán thì ngay tức khắc Bin ngồi dậy nhìn chằm chằm vào anh rồi đưa đôi tay bé xíu kéo tay anh xuống… Vợ anh cũng hay làm vậy. “Chỉ những cử chỉ nho nhỏ vậy thôi mà khiến tôi thấy nhớ, thấy thương hai mẹ con lắm” - anh Sáng xúc động.

Hạnh phúc ngắn hơn cả trên phim, chưa được bao lâu thì công việc kinh doanh của anh gặp khó khăn, nhà hàng phải đóng cửa vì bị lấy lại mặt bằng. Tạm thời Bin và vợ anh phải về quê sống với ông bà ngoại. “Dù khó khăn nhưng tôi không muốn Bin khổ. Ở Sài Gòn trẻ con có gì thì ở dưới quê thằng nhóc có ngay thứ đó. Cứ như vậy mỗi tuần hai lần tôi từ Sài Gòn về thăm hai mẹ con” - anh kể.

Bất giác người đàn ông có ánh mắt không biết vui khựng lại: “Tôi nhớ có lần Nhã gọi điện thoại cho tôi nói: “Em thèm ăn bánh mì thịt quá”. Nghe xong tôi tức tốc đi mua hai ổ bánh mì chạy xe máy thẳng về quê rồi hai đứa ra võng nằm ăn. Đó là kỷ niệm đẹp nhất trong đời tôi”. Vậy rồi vợ anh do không chịu được áp lực từ phía gia đình vợ, phần anh lại mang mặc cảm mà không ngăn cản chị cuốn gói sang Nhật dẫn đến kết cục buồn là vợ anh ngả vào vòng tay của người đàn ông khác ở xứ người.

Hỏi anh có mong một ngày nối lại tình xưa với vợ cũ, anh trầm ngâm: “Bây giờ Nhã đã có cuộc sống riêng. Tôi chỉ mong được đoàn tụ với cu Bin”. Anh mở điện thoại khoe những bức ảnh chụp Bin hồi nhỏ. “Tôi thương nhớ thằng nhỏ nên cứ để ảnh nó trong điện thoại, khi nào nhớ quá thì mở ra ngắm nghía” - anh chia sẻ. Ánh mắt anh như lặng lại, đôi vai như sụp xuống. Người đàn ông từng trải chồng chất với nỗi cô đơn, vẻ ngoài tưởng cứng cỏi nhưng đã không ít lần khóc một mình, thậm chí trò chuyện một mình trong đêm vì nhớ con.

Đêm co ro ngoài sạp chợ, thèm vòng tay người thân

Từ một người đàn ông hạnh phúc khi có vợ có con anh trở về đơn độc. Từ một người con được cha mẹ yêu thương nhất trong gia đình, sau quyết định nghỉ học để tự lập, anh đã bị cha ghẻ lạnh. Và anh trải qua cuộc sống cù bơ cù bất gần 20 năm ở sạp chợ, vỉa hè. Có lẽ đó là tất cả lý do để hơn ai hết anh khao khát cuộc sống gia đình. Và có lẽ cũng vì điều đó mà tình yêu của anh dành cho đứa con riêng của vợ trở nên mãnh liệt.

“Cha tôi là người rất nghiêm khắc, ông muốn tất cả con cái phải học hành đến nơi đến chốn. Khi biết tôi quyết định nghỉ học năm 13 tuổi ông đã rất tức giận, ra tối hậu thư: “Có gan đi mà không làm nên cơm nên cháo gì thì đừng về!”. Câu nói này khiến anh uất ức nhưng cũng là động lực để sau này anh sống sót trong cuộc mưu sinh gian nan.

Trong cuộc mưu sinh tự lập đó, không ít lần anh bị vạ lây, bầm dập từ những trận đòn thù của các băng đảng đường phố. Dù kiên trì học bổ túc văn hóa và học khóa sửa chữa điện tử cho có cái chữ và cái nghề đàng hoàng, dù quăng quật làm đủ nghề để kiếm sống ở vỉa hè và chợ trời như sửa điện lạnh, bơm vá xe đạp, thu mua ve chai, chạy mánh... nhưng anh vẫn không sao tránh khỏi những ngày đói ăn thiếu mặc. Người đói đến mức ghé miệng vào vòi nước công cộng mà “ăn” nước đến no óc ách, đói đến nỗi rủ thằng bạn bụi đời lẻn về nhà lục cơm nguội chia nhau nhai ngấu nghiến trong đêm tối. Lúc ấy anh mới thấm thía mình cần gì, nếu không phải là một bữa cơm gia đình quây quần đầm ấm. Và người đêm đêm nằm co ro một mình ngoài sạp chợ khi ngoài trời mưa gió lạnh lẽo, anh hiểu mình ước ao gì, nếu không ngoài một vòng tay ấm áp của người thân, một tiếng gọi thân thương trìu mến. Trong thực tế, khoảng thời gian anh cảm nhận mình được bù đắp tình cảm gia đình, được cha tôn trọng lại ngắn ngủi chỉ vài tháng trước khi cha anh mất. Khi đó bộ phim Chim phóng sinh phát sóng. Cha anh ngồi trước tivi xem phim mà bật khóc, nói: “Ba hiểu sai con rồi!”.

Cũng vì đồng cảm với nỗi khát khao tình phụ tử mà năm năm trước, anh trực tiếp chạy đôn chạy đáo tìm con nuôi giúp vợ chồng diễn viên người Pháp Eric Defosse. Từ đó anh còn giúp thêm bốn cặp vợ chồng khác cũng xin được con nuôi từ Việt Nam. Anh sốt sắng đưa họ đến các trung tâm mồ côi, đứng ra lo các thủ tục nhận con nuôi phức tạp cho họ cho đến khi họ hoàn thành ước nguyện được làm cha làm mẹ.

“Hên là bị xe đụng mà con mới được gặp ba”

“Từ khi vợ tôi đi lấy chồng thì hai cha con tôi khó liên lạc với nhau do bị vợ tôi ngăn cấm. Lúc nào Bin nó cũng phải lén lút mới gọi điện thoại được cho tôi. Điều làm tôi vừa mừng mà cũng vừa xót xa là đến bây giờ thằng bé vẫn còn thương nhớ tôi”. Anh kể có lần anh nghe tin vợ cũ đưa con về quê thăm gia đình, anh vội vàng tìm về thì mới hay hai mẹ con vừa quay lại Nhật. Anh nghe hàng xóm kể lại Bin kêu không muốn ở Nhật, chỉ muốn về Việt Nam. Khi bị mọi người trêu: “Về Việt Nam bơ vơ chỉ có nước đi bán vé số mà sống thôi thì Bin nói: “Bán vé số cũng được. Con đi bán vé số nuôi ba Sáng”. Anh bảo: “Nghe xong tôi chỉ biết rớt nước mắt”.

Một lần khác Bin cũng được về thăm Việt Nam. Hôm đó em được các dì đưa đi chơi thì bị xe tông ở gần chợ Tân Định. Các dì hốt hoảng thấy em ôm ngực kêu đau nhưng khi đòi đưa em đi bệnh viện thì em nhất mực kêu: “Phải ba Sáng đưa đi thì con mới chịu đi!” buộc các dì của em phải gọi cho anh. Nhận được điện thoại anh chạy xe thục mạng từ Thủ Đức về đến chợ Tân Định chỉ trong 15 phút để gặp con. Khi “cắt đuôi” được các dì, anh mới hay Bin chỉ giả vờ đau để gặp được anh: “Hên là đụng xe nên con mới được gặp ba” - em nói. Bin đòi anh đưa về thăm nhà ông bà nội. Hai cha con đã có khoảng hai giờ đồng hồ đầm ấm bên nhau với lời thật thà của Bin mà anh nhớ mãi: “Con nhớ ba lắm, nhớ ba lắm”. Anh cho biết năm nay Bin 13 tuổi. Hai cha con anh đã hẹn nhau đến khi Bin 18 tuổi, khi Bin có quyền tự quyết về cuộc sống của mình thì em sẽ quay trở về Việt Nam sống với anh. “Điều tôi khao khát nhất trong cuộc đời mình là tình phụ tử, còn hơn cả tình vợ chồng” - anh tâm sự.

Ba năm qua một mình anh chống lại căn bệnh ung thư. Hiện nay sức khỏe anh đã khá hơn. Anh cũng vừa cùng bạn bè hùn hạp thành lập một công ty xây dựng và không ngừng hy vọng công ty làm ăn suôn sẻ. Đó cũng là sự chuẩn bị của anh cho ngày đoàn tụ với con riêng của vợ.

Sáng “Chim phóng sinh” và chuyện cậu con riêng của vợ ảnh 2

Ngoài vai Chơn trong phim Chim phóng sinh (1997-1998) như đo ni đóng giày cho Phan Văn Sáng, anh còn tham gia các vai trong các phim: Trùng quang tâm sử (2001); Hẻm sâu, Tài tử nghiệp dư (2002); Bến mơ (2003); Cá lên bờ (2013). Trong ảnh: Phan Văn Sáng trong vai Chơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm