'Sẵn sàng kinh phí mua vaccine ngừa COVID-19 cho Bộ Y tế'

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi với Pháp Luật TP HCMchiều 18-5 khẳng định: “Nguồn kinh phí dành cho việc mua vaccine phòng chống dịch COVID-19 đã được Bộ Tài chính chủ động chuẩn bị đầy đủ, chuyển cho Bộ Y tế để sẵn sàng và đáp ứng ngay khi Bộ Y tế đàm phán xong việc mua vaccine”.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, vì đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng và theo nhiệm vụ được Thủ tướng, Chính phủ giao nên Bộ Tài chính đã gấp rút, chủ động chuẩn bị kinh phí dành cho việc mua vaccine. Còn về các cơ chế liên quan đến việc mua vaccine, đàm phán, lựa chọn các loại vaccine… thì do Bộ Y tế chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định kinh phí để mua vaccine ngừa COVID-19 đã được cơ quan này chủ động chuẩn bị đầy đủ. Ảnh: CTV

Thông tin cho đến giờ cho thấy, nhằm đáp ứng nhu cầu 150 triệu liều vaccine của năm 2021 dành cho đối tượng ưu tiên, Bộ Y tế đang nỗ lực đẩy nhanh đàm phán mua vaccine Pfizer. Nếu thuận lợi, trong năm nay Việt Nam sẽ có thêm khoảng 31 triệu liều vaccine Pfizer, ngoài nguồn của COVAX Facility (110 triệu liều), AstraZeneca (30 triệu liều do VNVC ký hợp đồng mua), các chương trình viện trợ khác (2 triệu liều)…

Theo kết quả đàm phán tính đến ngày 9-5, Pfizer có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 31 triệu liều vaccine (15,5 triệu liều cung cấp trong quý III/2021 và nửa còn lại được cung cấp trong quý IV/2021).  

Tuy nhiên, nhà cung cấp cũng đưa ra một số điều khoản ràng buộc rất chặt chẽ (ký Thỏa thuận khung trước, rồi mới ký Thỏa thuận chi tiết theo mẫu được áp dụng với 70 quốc gia khác đã nhập khẩu vaccine của Pfizer); miễn trừ trách nhiệm (khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến vaccine hoặc việc sử dụng vaccine của Pfizer; không giao hàng theo đúng số lượng, thời gian dự kiến trong Thỏa thuận); không có bảo lãnh tạm ứng, bảo đảm thực hiện hợp đồng; không áp dụng kê khai, kê khai lại giá…

Bộ Y tế đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án mua lô vaccine này. Theo Bộ Y tế, đây là vaccine mới được nghiên cứu, sản xuất trong tình trạng khẩn cấp để phòng chống đại dịch, nên chưa có đầy đủ dữ liệu về an toàn, hiệu quả, có thể có các sự cố sau tiêm. Do vậy, muốn mua được vaccine của Pfizer, Chính phủ phải chấp nhận rủi ro khi sử dụng và các điều kiện của nhà cung cấp.

Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Y tế còn đề xuất Thủ tướng cho phép miễn một số loại giấy tờ liên quan đến việc nhập khẩu như Giấy chứng nhận chất lượng (kiểm định xuất xưởng) của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu; Giấy chứng nhận xuất xưởng do Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cấp…

Hôm 17-5, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc mua vaccine phòng COVID-19 của Công ty Pfizer, Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi nghe ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng và các đại biểu đã kết luận: “Việc mua vaccine phòng COVID-19 là cần thiết, cấp bách theo đúng kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Công văn số 50-CV/TW ngày 19-2 và của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về lựa chọn loại vaccine phòng chống COVID-19. Trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, khan hiếm vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn cầu, để sớm có vaccine và tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vaccine sớm nhất. Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.

Tại cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp, xin ý kiến các thành viên Chính phủ để thống nhất việc mua vaccine phòng COVID-19 của Pfizer (Mỹ) và chuẩn bị ký thỏa thuận mua 31 triệu liều vaccine với Pfizer trong ngày hôm nay 18-5.

Quá trình đàm phán để đi đến thoả thuận này với Pfizer đã được Bộ Y tế liên tục thúc đẩy trong suốt thời gian qua. Đại diện Pfizer tại Việt Nam đã ghi nhận những nỗ lực và mong muốn của Bộ Y tế để có thể có vaccine cho người dân.

Nội dung đàm phán tập trung vào những điều khoản trong thoả thuận giữa hai bên liên quan đến trách nhiệm pháp lý, vấn đề thanh toán, bồi hoàn và các rủi ro khi thực hiện thoả thuận trên nguyên tắc bảo đảm tuân thủ luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Như vậy, Việt Nam sẽ có 31 triệu liều vaccine của Pfizer được cung cấp vào quý III và quý IV trong năm nay, bảo đảm thực hiện theo lộ trình cung ứng vaccine mà hai bên đã trao đổi và thống nhất trong thời gian qua.

Cũng trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có những trao đổi, đàm phán với nhiều đơn vị sản xuất vaccine phòng COVID-19 như Astra Zeneca, Moderna, Gamelaya (Nga)... với mục tiêu có đủ và đa dạng vaccine phòng COVID-19 phục vụ người dân và đang đẩy mạnh việc tiếp cận để chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm