Sách cho ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Lê Văn Nuôi - Nhật ký một nhà báo

Cuốn sách tập hợp 53 bài báo tâm đắc đã đăng của nhà báo Lê Văn Nuôi - nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ và là một trong những thủ lĩnh của phong trào học sinh sinh viên tranh đấu trước 1975. Những bài báo trong sách đề cập đến các vấn đề mang tính thời sự trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội và ước muốn báo chí góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng văn minh. Cuốn sách cũng là nhật ký ghi lại quá trình đến với nghề báo và xây dựng một tờ báo lớn của tác giả.

Sách chia làm bốn phần: Duyên nợ nghề báo, Chấn động 30-4, Vì công bằng và phát triển, Những ước vọng văn hóa. Trong sách có phụ lục 21 ảnh tác giả và các kỷ niệm làm báo.

Ngày xưa báo chí hoạt động ra sao?

Tác phẩm là tập tiểu phẩm trào phúng của Hữu Quân (bút danh của nhà báo Trọng Thịnh, báo Tiền Phong).

Hầu hết các tiểu phẩm đã được in trên các báo Tiền Phong, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Tuổi Trẻ Cười và một số báo khác trong suốt 20 năm làm báo của tác giả.

Các tiểu phẩm bám sát diễn biến đời sống xã hội từng giai đoạn của đất nước, phản ánh, lên án chuyện tiêu cực cũng như ghi nhận thời sự xã hội một cách dí dỏm.

Không có gì và không một ai

Đây là tiểu thuyết mới nhất của nhà văn - nhà báo Nguyễn Đông Thức, hiện đang công tác tại báo Tuổi Trẻ.

Trong tác phẩm, ba nhân vật chính là ba người bạn thân: Phong, Tiềm và Thương. Giữa họ vừa là tình bạn vừa lấn cấn chút tình yêu. Tuy mỗi người xuất thân từ mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng tình yêu thương, sự tin tưởng họ dành cho nhau đầy cao thượng, đẹp đẽ. Họ đã sống và sẵn sàng hy sinh tình cảm cá nhân để bạn mình được hạnh phúc. Ba người bạn bước đi trên ba lối rẽ, mỗi người một cách vào đời, cùng trắc trở theo những thăng trầm của đất nước sau ngày giải phóng. Sau những khó khăn, chia lìa, họ càng quý trọng tình bạn. Dẫu mỗi người ở một phương trời, cuối cùng họ vẫn hội ngộ. Không có gì và không một ai có thể chia cắt tình bạn đẹp họ dành cho nhau.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm