Rượu, bia có thể làm chia lìa nhiều thứ

Nhưng điều đó vẫn còn là may mắn. Bởi chắc hẳn không hiếm những trường hợp sau khi đã uống rượu, bia thì có tấm bia ghi khắc ngày từ trần.

Bất luận dịp nghỉ lễ, Tết nào, báo chí lại xôn xao những tin tức về tai nạn giao thông, những ca cấp cứu vì đánh nhau, tông xe… mà đa phần vì rượu, bia. Vụ án lùi xe trên cao tốc ở Thái Nguyên mới đây dậy sóng dư luận cũng có nguyên do từ tài xế xe Innova uống rượu. Vụ chiếc xe Mercedes ở Hàng Xanh gần đây cũng không ngoài nguyên nhân rượu, bia… Ngay cả vụ những thanh niên gặp nạn ở lễ hội âm nhạc Hồ Tây vừa qua cũng có dấu hiệu và sự hiện diện của một hãng rượu lớn.

Ấy vậy mà khi nói về rượu, bia nhiều ý kiến đã nói đến vấn đề “văn hóa, cốt hồn của dân tộc”… Chắc hẳn nếu suy nghĩ lại, người ta sẽ phải đắn đo rằng: “Văn hóa hay cốt hồn dân tộc” gì mà làm cho hàng ngàn người “một đi không trở lại” nếu phải uống những thứ kích thích như rượu, bia. Văn hóa, cốt hồn dân tộc chắc chắn không bao giờ để lại những hậu quả thảm khốc như vậy.

Không chỉ có thế, người ta còn đưa ra những lễ hội văn hóa bia ở nhiều nước trên thế giới với những lập luận khác là nếu uống bia, rượu đúng liều sẽ tốt cho sức khỏe. Người ta còn đưa ra những phong trào hay khuyến cáo “uống có trách nhiệm” nhưng lại cố tình lờ đi những tỉ lệ tai nạn giao thông và số vụ ẩu đả ngày lễ, Tết phải nhập viện đã nói ở trên.

Có lẽ để tăng sức thuyết phục, người ta còn cho rằng: Tổ chức Y tế Thế giới đã đề ra chiến lược toàn cầu về giảm thiểu tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn. Từ đó, có những ý kiến đề nghị sửa tên dự luật thành “Phòng, chống tác hại của việc lạm dụng bia, rượu”. Thực tế thì tên của chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới chưa bao giờ có từ “lạm dụng”. Và tổ chức này cũng như Bộ Y tế đã chính thức khẳng định không có ngưỡng an toàn cho uống rượu, bia. Uống mức độ nào cũng có hại, chỉ là ít hay nhiều.

Còn đại biểu Trần Thị Phương Hoa ngày 12-11 đã phải nói thẳng tại Quốc hội: “Những người lạm dụng rượu bia không bao giờ thừa nhận mình lạm dụng”. Tuy vậy, vì nhiều lý do, vẫn có những người có thẩm quyền hay vị trí lên tiếng không đồng thuận với dự luật này. Và có lẽ vì thế, số phận của dự luật cũng bị “nâng lên đặt xuống” không biết bao nhiêu lần ở các cuộc họp của Chính phủ. Sát ngày quyết định, những ý kiến đồng ý cuối cùng được tham khảo mới giúp dự luật được trình ra. Hẳn nhiên sẽ có những vấn đề về hình thức của dự luật nhưng sự cần thiết của vấn đề “phòng, chống tác hại của bia, rượu” thì không cần bàn luận.

Đại đa số ý kiến của đại biểu chiều 12-11 đã nói lên điều đó. Liệu có một “sự lật đổ” nào đó với dự luật này hay không vẫn còn là một ẩn số. Nhưng rõ ràng các đại biểu đã bày tỏ quan điểm của mình trước sự đóng góp của ngành bia, rượu với những chi phí mà ngân sách và xã hội phải bỏ ra để giải quyết hậu quả của bia, rượu.

Bởi vậy hiện nay bia rượu có thể khiến nhiều người chia ly cuộc đời này. Nhưng trong tương lai, hẳn là với sự công tâm của Quốc hội, đất nước sẽ giảm được nhiều thảm cảnh từ bia, rượu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm