Ron, Đức và chiếc máy ảnh huyền thoại

Từ Remscheid, CHLB Đức, anh Trần Văn Đức cho biết nếu tính theo lịch âm thì hôm nay (18-2 năm Mậu Tuất) mới chính thức là ngày giỗ lần thứ 50 của mẹ anh và hơn 500 thường dân vô tội ở Sơn Mỹ, Quảng Ngãi trong vụ thảm sát Mỹ Lai đúng nửa thế kỷ trước.

Dòng chú thích vô cảm và sai sự thật

Anh Trần Văn Đức chụp những tấm ảnh trên bàn thờ mẹ. Ba tấm ảnh thờ là ba trong số những tấm ảnh mà PV chiến trường Ronald Haeberle - còn được mọi người gọi thân mật là Ron - đã chụp tại Mỹ Lai. Người đàn ông 57 tuổi này trầm ngâm tâm sự anh vẫn nhớ như in buổi sáng hôm đó, buổi sáng định mệnh đã cướp đi mẹ, chị Hai và em gái của anh. Còn riêng hình ảnh của anh đã đi vào lịch sử khi ôm em gái Trần Thị Hà, lúc đó chỉ 14 tháng tuổi, để che đạn cho em. Và Ronald Haeberle đã bấm máy đúng khoảnh khắc lịch sử đó. Thế nhưng dù đã qua 50 năm, câu chuyện vẫn chưa có hồi kết.

Ngày 16-3, Đức, Ronald Haeberle và chiếc máy ảnh hiệu Nikon, chiếc máy ảnh đã chụp những hình ảnh tang thương ở Mỹ Lai giờ là kỷ vật của Ron tặng cho Đức, tất cả cùng có mặt ở Quảng Ngãi. Năm nào cũng vậy, buổi tưởng niệm tại Khu chứng tích Sơn Mỹ luôn đầy nước mắt. Và lần này, một lần nữa những người trong cuộc lại tiếp tục đưa ra những bằng chứng để lịch sử, sự thật không còn bị bóp méo, trả lại đúng tên cho tấm ảnh đã trở thành biểu tượng, lên án sự tàn bạo của chiến tranh.

Anh Đức cho biết trước năm 2009, tấm ảnh đó được trưng bày trong Khu chứng tích Sơn Mỹ với chú thích: “Anh Trương Bốn đang che đạn cho em gái Trương Năm nhưng cả hai đều bị lính Mỹ bắn chết”. Sau khi anh khiếu nại, đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục thì khu chứng tích tháo chú thích xuống và chỉ ghi vỏn vẹn những dòng chữ vô cảm: “Người anh đang che đạn cho em nhưng cả hai đều bị lính Mỹ bắn chết”. Còn anh và em gái của mình, hai nhân vật, chứng nhân sống lại rơi vào quên lãng một cách vô cùng khó hiểu.

Câu chuyện của cựu PV ảnh chiến trường Ronald Haeberle và anh Trần Văn Đức (trong ảnh) được rất nhiều hãng tin nước ngoài quan tâm. Ảnh: P.NAM

Tấm ảnh gốc của Ron đã chụp hai anh em Đức, Hà tại Mỹ Lai năm 1968. Ảnh: P.NAM

Tặng ảnh gốc và chiếc máy ảnh quý

Sáng 16-3-1968, người mẹ dặn Đức ôm em gái là Hà về nhà ngoại. Trên đường đi, Đức nhìn thấy từ hướng đồn Voi có một chiếc máy bay trực thăng vẽ hình con cá mập bay về hướng Đức định đi qua và bay rất thấp. Sợ bị bắn chết vì thấy một lính Mỹ ngồi trên chiếc máy bay đó nên cậu bé bảy tuổi ôm em Hà nằm xuống tránh đạn. Và Ron đã chụp anh em Đức, Hà trong khoảnh khắc ấy. Năm 2011, Đức và Ron gặp nhau, khi nghe Đức mô tả lại những chi tiết của khoảnh khắc ấy, Ron đã khẳng định chính Đức là nhân vật trong bức ảnh của ông bởi ông đã chụp được tấm ảnh chiếc trực thăng duy nhất có vẽ hình cá mập trong hơn 10 chiếc trực thăng tham gia vụ thảm sát. Và cũng trong năm 2011, Ron đã trở lại thăm Mỹ Lai cùng Đức để kể lại những sự thật đã hành hạ cuộc sống của ông mấy chục năm qua.

Ronald Haeberle dù đã đưa ra công luận vụ thảm sát Mỹ Lai nhưng ông vẫn bị dằn vặt bởi những gì đã chứng kiến. Cho nên sau khi về nước, ông trở thành một con người bất bình thường, sống hàng chục năm trời như một cái bóng lặng lẽ. Cuộc hôn nhân của ông cũng vì những dằn vặt quá khứ ấy mà tan vỡ.

Kỷ niệm 50 năm ngày thảm sát Sơn Mỹ, lần này trở lại, Ron và Đức còn thực nghiệm lại hiện trường đúng ngay vị trí mà Đức ôm em gái che đạn và Ron đã chụp ảnh. Ngoài ra còn có khoảng 50 nhân chứng xác nhận người trong ảnh chính là anh em Đức, Hà. Thế nhưng tiếc thay, những bằng chứng đầy thuyết phục này vẫn chưa thay đổi được lời chú thích dưới tấm ảnh trong khu chứng tích. “Tôi được gì khi cả chục năm đưa ra nhiều bằng chứng, cơ sở rằng anh em tôi chính là hai nhân vật trong ảnh của Ron ngoài sự thật tôi không cần gì cả” - anh Đức bức xúc.

Kết nối những nhân chứng sống của vụ thảm sát

Ngoài Ron, Đức còn kết bạn với một số binh sĩ, nhà báo Mỹ có dính líu đến vụ thảm sát. Đó là chuẩn úy phi công Hugh Thompson, thợ máy Glenn Andreotta và Larry Colburn - Trung sĩ bắn súng máy trên chiếc trực thăng Hiller OH-23 Raven đã đáp xuống ngăn chặn vụ thảm sát, cứu thoát 42 người dân và đưa 12 người bị thương vào bệnh viện. Họ là những ân nhân của bà con Sơn Mỹ. Đặc biệt, đó là nhà báo Seymour Hersh, người đã đánh thức lương tâm nước Mỹ qua loạt phóng sự điều tra vụ thảm sát Sơn Mỹ. Chính ông đã tìm gặp rất nhiều lính Mỹ tham gia vụ thảm sát để thu thập chứng cứ cùng những tấm ảnh không thể chối cãi của Ron. Ngày 5-12-1969, tạp chí Life của Mỹ đã đưa vụ việc ra ánh sáng để cuối cùng chính phủ Mỹ đã phải lập một phiên tòa đưa các sĩ quan và binh sĩ có liên quan ra xét xử.

Công luận thế giới muốn đưa câu chuyện ra ánh sáng

Tờ Mainichi Shimbun của Nhật đã phỏng vấn, quay rất nhiều phân cảnh về anh Đức. Họ khẳng định rằng họ muốn nhân dân Nhật hiểu nhân vật của tấm ảnh đầy cảm xúc ấy chứ không nhầm tưởng như những lắp ghép vội vàng, thiếu căn cứ trước đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm