Rầm rộ trình làng mạng xã hội Việt

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VN), mạng xã hội (MXH) VN luôn có cơ hội và cơ hội đó càng ngày càng lớn.

Tháng 6-2019, MXH du lịch Hahalolo ra mắt với tuyên bố sẽ cạnh tranh trực tiếp với Facebook. Hahalolo cũng đặt ra mục tiêu đạt 2 tỉ người dùng vào năm 2024 và lên sàn chứng khoán tại Mỹ vào năm 2025.

Nở rộ như nấm sau mưa

Tiếp đó, vào cuối tháng 7-2019, MXH Gapo ra đời. Theo thông tin từ Gapo, quỹ đầu tư G-Captital dự kiến sẽ rót 500 tỉ đồng cho MXH này cùng mục tiêu đến năm 2021 đạt 50 triệu người dùng. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên ra mắt Gapo đã gặp lỗi không thể truy cập được, phải bảo trì và sửa lỗi hệ thống.

Trước đó, đầu năm 2019, VCCorp, một công ty công nghệ và nội dung số đã thành lập Công ty CP MXH Viva. Viva Vietnam tự tin với sức mạnh công nghệ và khả năng cung cấp dịch vụ tốt nhất đến cho mọi người sử dụng. Công nghệ điện toán đám mây và Big Data, AI, Machine Learning là yếu tố quyết định để Viva Vietnam phục vụ hơn 50 triệu khách hàng Internet, điện thoại di động và hứa hẹn sẽ thành công.

Lý giải về sự xuất hiện ngày càng nhiều các MXH made in Vietnam, ông Liên cho rằng đây là sự gặp gỡ giữa cung và cầu, cũng là biểu hiện sự đòi hỏi của cuộc sống và khả năng đáp ứng, bao gồm cả công nghệ, kinh doanh và đầu tư. “Người ta thấy được nhu cầu, nhìn ra được bài toán kinh doanh, có anh ngắn hạn, có anh thì dài hạn, có anh thì quy mô lớn, có anh lại chọn thị trường ngách… Dù thế nào thì cuối cùng vẫn là cung cầu gặp nhau” - ông Liên nhận định.

Ở một góc độ khác, ông Vũ Thế Bình, Tổng giám đốc Công ty Netnam, lý giải nguyên nhân một phần do sự cổ vũ của cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Bộ TT&TT. Ông Bình cũng cho rằng việc các doanh nghiệp Việt đầu tư cho các MXH made in Vietnam là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của Internet trong nước.

Cơ hội đan xen thách thức

Nói về MXH made in Vietnam, ông Liên nhìn nhận: “Chúng ta đem mạng nhỏ để so sánh với những ông lớn thì thấy khoảng cách xa. Nhưng nếu chúng ta cộng nhiều cái nhỏ lại sẽ thấy rằng MXH đem lại nhiều lợi ích cho xã hội thế nào”.

Cũng theo ông Liên, MXH made in Vietnam có nhiều lợi thế. Vì là MXH của người Việt sản xuất, người Việt dùng nên ở đây có sự hiểu biết về văn hóa, thói quen, tập quán, nhu cầu của người dùng để đáp ứng. “Người Việt dùng MXH made in Vietnam cũng giống như người VN dùng hàng VN, chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế” - ông Liên ví von.

Còn ở góc độ người dùng, ông Bình cho rằng họ sẽ hào hứng với những ứng dụng, dịch vụ mới. “Chúng ta thấy là một số dịch vụ, ứng dụng MXH mới vẫn thu hút được người dùng và sự quan tâm của truyền thông. Nếu đặt mục tiêu giành thị phần từ các MXH phổ biến toàn cầu thì các doanh nghiệp sẽ cần sự kiên trì, nguồn lực lớn và sự sáng tạo để đi từ các khác biệt, các thị trường ngách. Từ đó mới dần dần thu hút các nhóm người dùng, xây dựng sự trung thành của họ. Đây chắc chắn là một sứ mệnh rất thách thức” - ông Bình nhấn mạnh.

Giao diện các mạng xã hội made in Vietnam như Hahalolo, Viva Vietnam, Gapo.

Liệu có chết yểu?

Thực tế những MHX của người Việt làm cho người Việt đã có một sự phát triển khá lâu dài. Vào năm 2010, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) đã chính thức ra mắt phiên bản thử nghiệm Go.vn - mạng VN, một dự án công nghệ thông tin (CNTT) VN lớn nhất từ trước đến nay.

Thời điểm đó, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp đã phát biểu: “Mạng VN sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với mạng thế giới bằng con đường trí tuệ và hòa bình. Nhiều người nói rằng tôi chỉ đạo mạng VN ra đời để “dẹp” các mạng khác như Google, Yahoo! là không đúng. Chúng ta sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh, nơi nào có văn hóa, nơi nào có giá trị thì con người sẽ tự tìm đến”.

Tuy nhiên, so với mục tiêu đặt ra ban đầu, mạng VN Go.vn đã không đạt được kết quả như kỳ vọng. Bình luận thêm về những MXH ra đời rầm rộ sau đó chết yểu, ông Liên cho rằng cần phân biệt giữa MXH trên cơ sở nhà đầu tư cân đối được bài toán kinh tế, nếu không cân đối được sẽ dẫn đến thất bại. “Có anh thành công thì cũng có anh thất bại, đó là chuyện bình thường trong kinh doanh” - ông Liên bày tỏ.

Còn theo ông Bình, các dự án MXH made in Vietnam chết yểu là do không tạo ra được hiệu quả kinh tế hoặc không đủ kiên trì cũng như nguồn lực để tiếp tục theo đuổi cuộc chơi đầy thách thức. Cạnh đó, những MXH na ná các dịch vụ, ứng dụng đã phổ biến toàn cầu cũng rất khó tồn tại.

Các MXH do doanh nghiệp tại VN khởi xướng còn tồn tại được dường như là do cách tiếp cận có chút khác biệt. Họ hoặc là bắt đầu từ chỉ một dịch vụ (như tin nhắn) hoặc là bắt đầu từ một dịch vụ phái sinh của nhà viễn thông khi đã có sẵn khách hàng rồi.

Ông VŨ THẾ BÌNH, Tổng giám đốc Công ty Netnam 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm