Rà soát kỹ người bị đưa đi cai nghiện bắt buộc

Đó là báo cáo của ông Hồ Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, về tình hình quản lý người nghiện tại hội nghị góp ý sửa đổi quy định biện pháp xử lý đưa người nghiện vào cơ sở bắt buộc và lấy ý kiến dự thảo nghị định cai nghiện tự nguyện diễn ra chiều 11-10.

Có việc muốn làm trong sạch địa bàn?

Ông Lộc thừa nhận có nhiều nguyên nhân khiến người nghiện gây rối như cơ sở vật chất bị quá tải, liệu trình cắt cơn chưa phù hợp... Nhưng theo ông, nguyên nhân sâu xa nhất là việc muốn làm trong sạch địa bàn, muốn đưa người nghiện vào trại bằng được.

Ông Lộc cho biết qua rà soát 1.481 người nghiện tại cơ sở thì có hơn 82% ma túy đá, 30% người cai nghiện có tiền án, tiền sự. Khi tiếp xúc có người từng thừa nhận là ở trong tù nhưng mới hít một lần đã bị bắt. Đồng Nai hiện có 4.000 đối tượng có hồ sơ quản lý nhưng theo báo cáo của công an thì khi đưa hơn 1.400 người vào cơ sở cai nghiện thì con số vẫn không giảm. “Lẽ dĩ nhiên, giảm chỗ này sẽ nóng chỗ kia” - ông Lộc bức xúc.

Ông Lộc đề nghị các bộ, ngành cần xác định thế nào là không có nơi cư trú ổn định. Ông kể: “Sau sự cố, tôi mới biết có nhiều học viên kêu tôi là cậu, là chú vì ở gần nhà. Đặc biệt hơn, khi cho một người bị bệnh về, phụ huynh lên thì tôi mới biết nó ở sát nhà tôi. Kế bên nhà tôi mà nói là không có nơi cư trú ổn định là sao?”.

Ngoài ra, ông đề nghị cần quy định cụ thể diện tích cho một học viên ở và vui chơi là bao nhiêu mét vuông để không bị quá tải và xử lý cụ thể các hành vi gây rối tại cơ sở cai nghiện.

Học viên Trung tâm cai nghiện Đồng Nai phá trại ra ngoài bị bắt lại ngày 7-11. Ảnh: TIẾN DŨNG

Xây dựng nội quy rõ ràng

Trao đổi tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm nhìn nhận có sự chưa tương thích giữa định hướng và thực hiện nên cần phải thống nhất lại. Trong khi đề án đổi mới công tác cai nghiện hướng đến việc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng là chủ yếu thì các địa phương rất sốt ruột để đưa người nghiện vào cơ sở bắt buộc.

Theo ông, thực tế việc cai nghiện bắt buộc đã thực hiện hơn 20 năm trước và con số tái nghiện rất cao nên phải xoay cách khác chứ không thể tiêu tốn mãi tiền của nhân dân.

“Qua báo cáo vừa qua, tôi thấy số lượng học viên đưa về cộng đồng rất ít. Sự việc gây rối ở các cơ sở vừa qua là do đưa cả mấy trăm con người vào mà không phân loại” - ông Đàm nói.

Ông Đàm cho biết theo đề án đổi mới cai nghiện của Chính phủ đẩy mạnh cai nghiện tại cộng đồng thì đến năm 2020 sẽ chỉ còn 6% người cai nghiện bắt buộc. Mặt khác, các phương pháp cai nghiện tự nguyện hiện nay được mở rộng như dùng thuốc thay thế là điều đáng kỳ vọng bởi người điều trị vẫn đi học, đi làm được.

Theo ông Đàm, phải ban hành quy chế và niêm yết công khai để cán bộ và người nghiện tuân theo để khi vỡ ra mới biết xử lý như thế nào. Ví dụ, quy định người nghiện chết trong thời gian lập hồ sơ hay muốn ra ngoài dự đám cưới người thân, người nhà qua đời thì phải tính sao... Đối với những người đã bỏ trốn thì kiên quyết thu gom để giáo dục những người khác.

Góp ý thêm, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, cho rằng cần đổi mới phương pháp tiếp cận người nghiện, nâng cao năng lực cán bộ thay vì xin dựng rào, công cụ hỗ trợ để khống chế người nghiện, nhìn nhận họ như tội phạm. Cũng theo ông, mới đây Bộ ban hành khung đào tạo lại đội ngũ cán bộ từ trung ương đến địa phương, đặc biệt chú trọng đến cán bộ làm trong cơ sở cai nghiện và yêu cầu các cơ sở cai nghiện có nội quy, quy chế, quy chế buồng bệnh chặt chẽ...

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác cai nghiện

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH xây dựng nghị định triển khai công tác cai nghiện tự nguyện để phục vụ đề án đổi mới cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, đẩy mạnh công tác xã hội hóa tạo điều kiện cho mọi tổ chức và cá nhân tham gia công tác cai nghiện. Trong đó, dự thảo quy định trình tự, thủ tục cung cấp dịch vụ cai tự nguyện. Các cơ sở có thể tùy theo năng lực mà tham gia các công đoạn khác nhau như cắt cơn, giải độc tư vấn trị liệu hay toàn bộ công đoạn cai nghiện. Hiện toàn quốc có 22 cơ sở dân lập tự nguyện nhưng chín cơ sở hiện gặp nhiều khó khăn và đề nghị Bộ chấm dứt hoạt động. 13 cơ sở kia thì không có hiện tượng gây rối như cơ sở công lập bởi vì đối tượng vào cai nghiện là do bản thân và gia đình tự nguyện, vào phải đóng tiền nên toàn tâm toàn ý thực hiện nội quy trong cơ sở để sớm trở về cộng đồng. Còn các học viên có hành động quá khích, riêng theo báo cáo của Đồng Nai có tới 82% sử dụng ma túy đá tổng hợp, không làm chủ hành vi bản thân dẫn đến gây rối, đập phá nên cần thiết phải đưa vào cai bắt buộc.

Ông NGUYỄN XUÂN LẬP, Cục trưởng Cục Phòng chống
tệ nạn xã hội, Bộ LĐ-TB&XH

Tính đến tháng 10-2016 có 53/63 tỉnh, TP đã tổ chức thực hiện và đã áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 14.437 người nghiện ma túy; một số tỉnh, TP có số người được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cao như: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Nghệ An...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm