Quỹ tự nguyện nhưng lại định mức thu

Tiếng là vận động dân nộp quỹ tự nguyện nhưng người dân luôn được thông báo đóng góp với số tiền cụ thể.

Để dân tự nguyện chọn đóng

Phản ánh với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Quang, khu phố 3, phường Hiệp Phú (quận 9, TP.HCM), nói: “Tôi vừa nộp 250.000 đồng cho chín loại quỹ xã hội trong một năm, như thế nhiều đối với gia đình tôi. Đồng ý những loại quỹ như phòng chống lụt bão, quốc phòng an ninh, Nhà nước bắt buộc đóng thì mình đóng. Nhưng những quỹ tự nguyện khác như bảo trợ trẻ em, khuyến học… ai có thì đóng, không thì thôi chứ sao phải quy định số tiền cụ thể. Như vậy đâu còn gọi là tự nguyện nữa” - ông Quang đặt vấn đề.

Ông Quang cho rằng ngoài hai quỹ bắt buộc ra, nếu để tự nguyện đóng thì ông sẽ đóng thêm quỹ vì Trường Sa và vì người nghèo, bởi tôi thấy hai quỹ đó cần thiết phải ủng hộ. “Gia đình tôi còn khó khăn, làm chỉ đủ ăn nên nộp chừng đó thứ quỹ cũng là nhiều rồi” - ông Quang cho biết thêm.

Nằm kề khu phố 3 là khu phố 5 nhưng mức đóng góp cho chín loại quỹ nói trên tại đây lại chỉ có 220.000 đồng/hộ/năm. Theo bà Dương Thị Nhi - người dân sống tại khu phố này, chừng đó cũng là nhiều với gia đình bà. “Tôi ở nhà nội trợ, chồng là công nhân, lương bấp bênh. Nhưng mình sống ở phường, phường thu quỹ thì mình buộc phải đóng cho tròn nghĩa vụ, không lại khó ăn khó nói với phường nếu có việc gì đó” - bà Nhi cho biết.

Trong khi đó ông Dương Thái Long, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP.HCM), lại tỏ ra rất bức xúc nói rằng ông phải đóng tiền cho… 11 loại quỹ. “Tuy mỗi hộ nộp có 180.000 đồng nhưng danh sách 11 loại quỹ của phường tôi thấy là chưa hợp lý. Những quỹ như người cao tuổi, chữ thập đỏ, khuyến học… chẳng hạn thì chỉ những người là hội viên của hội mới phải đóng chứ sao lại thu từ tất cả hộ dân?” - ông Long phản ánh.

Tổ trưởng đi thu quỹ: Trầy vi tróc vảy

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thu Hà, tổ trưởng tổ 4A, khu phố 5, phường Hiệp Phú (quận 9, TP.HCM), cho biết: “Chỉ tiêu phường đưa ra là có nhưng chúng tôi còn căn cứ vào tình hình thực tế của khu phố mình mà đưa ra mức thu cho phù hợp. Tôi không biết các khu phố khác thu bao nhiêu nhưng ở khu phố 5, thu 220.000 đồng/hộ/năm cũng đã là khó đạt được vì nhiều người dân không chịu và hiện chúng tôi đang đắn đo mức thu phù hợp hơn”.

Cũng theo bà Hà, các tổ trưởng tổ dân phố đều cố gắng thu được nhiều nhất có thể nhưng hiếm khi chỉ thu trong dân mà đạt được chỉ tiêu. “Dân cũng có người thế này thế khác. Có người đóng góp đầy đủ, có người đóng xong còn vui vẻ ủng hộ thêm. Song lại cũng có người nói cách gì cũng khăng khăng: Tui không có tiền đóng, tui không đóng! Mà họ đã nói thế thì chẳng có cách nào thu được. Thành thử để hoàn thành chỉ tiêu phường giao, chúng tôi phải đi vận động thêm từ các doanh nghiệp hoặc mạnh thường quân. Tổ trưởng nào cũng ngán nhất là vụ thu quỹ này” - bà Hà cho hay.

Đồng tâm trạng, ông Nguyễn Sĩ Trực, tổ trưởng tổ 8B (phường Hiệp Bình Chánh, quậnThủ Đức), cũng cho hay: “Làm tổ trưởng hơn chục năm nay, được bà con tín nhiệm tin tưởng nhưng tôi thấy đi thu quỹ là việc cực nhất. Đi từ nhà này tới nhà khác, ngày nọ qua ngày kia, vận động giải thích đến khô nước miếng mới được tiền chứ nào có dễ. Nói không ngoa, đúng là phải trầy vi tróc vảy mới thu được tiền dân!”.

Thấy mệt mỏi, ông Trực đã nhiều lần làm đơn xin nghỉ chức tổ trưởng chỉ vì không chịu nổi áp lực từ việc thu quỹ nhưng cho tới giờ vẫn chưa được xét. “Chỉ tiêu từ quận đưa xuống phường, phường đưa xuống khu phố, khu phố giao lại chỉ tiêu cho từng tổ dân phố. Hoàn thành được chỉ tiêu thì chẳng nói làm gì, nếu không hoàn thành là bị nhắc nhở trong các cuộc họp hoài, là không hoàn thành nhiệm vụ. Cũng nhiều áp lực lắm” - ông thở dài.

Không chỉ riêng bà Hà, ông Trực mà bất cứ tổ trưởng tổ dân phố nào khi nhắc tới chuyện thu quỹ cũng đều nhăn mặt, lắc đầu. Một tổ trưởng ở phường Bình An, quận 2 than thở: Làm trăm thứ việc của tổ không mệt bằng một việc thu quỹ. Đi vận động đóng quỹ có phải nói là xong đâu, có những lúc còn phải… năn nỉ nữa. “Nhiều khi thấy bóng dáng tổ trưởng là người ta đã mắt trước mắt sau đóng cửa, giả bộ vắng nhà. Lúc đó tự nhiên thấy tủi dữ lắm, thấy mình chẳng khác gì đi đòi nợ” - vị này tâm sự.

Phường: Không ra định mức thì rất khó thu

Dân kêu oải vì phải nộp nhiều loại quỹ, tổ trưởng kêu ngán việc thu quỹ thì phường cũng… đau đầu vì quỹ. Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Phú (quận 9), ông Đặng Minh Ngôn, than: “Nhắc tới việc thu các loại quỹ trong dân là chúng tôi đau đầu lắm. Có lẽ không quận nào là không ra chỉ tiêu cho các loại quỹ, vì đây là chỉ tiêu TP giao cho quận, quận lại phân bố chỉ tiêu cho các phường, rồi cứ thế chia nhỏ xuống khu phố, tổ dân phố để tiến hành thu từ các hộ dân. Biết rằng đó là quỹ tự nguyện nhưng tôi dám chắc nếu để dân tự nguyện đóng từng đó tiền thì sẽ rất khó thu được”.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường này, ông Trần Hữu Thắng, cũng cho hay đề ra chỉ tiêu cho các khu phố, ấn định số tiền cho các loại quỹ chẳng qua cũng chỉ là mục tiêu để phấn đấu đạt được. “Chỉ tiêu thì là thế nhưng nếu dân không đóng hoặc đóng ít hơn số tiền đưa ra thì chúng tôi cũng chịu chứ làm thế nào” -  ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, có một nghịch lý lâu nay là trước mỗi kỳ thu quỹ, phường đều phối hợp với tổ dân phố tổ chức hội nghị, mời người dân đến dự để thống nhất mức đóng góp cho mỗi loại phí rồi mới tiến hành thu. “Khổ nỗi lúc họp thì ai cũng giơ tay nhất trí đóng góp chừng đó là hợp lý, hỏi đi hỏi lại chẳng ai có ý kiến gì. Nhưng khi tổ trưởng đi thu, không ít người lại viện cớ này nọ không đóng, rồi kêu sao phải đóng nhiều… Chúng tôi cũng khó xử lắm” - ông Thắng than.

Phó Chủ tịch UBND phường Bình An (quận 2), bà Trần Thị Hồng, cũng cho hay nếu thu theo đúng tinh thần tự nguyện, tức là ai nộp thì nộp, ai không nộp thì thôi sẽ rất khó thu được quỹ. Cũng theo bà Hồng, một điều chắc chắn là chỉ thu trong dân thôi thì sẽ không bao giờ đủ chỉ tiêu được giao, bởi vậy thường đến cuối kỳ, phường cũng đều phải vận động thêm doanh nghiệp trên địa bàn bù vào mới đủ.

THU HƯƠNG

 

Chỉ tiêu là để phấn đấu chứ không áp đặt

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề trên, bà Đặng Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND quận 9, cho biết: “Ngoài thu các loại quỹ theo pháp lệnh là có chỉ tiêu, định mức, các loại quỹ tự nguyện khác chúng tôi thường thu theo hình thức chính là vận động người dân”.

Theo bà Liên, đúng là mỗi phường, mỗi khu phố khi thu các loại quỹ tự nguyện vẫn thường đưa ra chỉ tiêu là con số cụ thể. “Nhưng tôi phải nhắc lại cho rõ, chỉ tiêu đó là chỉ tiêu đưa ra với mục đích chính là để phấn đấu chứ không hề áp đặt người dân ở đây phải đóng” -  bà Liên nói.

Bà Liên cho biết thêm: Trước khi triển khai thu quỹ ở địa bàn nào, các phường cũng đều nắm rõ tình hình kinh tế-xã hội, đời sống bà con ở đó ra sao rồi mới đưa ra mức thu cho phù hợp với thực tế. Ví dụ, một khu phố đông công nhân, người lao động tự do, người có hoàn cảnh khó khăn thì mức thu sẽ khác chút ít với khu phố có nhiều người kinh doanh, mở tiệm, rồi khu phố có dân trí cao, mức sống khá. “Điều này cũng lý giải được việc tại sao ngay trong một phường thôi mà mức thu các loại quỹ giữa các khu phố đã có sự chênh lệch rồi” - bà Liên nói.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, khu phố 3, phường Hiệp Phú (quận 9), khu phố nơi ông ở đang tiến hành thu chín loại quỹ xã hội cho năm 2014. Cụ thể: Quỹ chữ thập đỏ 10.000 đồng, quỹ giảm nghèo tăng khá 10.000 đồng, quỹ vì Trường Sa 10.000 đồng, quỹ đền ơn đáp nghĩa 10.000 đồng, quỹ khuyến học 15.000 đồng, quỹ bảo trợ trẻ em 20.000 đồng, quỹ phòng chống lụt bão 25.000 đồng, quỹ vì người nghèo 30.000 đồng và quỹ an ninh quốc phòng 120.000 đồng/hộ/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm