Quan điểm trái chiều về hợp pháp hóa mại dâm

Tại hội thảo quan điểm định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm ngày 28-3 vừa qua, ông Nguyễn Trọng Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng phải xem mại dâm là một nghề. Khi đó người bán dâm phải đăng ký, được khám sức khỏe định kỳ hằng tháng, thành lập tổ chức để kiểm soát và có nộp thuế cho Nhà nước…

Ngay sau khi quan điểm này được chia sẻ, bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ cũng có nhiều người phản đối. Một số cho rằng việc hợp pháp hóa sẽ giúp kiểm soát tốt hơn hoạt động mại dâm, ngược lại một số lại lo ngại việc này sẽ khiến công tác quản lý trật tự xã hội gặp nhiều khó khăn hơn…

Dưới đây là quan điểm của các chuyên gia, luật sư về vấn đề này.

Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Nếu hợp pháp hóa, mại dâm sẽ phức tạp hơn

Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ

Để hợp pháp hóa mại dâm thì việc sửa các điều luật hay bỏ các điều luật trong BLHS về các tội danh liên quan đến mại dâm không khó. Tuy nhiên, hợp pháp hóa mại dâm không thể giúp kiểm soát được mại dâm mà chỉ khiến nó tràn lan thêm. Tiền thuế mà Nhà nước thu được rất ít trong khi chi phí bỏ ra để duy trì hệ thống “phố đèn đỏ” và y tế cho gái bán dâm, cũng như truy quét các loại tội phạm như ma túy, trộm cướp, cờ bạc... lại rất lớn.

Chưa kể việc hợp thức hóa mại dâm sẽ làm gia tăng nạn “mại dâm chui, gái đứng đường” không giấy phép do gái bán dâm không muốn phải nộp thuế và bị quản lý, kéo theo đó là bạo lực đường phố và làm giả giấy phép. Việc này sẽ dẫn đến tồn tại song song “mại dâm hợp pháp” và “mại dâm bất hợp pháp” làm cho quản lý càng rắc rối hơn vì khó có thể xác minh gái mại dâm có hay không có giấy phép hành nghề, giấy phép đó là thật hay giả.

Quan điểm cho rằng hợp pháp hóa mại dâm sẽ giúp quản lý, bảo vệ phụ nữ và ngăn ngừa tệ nạn xã hội là một cái nhìn ngộ nhận. Ở một khía cạnh khác, hợp pháp hóa mại dâm cũng cho thấy việc này không vì sự phát triển của phụ nữ nói chung. Bởi có khả năng nó sẽ khiến những em gái đang ở tuổi đến trường (nhận thức chưa đầy đủ), đặc biệt các em gái thuộc các gia đình có kinh tế khó khăn, sớm xa rời sách vở, học hành… để lựa chọn “nghề nghiệp” này.

Còn nữa, hợp pháp hóa mại dâm sẽ làm gia tăng tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em. Ví dụ một bé gái bị bắt cóc, đánh đập và bắt tiếp khách. Sau đó, các đối tượng tội phạm khống chế bé gái này, bắt viết đơn gia nhập đường dây “hành nghề” của chúng. Đến khi gia đình đi tìm, phát hiện cháu bé đang trong “nhà thổ” thì các đối tượng “quản lý” đưa ra giấy cam kết tự nguyện gia nhập đường dây “hành nghề” mà bé gái (bị ép buộc) viết. Lúc này pháp luật cũng sẽ rất khó để xử lý.

Vậy nên đừng nghĩ rằng hợp pháp hóa mại dâm lại có thể bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ. Tóm lại, nếu hợp pháp hóa mại dâm sẽ khiến lĩnh vực nhạy cảm này trở nên phức tạp hơn.

Quan điểm hợp pháp hóa mại dâm đang gây nhiều tranh cãi. Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt trong khóa học “My body, my rights” do CLB hỗ trợ người bán dâm tổ chức. Ảnh: G.NGHI

Trung tá ĐÀO TRUNG HIẾU, chuyên gia tội phạm học,  Bộ Công an:

Không kiểm soát được thì nên chấp nhận

Trung tá ĐÀO TRUNG HIẾU

Tôi đồng tình với việc kiểm soát hoạt động mại dâm bằng luật, bởi hiện tượng này là một thực tế xã hội và đang thách thức mọi nỗ lực để kiểm soát.

Cái nghề vốn được coi là hạ đẳng này lại nuôi sống bao con người không có tư liệu sản xuất trong tay (không ruộng đất, nghề nghiệp, học vấn..). Để tồn tại, họ phải bán đi danh dự của mình. Họ đáng thương hơn đáng trách. Quyền được sống, mưu cầu cuộc sống vật chất của bất cứ ai cũng cần được tôn trọng.

Mọi vấn đề đều phải đảm bảo quyền được sống của công dân. Gái mại dâm cũng là công dân, cũng cần có những nhu cầu tối thiểu của con người. Liệu rằng trước giờ chúng ta cứ hô hào phòng, chống mại dâm và các tệ nạn xã hội khác nhưng có thực sự cấm được nó không, hay còn làm nó biến tướng dưới nhiều hình thức phức tạp hơn, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội?

Nếu không công nhận gái mại dâm thì họ vẫn cứ tồn tại ngoài pháp luật. Do vậy, không nên dùng ý chí chủ quan để áp đặt họ phải bỏ nghề mà nên chấp nhận hiện tượng này như một thực tế trong một xã hội muôn màu hiện nay.

Nếu hợp pháp hóa, quyền lợi của họ được đảm bảo. Bởi khi Nhà nước quản lý sẽ có các biện pháp khám sức khỏe định kỳ để phòng, chống bệnh tật lây lan. Còn không, họ vẫn sẽ bị “quản lý” bởi một lực lượng ngoài Nhà nước là “xã hội đen”, khi đó quyền lợi của họ bị bóc lột thậm tệ hơn.

Theo tôi, nên nhìn nhận vấn đề này bằng nhiều góc độ, nhiều chiều hướng và cần đưa ra được những giải pháp mang tính dài hơi nhằm quản lý hoạt động mại dâm để giảm thiểu những hệ lụy từ chuyện này mang lại.

PGS-TS TRỊNH HÒA BÌNH, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam:

Không coi là nghề nhưng cần quản lý

PGS-TS TRỊNH HÒA BÌNH

Dù chưa bao giờ được xã hội thừa nhận nhưng thực tế ở nước ta từ rất lâu vẫn tồn tại một “thị trường” mại dâm hoạt động ngầm. Những con người, thân phận hoạt động trong lĩnh vực mại dâm dường như rất yếu đuối, nhỏ nhoi và không được bảo vệ, khám, chăm sóc sức khỏe...

Phạm trù đạo đức của văn hóa phương Đông không bao giờ chấp nhận. Mại dâm theo tôi không nên nhìn đó là một nghề nhưng nên nhìn nhận nó như là một vấn đề, thực tế xã hội để quản lý tốt hơn.

Khi đưa vào quản lý sẽ phòng trừ được các dịch bệnh và các vấn đề liên quan đến tiền bạc, thu thuế, khống chế tội phạm..., thậm chí còn là bảo vệ người lao động trong lĩnh vực này. Đặc biệt, quản lý được sẽ giúp làm lành mạnh xã hội thay vì cứ để nó hoạt động chui lủi, vô kiểm soát.

Nói thêm, nếu coi mại dâm là một nghề thì phải có mã số nghề, giáo trình, đào tạo nghề, bảo trợ nghề, lương bổng... và hơn thế phải làm rõ tổ nghề là ai, lịch sử như thế nào. Điều này trong thời điểm hiện tại, với truyền thống, văn hóa phương Đông là không hề đơn giản và chưa thể làm ngay. Tuy nhiên, việc quản lý chắc chắn cần sớm thực hiện bằng các quy định cụ thể của pháp luật.

Chúng ta cần thay đổi cách tư duy, thay vì “phòng, chống” một cách giáo điều, hình thức bằng cách “quản lý” để hạn chế các tác động tiêu cực.

“Ra trại, em vẫn tiếp tục làm gái mại dâm”

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) nói ông vẫn còn day dứt khi nhớ một lần cùng đồng đội đi “bắt” ổ mại dâm.

Một cô gái mại dâm bị bắt nói thẳng với ông: “Em đã vào trại Lộc Hà phục hồi nhân phẩm bốn lần rồi, lần này em phục hồi thêm mấy tháng nữa cũng không sao”.

Ông hỏi: “Thế ra trại em có đi làm tiếp không?”. Không chút đắn đo, cô gái dứt khoát: “Làm chứ! Không làm thì mẹ con em biết sống bằng cái gì? Không lẽ các anh nuôi được mẹ con em chắc!”.

Vị công an lặng đi một thoáng: “Sao không kiếm cái nghề nào đấy lương thiện mà làm, ví dụ như rửa bát, ôsin hay nhặt rác chẳng hạn?”

Cô gái đáp lại ngang tàng nhưng cũng đầy chua xót: “Ôi dào, anh tưởng dễ kiếm việc hả? Với lại một khi đã bị bắt thế này, báo chí lại còn chụp ảnh đăng báo thì thử hỏi chúng em có còn cơ hội mà về quê nhìn mặt ai nữa đâu mà kiếm việc làm lương thiện chứ!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm